Sức khỏe của rừng phụ thuộc vào mức độ phát triển kinh tế

BVR&MT – Trái ngược với một số mô hình khí hậu đưa ra giả thuyết khí CO2 trong không khí hoạt động như một loại phân bón cho cây trồng, giúp cây phát triển nhanh hơn thì nghiên cứu của các nhà khoa học Phần Lan mới đây – đăng trên Trang PLOS ONE – khẳng định mức độ phát triển kinh tế mới là nguyên nhân chính quyết định mức độ che phủ rừng.

Nhà nghiên cứu Antti Lipponen thuộc Viện Khí tượng Phần Lan cho hay sự thay đổi về trữ lượng rừng trồng trên toàn thế giới trong hơn một thập kỷ qua hầu như không liên quan đến xu hướng gia tăng CO2 trong bầu khí quyển.

Không những vậy, Lipponen cùng cộng sự còn phát hiện ra rằng rừng của một số quốc gia xanh hơn trong thế kỷ 19 – trước thời điểm bắt đầu phát thải các-bon từ các hoạt động của con người – và sự hồi sinh trong độ che phủ rừng thường xảy ra khi một đất nước trở nên thịnh vượng hơn và người dân chuyển sang hình thức canh tác nông nghiệp hiệu quả hơn trên nền đất canh tác tốt hơn.

Rừng bị chặt phá để canh tác ở Suriname (Ảnh: Rhett A.Butler/Mongabay)

Từ các dữ liệu phân tích về trữ lượng rừng ở các quốc gia bao gồm cả xu hướng gia tăng hoặc suy giảm cùng với việc tham khảo tiêu chuẩn về định mức thu nhập từ Ngân hàng Thế giới và tiêu chuẩn phát triển từ Chỉ số Phát triển Con người của Liên hợp quốc, các nhà nghiên cứu nhận thấy hầu hết các quốc gia đều mất rừng cho đến khi đạt được mức thu nhập nhất định. Nhóm cho rằng ngưỡng GDP để các quốc gia bắt đầu có rừng trở lại là khoảng 20.000 USD/người – gần gấp 4,5 lần ước tính trước đó.

Bước chuyển đổi từ việc có rừng trở lại cho tới giai đoạn gia tăng độ che phủ rừng đã lần đầu tiên xuất hiện ở những nơi như châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản và New Zealand, gần đây hơn là ở các nước có nền kinh tế đang lên như Chile và Trung Quốc.

“Nơi nào con người và các quốc gia đang hoặc trở nên tương đối giàu có, chúng ta có thể tin tưởng vào sự gia tăng hấp thu các-bon từ các khu rừng”, Nhà khoa học môi trường Pekka Kauppi, Đại học Helsinki kiêm tác giả chính của nghiên cứu tái khẳng định.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số quốc gia đang mất rừng nhiều nhất như Brazil, Indonesia, Nigeria và họ vẫn chưa ngăn được tình trạng phá rừng để chuyển đổi sang giai đoạn có rừng trở lại.

Tóm lại, việc hiểu được bản chất sự tiến triển của rừng có thể giúp ích trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu và nghèo đói. Ngược lại, sự phát triển của con người có thể chuyển thành phúc lợi của các hệ sinh thái rừng và điều này sẽ thúc đẩy việc cô lập các-bon cũng như bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu trong dài hạn.

Để dung hòa hai mục tiêu vô cùng quan trọng này, các phân tích chính sách cần mở rộng từ việc chỉ tập trung vào những dự án riêng lẻ như thu giữ các-bon, bảo tồn đa dạng sinh học hoặc quản lý trang trại sang phân tích liên ngành về phúc lợi hài hòa của con người và rừng, Lipponen nhấn mạnh.

Nhật Anh (Theo Mongabay)

CHIA SẺ