Sức bật để Quảng Ninh thành cực tăng trưởng kinh tế miền Bắc

BVR&MT – Các đô thị của Quảng Ninh trong những năm gần đây đã phát triển với tốc độ chóng mặt, tạo nên sự thay da đổi thịt và làm nên vóc hình của các thành phố hiện đại.

Tuyến đường cao tốc Hạ Long-Vân Đồn.

Phát triển thành vùng đô thị lớn mang tầm vóc quốc tế là một trong những đích lớn mà tỉnh Quảng Ninh đặt ra và đang nỗ lực chinh phục mục tiêu này. Đây cũng chính là động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội Quảng Ninh phát triển nhanh và bền vững.

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Quảng Ninh, đến nay, toàn tỉnh có 15 đô thị gồm 4 thành phố và 2 thị xã trực thuộc tỉnh; trong đó, Hạ Long là thành phố đô thị loại I, Uông Bí và Cẩm Phả là đô thị loại II, Móng Cái là đô thị loại III.

Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh tăng từ 50,3% (đầu năm 2011) và đến nay đạt trên 64%. Kết quả này đưa Quảng Ninh trở thành một trong 3 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước (sau Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương).

Cùng đó, Quảng Ninh đã hoàn thành và công bố 7 đồ án quy hoạch; trong đó, những đồ án quy hoạch chiến lược của tỉnh đều thuê các đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới thực hiện và được triển khai một cách đồng bộ, bài bản.

Đặc biệt, sau khi quy hoạch chung các địa phương, Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng hướng dẫn các địa phương triển khai xây dựng và ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị; lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các đô thị và các quy hoạch khu chức năng đặc thù… để cụ thể hóa đồ án quy hoạch chung và làm cơ sở quản lý, thu hút đầu tư theo quy hoạch.

Nhờ triển khai theo quy trình chặt chẽ theo từng bước, các đồ án quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung đô thị, Quảng Ninh đã dành nguồn lực, kêu gọi nhiều nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án trên địa bàn.

Các đô thị của Quảng Ninh trong những năm gần đây đã phát triển với tốc độ chóng mặt, tạo nên sự thay da đổi thịt và làm nên vóc hình của các thành phố hiện đại. Thành phố Cẩm Phả là một dẫn chứng điển hình khi chỉ sau hơn 1 năm được công nhận là đô thị loại II đã có những bước tiến nhanh, ngày càng thể hiện rõ nét vai trò vùng kinh tế động lực của tỉnh.

Đến nay, thành phố Cẩm Phả có hệ thống giao thông đường bộ, đường thuỷ và đường sắt nội thị thuận lợi cho việc giao thương và vận chuyển hàng hóa. Đó là Quốc lộ 18A qua địa bàn dài gần 70km, tỉnh lộ 326 từ Hoành Bồ đi Mông Dương, tỉnh lộ 329 từ Mông Dương đi Ba Chẽ.

Đặc biệt, Dự án đường cao tốc Hạ Long-Vân Đồn và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long-Mông Dương có tổng vốn đầu tư gần 14.000 tỷ đồng đang được nhà đầu tư triển khai.

Trên địa bàn thành phố Cẩm Phả còn có cảng quốc gia Cửa Ông, cảng Hòn Nét phục vụ xuất khẩu than, đảm bảo các tàu có trọng tải từ 6-10 vạn tấn ra vào; có 6 cảng nội địa phục vụ xuất nhập hàng hóa, du lịch…

Kết cấu hạ tầng được đầu tư theo quy hoạch, đáp ứng các tiêu chuẩn đô thị, phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương.

Để tạo động lực đột phá trong phát triển đô thị, Quảng Ninh đã tập trung triển khai quy hoạch xây dựng hạ tầng đô thị, đẩy mạnh thu hút đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Nhà nước; đồng thời nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ…

Những kết quả ban đầu khả quan đã khẳng định đổi mới trong tư duy, linh hoạt trong thực hiện, phát huy hiệu quả quản lý, đầu tư. Đây chính là tiền đề để Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp vào năm 2020.

Các dự án hạ tầng góp phần thay đổi diện mạo Quảng Ninh, đem lại sự kết nối thuận tiện với toàn vùng như cao tốc nối thành phố Hạ Long với thành phố Hải Phòng; cao tốc Hạ Long-Vân Đồn; cải tạo nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long-Mông Dương; cải tạo nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long-Uông Bí, Uông Bí-Đông Triều; đường vào Khu công nghiệp Việt Hưng, Khu công nghiệp Hải Hà; sân bay Vân Đồn…

Nhận xét về tiềm năng từ đột phá trong thay đổi hạ tầng của Quảng Ninh, ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc bộ phận Tư vấn, Savills Hà Nội, cho rằng Vân Đồn là khu vực đáng nói nhất trong thời gian qua.

Từ năm 2017, những dấu hiệu về cải tiến đáng kể cơ sở hạ tầng của khu vực này, bao gồm sân bay Vân Đồn đã tạo ra một làn sóng sôi động cho thị trường bất động sản, hấp dẫn nhà đầu tư cả nội lẫn ngoại.

Bên cạnh đó, những định hướng phát triển của tỉnh Quảng Ninh nói chung và khu vực Vân Đồn nói riêng, đến năm 2030 đưa Vân Đồn trở thành trung tâm tài chính, du lịch và văn hóa của tỉnh cũng tiếp sức cho làn sóng hấp dẫn của thị trường bất động sản tại đây, ông Sơn phân tích.

Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng cũng nhấn mạnh về mục tiêu đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ, công nghiệp, là cực tăng trưởng của miền Bắc vào năm 2020. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh sẽ tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Trước hết là đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trên toàn địa bàn, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, đất đai, thủ tục hành chính để sớm đưa vào khai thác, đem lại hiệu quả về kinh tế-xã hội, ông Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ quyết liệt chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội tại một số địa phương đang có tiềm năng lợi thế, dư địa phát triển như Vân Đồn, Móng Cái, Quảng Yên nhằm tạo ra những vùng động lực tăng trưởng mới.

Đặc biệt, Quảng Ninh có giải pháp để một mặt phát triển thành phố Hạ Long trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước với những công trình đẳng cấp, dịch vụ đẳng cấp; đồng thời, nghiên cứu mở rộng không gian phát triển nhằm tạo ra động lực tăng trưởng mới, giá trị mới cho kinh tế và ngân sách nhà nước; cân bằng giữa phát huy và gìn giữ di sản kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

Một trong những nhiệm vụ được tỉnh chú trọng thời gian tới là siết chặt quản lý đất đai, đô thị, tài nguyên môi trường, khoáng sản, đấu giá đất; kiên quyết không để xảy ra tình trạng cò mồi làm giá, thổi giá làm ảnh hưởng đến thu hút đầu tư.

Bên cạnh đó, tỉnh kiên quyết xử lý thu hồi các dự án chậm tiến độ và có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp coi thường kỷ cương pháp luật, vi phạm quy hoạch, xây dựng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Thắng cam kết.