Sửa đổi Luật Đất đai bảo đảm lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp

BVR&MT – Hiện nay dự thảo Luật Đất đai đang được lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội, kiều bào, tổ chức quốc tế…để lắng nghe được nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai, với mục tiêu cao nhất là để Quốc hội thông qua Luật Đất đai sửa đổi có chất lượng cao.

Hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai

Đất đai là chủ quyền, lãnh thổ thiêng của Tổ quốc gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc, không gian sống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tài nguyên, nguồn lực vô cùng to lớn để phát triển đất nước; là tư liệu sản xuất đặc biệt tham gia vào tất cả các lĩnh vực hoạt động phát triển kinh tế, đời sống xã hội. Chính vì vậy, ông cha ta thường nói “Sống nhờ đất, chết về với đất”. Trước đây, chúng ta có rất nhiều văn bản chính luật về quản lý và sử dụng đất đai. Luật Đất đai đầu tiên có hiệu lực thi hành vào năm 1988. Luật Đất đai này là thể chế hóa những quy định về đất đai của Hiến pháp năm 1980. Luật đất đai năm 1987 đặt nền móng cho công tác quản lý, sử dụng đất đai đi vào nền nếp. Vào những năm đầu của công cuộc đổi mới, cho nên Luật Đất đai năm 1987 vẫn còn mang dấu ấn của bao cấp, chưa đề cập đến vấn đề “giá đất”. Nhà nước giao đất cho các tổ chức và cá nhân sử dụng. Nếu các tổ chức và cá nhân sử dụng đất không đúng mục đích được giao hoặc để lấn chiếm, hoang hóa thì Nhà nước thu hồi đất.

Hiến pháp năm 1992 thể hiện các quan điểm đổi mới mọi mặt về đời sống chính trị, kinh tế – xã hội, văn hóa của đất nước. Tiếp đó là Luật Đất đai năm 1993 ra đời đã thể chế hóa những quan điểm đổi mới về quản lý, sử dụng đất đai mà Hiến pháp năm 1992 đã quy định. Đến năm 1998, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi một số điều của Luật Đất đai. Tiếp theo đó, bổ sung, sửa đổi Luật Đất đai vào năm 2003, năm 2013. Gần 10 năm thi hành Luật Đất đai vào năm 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, phát huy nguồn lực về đất đai trong phát triển kinh tế – xã hội. Đặc biệt là việc sử dụng đất đai có hiệu quả trong phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, phát triển nhà ở các đô thị. Đất đai là cơ sở, nguồn lực tham gia phát triển thị trường bất động sản; các nguồn thu từ thuế sử dụng đất, phí sử dụng đất tăng lên đóng góp vào ngân sách của từng địa phương và cả nước.

Ảnh minh họa: PV

Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Nguồn lực về đất đai vẫn chưa khai thác đầy đủ thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Công tác thu hồi đất, bồi hoàn, hỗ trợ tái định cư nhiều nơi chưa bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người có đất thu hồi, nhà nước và nhà đầu tư. Khiếu kiện liên quan đến đất đai vẫn còn diễn ra phức tạp, có những nơi thành điểm nóng về trật tự an ninh – xã hội. Vẫn còn “kẽ hở” để một số quan chức, địa phương lợi dụng “biến” đất công thành đất tư nhân, chuyển nhượng trái pháp luật đã bị xử lý hình sự vừa qua. Một số phát sinh trong thực tiễn mà Luật Đất đai năm 2013 chưa có quy định điều chỉnh. Đó là những vấn đề cấp thiết để bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện Luật Đất đai.

Dự thảo Luật Đất đai đã đăng ở Cổng thông tin của Chính phủ, Cổng thông tin của Bộ Tài nguyên và Môi trường để lấy ý kiến đóng góp. Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Đất đai, đã tổ chức nhiều cuộc Hội thảo, lắng nghe những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế, mọi tầng lớp nhân dân. Có thể nói chúng ta đang mở “mọi kênh” để lắng nghe được nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai và tiếp thu tối đa những ý kiến góp ý xây dựng, với mục tiêu cao nhất là để Quốc hội thông qua Luật Đất đai sửa đổi có chất lượng cao. Sửa đổi Luật Đất đai là rất cần thiết trong thời điểm hiện nay để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, cản trở sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Cũng như mọi lần, cứ vào dịp sửa đổi Luật Đất đai, lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo, thì một số người lại đưa ra luận điểm cũ đòi tư nhân hóa đất đai. Họ đòi thay đổi chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, đòi lại “đất cũ” của nhà nước đã thực hiện các chính sách về đất đai qua các thời kỳ. Họ còn lợi dụng những vấn đề mới phát sinh đang còn hội thảo, trao đổi, lấy ý kiến… đã tung tin để thao túng thị trường bất động sản, tạo ra những “cơn sốt đất” giả tạo, đẩy giá bất động sản lên cao, nhằm trục lợi. Họ xuyên tạc đường lối, chính sách pháp luật đất đai của Nhà nước. Những ý kiến trên rất xa lạ, lạc lõng với thực tiễn quản lý sử dụng đất đai của nước ta. Những luận điệu đó đi ngược lại với những ý kiến đóng góp nhiệt huyết, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, mong mỏi có một Luật Đất đai sửa đổi, chất lượng nhằm điều chỉnh các quan hệ đất đai, góp phần sử dụng có hiệu quả các nguồn lực về đất đai, phục vụ cho phát triển đất nước.

Từ Hiến pháp năm 1980 đến Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 đến quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Chúng ta có vốn đất đai như ngày nay là gắn liền với quá trình xây dựng đất nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc. Các thế hệ người Việt Nam kế tiếp nhau khai phá, tu bổ đất đai với bao mồ hôi, công sức và xương máu. Đất đai là chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Quan hệ về đất đai của Việt Nam cũng có đặc điểm riêng ở từng vùng miền, đất nước trải qua bao nhiêu năm chiến tranh, các quan hệ về đất xáo trộn, biến động phức tạp. Hơn nữa chúng ta đang xây dựng một Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Do vậy, việc Hiến định đất đai thuộc sở hữu toàn dân là sự lựa chọn tất yếu và khánh quan.

Để xóa bỏ tình trạng “vô chủ” trong sử dụng đất đai để mọi tấc đất đều được sử dụng hợp lý và hiệu quả, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa, đến nay trong Luật Đất đai đã cho phép người sử dụng đất được quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp, tặng cho, góp vốn của mình như giao dịch tài sản. Và được thực hiện quyền giao dịch này, người sử dụng đất phải thực hiện những nghĩa vụ nhất định với nhà nước (như nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất). Trừ những trường hợp đặc biệt Nhà nước giao đất nông nghiệp không thu tiền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân.

Trong các Luật Đất đai còn quy định: Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Và đến nay, chúng ta đã cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức và cá nhân đang sử dụng đất đai hợp pháp và làm đầy đủ các nghiệp vụ tài chính với nhà nước; tạo cơ sở pháp lý cho người sử dụng đất thực hiện các quyền của mình theo quy định của pháp luật và góp phần khắc phục tình trạng tranh chấp đất đai.

Còn nhiều vấn đề phải sửa đổi, bổ sung…

Có nhiều nội dung của Luật Đất đai năm 2013 cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới, như bỏ khung giá đất xây dựng bằng giá đất sát với giá đất thị trường để khắc phụ tình trạng thất thoát tiền sử dụng đất, tham nhũng tiêu cực. Vấn đề bỏ khung giá đất được dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ. Nhưng còn nhiều ý kiến khác nhau về xác định thế nào để giá đất sát với thị trường. Vấn đề rất lớn và phức tạp về bảng giá đất còn nhiều ý kiến khác nhau cũng là điều bình thường. Các cơ quan có trách nhiệm hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai tiếp tục lắng nghe, tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý.

Ảnh minh họa: Báo Xây dựng

Về đấu thầu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, bảo đảm tính công khai, minh bạch, tránh thông thầu bỏ thầu. Quy định chặt chẽ các trường hợp được chuyển nhượng, thế chấp nhằm khắc phục tình trạng nhà thầu chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai với Nhà nước mà lợi dụng chính sách này để thế chấp, chuyển nhượng thu lời bất chính. Các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội, cần phải quy định tiêu chí cụ thể, tránh lạm dụng việc thu hồi đất làm ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của người dân. Về mở rộng hạn mức nhận quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân cần tính toán kỹ lưỡng cho phù hợp với thực tiễn ở nước ta.

Việc mở rộng cho phép tổ chức kinh tế hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận đất trồng lúa, là vấn đề hết sức “nhạy cảm”, liên quan đến việc bảo đảm cho người nông dân có đất để sản xuất, trật tự an ninh ở khu vực nông thôn… cần phải khảo sát đánh giá kỹ lưỡng những tác động về mặt xã hội.

Đổi mới nâng cao chất lượng của công tác quy hoạch sử dụng đất, kết nối đồng bộ với quy hoạch chuyên ngành khác. Hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh theo hướng đa dạng các hình thức bồi thường, phù hợp với nhu cầu của đối tượng có đất thu hồi và điều kiện của từng địa phương.

Cần sử dụng công cụ thuế điều chỉnh, nhằm khắc phục tình trạng đầu cơ về đất đai. Đánh thuế cao với những người và tổ chức có nhiều đất với những người có nhiều đất mà không đưa vào sử dụng. Xây dựng các dữ liệu thông tin về đất đai và thường xuyên cập nhật các biến động về đất đai phục vụ cho công tác quản lý có hiệu quả.

Việc sửa đổi Luật Đất đai phải đồng bộ với các Luật khác nhau như: Luật về nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…

Luật Đất đai sửa đổi lần này, phải bảo đảm thực hiện hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp./.