Suối Kim Cương bao giờ “sống” lại?

BVR&MT – Người dân địa phương gọi là suối Kim Cương, hay còn có tên khác là suối Cây Thị, Trại Cau, vì chảy qua địa bàn các xã Cây Thị, thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên). Nhiều năm qua, con suối được coi là dòng “suối chết”, bởi mùa khô cũng như mùa mưa, năm này qua năm khác, lúc nào cũng đậm đặc bùn đỏ do hoạt động khoáng sản gây ra.

Suối Kim Cương đặc sệt bùn đỏ do hoạt động khoáng sản gây ra.

Suối Kim Cương đặc sệt bùn đỏ ở đoạn đầu nguồn, dòng nước đỏ lòm chảy ra sông Cầu, một phần sông Cầu được dẫn vào sông Đào, cung cấp nước tưới cho huyện Phú Bình (Thái Nguyên) và tỉnh Bắc Giang. Mặc dù nước suối Kim Cương đỏ lòm chảy vào sông Cầu đã được pha loãng, nhưng khi chảy vào sông Đào vẫn ngầu đỏ. Người dân xã Dương Thành thuộc huyện Phú Bình, giáp với tỉnh Bắc Giang, cách đoạn đầu nguồn suối Kim Cương chừng gần 40 km, nhưng lấy nước sông Đào cấy lúa, mặt ruộng hình thành một lớp bùn đỏ.

Lãnh đạo và nông dân xã Dương Thành rất bức xúc trước tình trạng nước cấy lúa ngàu đỏ, làm cho cây lúa bị bó rễ khó phát triển như bình thường, nhiều năm tích tụ lại nên chất lượng đất bị suy giảm, hằng năm phải đầu tư nhiều phân bón hơn cho lúa.

Trại cá giống tại trung tâm huyện Phú Bình, nhiều lần lấy nước sông Đào vào ao, hồ làm cho cá giống, cá bố mẹ chết hàng loạt, có lần hàng tấn cá chết. Khi vớt cá lên, cán bộ trại giống phát hiện trong mang cá đầy bùn đỏ, cán bộ chuyên môn xác định, trong nước có bùn đỏ, trong quá trình hô hấp bùn đỏ bám dày vào mang làm cá không thở được, chết nổi trên mặt nước.

Còn tại khu vực xã Cây Thị và thị trấn Trại Cau, nước suối Kim Cương đặc sệt bùn đỏ nên không thể sử dụng để cấy lúa, chăn nuôi. Nhiều năm bùn đỏ lưu cữu, dòng suối trở nên nông dần, mỗi khi có mưa là nước kèm theo bùn đỏ tràn lên ruộng nương của người dân bên bờ, nhiễm bùn đỏ nên nhiều diện tích trở nên hoang hóa.

Nguyên nhân của tình trạng này là do trên địa bàn có một số hoạt động khoáng sản, nhưng gần như không có công trình để bảo vệ môi trường tương xứng, thậm chí bùn đỏ được xả thẳng ra suối nên Kim Cương quanh năm đậm đặc bùn đỏ. Người dân và chính quyền cơ sở nhiều lần đề nghị ngành chức năng và cấp có thẩm quyền tỉnh Thái Nguyên kiểm tra, xử lý, nhưng chưa có chuyển biến tích cực, Kim Cương trở thành suối bùn đỏ.

Những năm qua, đã có nhiều hoạt động kiểm tra, giám sát của các cấp chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan bảo vệ môi trường, có đơn vị khai thác, chế biến khoáng sản bị xử phạt đến 500-600 triệu đồng, đình chỉ hoạt động cho đến khi có công trình bảo vệ môi trường được xác nhận. Nhưng trên thực tế, cơ sở chế biến khoáng sản vi phạm nghiêm trọng về môi trường chưa bao giờ dừng hoạt động.

Một điều lạ khác, các mỏ sắt trên địa bàn xã Cây Thị và thị trấn Trại Cau thời gian vừa qua đều không hoạt động, hoặc dừng hoạt động, vì gây sụt lún, hết thời hạn khai thác, khai thác hết khoáng sản. Nhưng không hiểu vì sao, xưởng tuyển trên địa bàn vẫn hoạt động thường xuyên. Điều này chỉ có thể lý giải, nguồn quặng được khai thác lén lút, không minh bạch.

Những đơn vị nào đang hoạt động khoáng sản ở trên địa bàn xã Cây Thị và thị trấn Trại Cau, các cơ quan quản lý về môi trường, khoáng sản, chính quyền các cấp đều biết. Nhưng có lẽ do nể nang, né tránh hoặc quản lý nhà nước chưa có hiệu lực, hiệu quả nên các hoạt động khoáng sản vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, làm cho Kim Cương trở thành dòng “suối chết” từ nhiều năm qua vẫn không được khắc phục.

Người dân tự hỏi, suối Kim Cương bao giờ sống lại để mang đến nguồn nước trong lành cho sản xuất, đời sống?