Sửa luật để gỡ “nút thắt” cho quy hoạch Thủ đô

BVR&MT – Hà Nội đang đồng thời thực hiện những nhiệm vụ lớn như lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Tuy nhiên, các quy hoạch đều đang bị chậm do vướng mắc trong các luật liên quan.

Mắc quy định về sử dụng nguồn vốn cho quy hoạch

TP Hà Nội đang tiến hành đồng thời cả xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Thủ đô) theo Luật Quy hoạch và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Luật Quy hoạch đô thị.

Thực hiện các quy hoạch này là cơ hội lớn để xác định tầm nhìn, mục tiêu phát triển, sắp xếp phân bổ không gian phát triển Thủ đô một cách bài bản khoa học, nhằm khai thông tối đa các nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội nhanh bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.

Hà Nội đang thực hiện nhiều nhiệm vụ lớn trong công tác quy hoạch. Ảnh: Lê Việt.

Tuy vậy, công tác lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 đang chậm tiến độ so với yêu cầu của Chính phủ. Đến nay, TP Hà Nội mới cơ bản hoàn thành việc nghiên cứu lập nhiệm vụ quy hoạch và chưa được Thủ tướng phê duyệt.

Về nguyên nhân của việc chậm tiến độ, tại đợt giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” của Đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực HĐND TP đối với UBND TP Hà Nội mới đây, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vũ Duy Tuấn cho biết, việc tổ chức lập quy hoạch Thủ đô theo quy định của Luật Quy hoạch là một nhiệm vụ mới, phức tạp, phương pháp lập quy hoạch theo hướng tích hợp, phối hợp đa ngành, đa lĩnh vực, khối lượng công việc khổng lồ, liên quan đến nhiều luật như: Luật quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Thủ đô, nên gặp rất nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai.

Bên cạnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong 2 năm vừa qua, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch chậm được ban hành cũng là nguyên nhân làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quy hoạch của Thủ đô. Nhất là vướng mắc quy định về điều kiện bố trí vốn, thủ tục thanh toán, lựa chọn tư vấn, tích hợp quy hoạch…

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đều sử dụng nguồn vốn đầu tư công để xây dựng nhiệm vụ và lập quy hoạch. Dự kiến sử dụng kinh phí khá lớn, khoảng 140 tỷ đồng đối với Quy hoạch Thủ đô và 60 – 70 tỷ đồng đối với điều chỉnh quy hoạch chung. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không quy định việc cán bộ, công chức của sở, ngành tham mưu được tham gia quá trình quản lý dự án, nhiệm vụ sử dụng vốn đầu tư công, do đó rất khó khăn trong quá trình triển khai.

Cùng đó, việc hướng dẫn của các bộ, ngành về quản lý, thanh quyết toán kinh phí lập quy hoạch theo quy định của Luật Đầu tư công còn chậm và quy định chưa rõ ràng về việc quản lý kinh phí cho công tác thẩm định quy hoạch tỉnh. Chưa có quy định cụ thể cho việc tiếp nhận nguồn vốn tài trợ lập quy hoạch của các tổ chức trong và ngoài nước…

Mạnh dạn huy động nguồn lực xã hội

Trong kỳ Quy hoạch Thủ đô lần này, với đô thị đặc biệt như Hà Nội, nhiệm vụ quy hoạch rất nặng nề, khối lượng rất lớn, nhiều khó khăn. Liên quan đến Quy hoạch Thủ đô, dự kiến có 66 nội dung đề xuất được tích hợp gồm 36 ngành, lĩnh vực và 30 phương án cấp huyện. Trong điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô cũng thực hiện tích hợp các phương án, phương hướng phát triển không gian, đặc biệt tới đây sẽ còn bổ sung các quy hoạch mới như quy hoạch không gian ngầm, quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị, những điểm TOD tích hợp sử dụng đất.

Bên cạnh về khối lượng công việc nhiều, các quy hoạch còn yêu cầu về chất lượng và tính đồng bộ cao, thời hạn hoàn thành theo quy định của Chính phủ không dài (31/12/2022). Trong khi đó, số cán bộ phụ trách công tác quy hoạch tại các sở, ngành nhất là quận, huyện còn hạn chế; cơ cấu tổ chức và chức năng, nhiệm vụ các đơn vị chuyên trách quản lý quy hoạch tại sở, ngành chưa được kiện toàn phù hợp yêu cầu đổi mới công tác quy hoạch theo quy định Luật Quy hoạch. Công tác phối hợp giữa cơ quan được giao lập quy hoạch với các sở, ngành và giữa sở, ngành với quận, huyện còn hạn chế, chưa đồng bộ…

Do đó để đẩy nhanh tiến độ, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng, TP Hà Nội cần mạnh dạn huy động tối đa các đơn vị có chức năng tư vấn tham gia lập quy hoạch. Thực hiện Quy hoạch Thủ đô theo hướng tích hợp thực sự là một khối lượng công việc khổng lồ, đòi hỏi đơn vị tư vấn thực hiện lập quy hoạch phải là một người nhạc trưởng, thực sự có khả năng điều phối tốt thì mới có thể hoàn thành.

Cùng đó, Thành ủy, HĐND TP Hà Nội cần thể hiện vai trò, có tiếng nói quyết định trong việc thành lập Ban quản lý thực hiện nhiệm vụ các quy hoạch của TP hay giao thẳng cho sở chức năng thực hiện.

“Hà Nội cần quyết liệt hơn thì công việc mới chạy nhanh được. Còn chờ để được tháo gỡ hết những vướng mắc trong các quy định của pháp luật thì e rằng tiến độ lập quy hoạch của TP sẽ không hoàn thành theo quy định của Chính phủ” – đại biểu Hoàng Văn Cường nêu ý kiến.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Đàm Văn Huân kiến nghị, bên cạnh tập trung tháo gỡ vướng mắc để sớm hoàn thành phê duyệt được Quy hoạch Thủ đô, Hà Nội cũng cần quan tâm đến chất lượng quy hoạch đô thị theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Cần có tầm nhìn dài hơi hơn, ổn định hơn, ít điều chỉnh quy hoạch hơn. Bên cạnh đó cũng cần công khai, minh bạch thông tin quy hoạch một cách rõ nét hơn, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận.

Đặc biệt, đề nghị nghiên cứu sửa đổi Điều 9, Điều 10 trong Luật Quy hoạch về chi phí cho hoạt động quy hoạch và chính sách của nhà nước về hoạt động quy hoạch để sát với thực tế.

“Chắc chắn trong thời gian tới, Hà Nội sẽ lập rất nhiều các đồ án quy hoạch khi TP phải hoàn thiện hệ thống quy hoạch theo Luật Quy hoạch và thực hiện tái thiết đô thị. Do đó, những vướng mắc trong các quy định của pháp luật về huy động nguồn lực toàn xã hội vào công tác lập quy hoạch cần sớm được tháo gỡ” – ông Đàm Văn Huân nhấn mạnh.

“Hà Nội đang thực hiện 3 sản phẩm quy hoạch lớn gồm: Lập Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; Chương trình phát triển đô thị. 3 sản phẩm này đòi hỏi phải được tích hợp lẫn nhau để đảm bảo tính đồng bộ, tuy nhiên luật pháp để thực thi các quy hoạch này lại chưa được đồng bộ. Đây chính là nguyên nhân vừa khách quan và chủ quan khiến Quy hoạch Thủ đô đang bị chậm” – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn.