Sửa luật để phát triển nhà ở xã hội

BVR&MT – Việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội (NOXH) cho công nhân khu công nghiệp là giải pháp cần thiết nhằm phục hồi sản xuất và kinh tế. Luật Nhà ở sửa đổi tới đây nếu được Quốc hội thông qua sẽ khuyến khích và tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, hỗ trợ nhà ở theo cơ chế, chính sách mới, nhất là NOXH cho người có thu nhập thấp.

Tạo quỹ đất để phát triển mô hình tập trung

Theo Bộ Xây dựng, Luật Nhà ở sửa đổi tới đây sẽ bổ sung các quy định liên quan đến quỹ đất dành để phát triển NOXH như: Bổ sung quy định quỹ đất dành để xây dựng NOXH được xác định ngay khi lập và phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch chi tiết xây dựng; bổ sung quy định tỷ lệ quỹ đất dành để làm NOXH do UBND cấp tỉnh quyết định căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch đô thị; chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; điều kiện địa lý và nhu cầu nhà ở thực tế của người dân… đảm bảo thống nhất với quy định của pháp luật về ngân sách, về đất đai và các pháp luật khác có liên quan.

Còn theo ông Bùi Xuân Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (BĐS-Bộ Xây dựng), những chính sách mới bổ sung sẽ thúc đẩy nguồn cung NOXH, tăng thu ngân sách Nhà nước, phát triển mô hình khu đô thị NOXH tập trung tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; khắc phục được tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai, sử dụng đất đô thị không hiệu quả, chia nhỏ dự án, làm giảm hiệu quả đầu tư; đồng thời, giảm bớt chi phí về nhà ở cho người dân khi nơi ở và nơi làm việc có sự gắn kết, các điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội đồng bộ.

Dự án NOXH Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức. Ảnh: Xuân Tình/TTXVN.

Bên cạnh đó, khảo sát của Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS cũng cho biết, Luật Nhà ở sửa đổi sắp tới sẽ có nhiều ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án xây dựng NOXH. Cụ thể, sẽ ưu đãi thuế đối với dự án xây dựng NOXH để cho thuê theo hướng đảm bảo phù hợp với pháp luật về thuế. Thêm vào đó, các chủ đầu tư dự án xây dựng NOXH theo hình thức đối tác công tư (PPP) hoặc doanh nghiệp có sử dụng vốn đầu tư công, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công, vốn khác có bao gồm vốn từ ngân sách sẽ được khuyến khích bằng nhiều ưu đãi…

“Những chính sách mới thay đổi trong Luật Nhà ở sửa đổi tới đây sẽ thu hút đầu tư phát triển trong lĩnh vực nhà ở nói chung và kinh tế địa phương nói riêng. Khuyến khích đầu tư của các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế vào phát triển nhà ở xã hội, tăng nguồn cung nhà ở xã hội. Đồng thời, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của đất nước, nhất là các đối tượng là công nhân khu công nghiệp, người lao động tại các ngành nghề thuộc lực lượng vũ trang chịu nhiều ảnh hưởng, thiệt thòi trong những thời điểm đất nước gặp nhiều khó khăn về thiên tai, dịch bệnh…”, đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS cho hay.

Một điểm đáng chú ý nữa là Luật Nhà ở sửa đổi mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách. Hiện nay, pháp luật về nhà ở chưa có chính sách riêng về nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, mà đang được lồng ghép vào chính sách NOXH, áp dụng chung cho 10 nhóm đối tượng theo quy định tại Điều 49 Luật Nhà ở năm 2014. Điều này dẫn tới nguồn cung NOXH cho nhóm đối tượng này còn thiếu so với nhu cầu. Vì vậy, Luật Nhà ở sửa đổi tới đây sẽ có những chính sách đảm bảo nhu cầu nhà ở cho các đối tượng yếu thế trong xã hội, dễ gặp tổn thương khi đất nước gặp thiên tai, dịch bệnh như công nhân, người lao động,…

Xã hội hóa đầu tư

Tại tọa đàm “Hạ tầng xã hội khu công nghiệp: Thực hiện và giải pháp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường BĐS chia sẻ, từ đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đến nay, các khu nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp là những khu vực chịu tác động lớn nhất của đại dịch vụ do tập trung đông lao động, nhất là các tỉnh phía Nam. Do đó, việc đầu tư phát triển NOXH, đặc biệt là nhà ở cho công nhân khu công nghiệp hiện nay là cần thiết. Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách để thu hút vốn xã hội hóa đầu tư NOXH, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp hiện vẫn còn nhiều vướng mắc.

Đơn cử như: Các cơ chế chính sách ưu đãi, thực chất không phải dành cho chủ đầu tư, bởi trong Luật Nhà ở và các quy định liên quan, các chính sách ưu đãi về đất đai không được tính vào giá thành đầu tư, nên chưa khuyến khích, thu hút các chủ đầu tư tham gia phát triển NOXH. Hay các quy định pháp luật liên quan hiện nay về cơ chế riêng cho các chủ đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân chưa sát thực tế, ít chủ đầu tư được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ.

Theo PGS, TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), theo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2030, diện tích đất khu công nghiệp sẽ có khoảng 205.790 ha, tăng 114.960 ha so với năm 2020. Song, việc phát triển các khu công nghiệp trong thời gian qua vẫn còn những tồn tại, bất cập, nhất là nhu cầu về nhà ở của người lao động lớn và bức xúc.

Thực tế trên cho thấy, để sử dụng hiệu quả quỹ đất khu công nghiệp, thu hút đầu tư xã hội hóa, Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan cần có những chính sách đồng bộ để triển khai, đáp ứng yêu cầu phát triển khu công nghiệp mới. Trong đó, cần sớm sửa đổi, giải quyết những quy định còn chồng chéo về lựa chọn chủ đầu tư, khoảng cách an toàn với khu dân cư gần khu công nghiệp… nhất là trong Luật Nhà ở, để sớm thực thi.

Để đẩy mạnh phát triển NOXH cho công nhân, Bộ Xây dựng đã đề xuất gói tín dụng hỗ trợ thực hiện chính sách NOXH trong Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023 với gói tín dụng 65.000 tỷ đồng và đề xuất các chính sách “mở đường” cho nhà ở công nhân như: Chính phủ giao UBND cấp tỉnh, thành phố bố trí đất làm nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp thuê có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ khu nhà ở công nhân.