Sự thật về công viên miễn phí ở Tứ Kỳ (Hải Dương) – Bài 1: Ai đã “đánh cắp” khái niệm đất nông nghiệp?

BVR&MTMột công viên tư nhân, với quy mô hoành tráng ước tính rộng khoảng 10.000m2 được xây với đầy đủ các hạng mục công trình lớn nhỏ. Thế nhưng, ít ai biết rằng công viên này được xây dựng trên đất nông nghiệp, đã vi phạm vào quy định của pháp luật về tài nguyên đất. Vậy đằng sau điều này có những sự thật nào?

 Sai phạm “siêu khủng”?

Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường thực hiện chuyên đề tìm hiểu, thông tin và phân tích về tính hiệu quả thực tiễn trong công tác quản lý và sử dụng tài nguyên đất hiện nay. Và thật bất ngờ khi (qua thông tin phản ánh từ bạn đọc), chúng tôi được biết ở huyện Tứ Kỳ của tỉnh Hải Dương, có một công trình “khủng” được xây dựng trên diện tích đất nông nghiệp. Điều đáng nói, là sai phạm này diễn ra đã từ lâu và một cách công khai nhưng lại hoàn toàn bị “vô hiệu hoá” được các hoạt động quản lý của chính quyền địa phương huyện Tứ Kỳ.

Cụ thể, đó là công trình công viên tư nhân trên địa bàn thôn Ô Mễ, xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ của tỉnh Hải Dương. Theo tìm hiểu được biết, công trình này được gọi là “công viên” hay “hệ sinh thái” tư nhân, thuộc sở hữu của ông Nguyễn Văn Chiến (thường trú tại địa điểm nêu trên).

Công trình bằng đồng với sáu cột trụ bằng đồng là nơi trưng bày cá cảnh trong khuôn viên của công viên nhà ông Nguyễn Văn Chiến.

Theo phản ánh, công trình công viên công cộng của cá nhân ông Nguyễn Văn Chiến đã vi phạm trật tự xây dựng, có hoạt động xây dựng không phép, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên đất, thay đổi hiện trạng đất ban đầu, xâm phạm vào nguồn quỹ đất nông nghiệp tại địa phương.

Theo ghi nhận ban đầu của phóng viên thì những phản ánh trên là có cơ sở. Theo đó, khu công viên được xây dựng tại thôn Ô Mễ, có vị trí ngay gần trụ sở UBND xã Hưng Đạo, với diện tích ước tính khoảng 10.000m2.

Từ cổng vào công viên này là lán để xe với bộ sưu tập hàng chục siêu xe biển tứ quý, ước tính hàng trăm tỉ đồng. Được biết, tất cả số siêu xe mạ vàng này đều của cá nhân ông Nguyễn Đình Chiến.

“Mục sở thị” công viên tư gia này, khách tham quan sẽ ngỡ ngàng bởi hàng loạt công trình như: nhà sàn gỗ kiên cố, mô hình du thuyền giữa hồ, tòa lâu đài bằng trụ sắt cao tầm 2m với lối thiết kế mang phong cách Châu Âu, bể bơi, mô hình trực thăng, tượng nữ thần dự do, tháp Effen, bể cá Koi hàng trăm con được đắp đá nhân tạo. Nhìn thoáng qua cũng có thể biết được độ khủng của công trình này. Theo tìm hiểu, tất cả đều do chính chủ nhân dàn siêu xe đầu tư xây dựng.

Ngoài bề bơi, nơi nghỉ dưỡng, đỗ trực thăng thì công viên còn có khu nuôi dưỡng các loài động vật làm cảnh, trong đó có cả Chim Công – nằm trong danh sách loài chim quý hiếm cần được bảo vệ

Không những vậy, những loài chim quý hiếm như chim công, thiên nga, đà điểu cũng được mua đem về trưng bày cho khách tham quan. Trong khuôn viên còn trồng xen kẽ cây xanh, cây cổ thụ có giá trị lớn, những phiến đá khổng lồ được vận chuyển từ nơi xa về, ghép tạo thành đồi nhân tạo rất hoành tráng.

Dù công trình đã hoàn thiện từ đầu năm 2016, nhưng hiện tại vẫn có hàng chục công nhân tiến hành xây dựng tiếp một công trình giống nhà ở rộng tầm 200m2 đã đổ xong phần móng, phần mái, đang dần hoàn thiện đưa vào sử dụng.

Theo người dân ở đây cho biết, công viên được xây dựng từ những mảnh ruộng cuối xóm, tiếp giáp với khu vực tha ma Tó của làng bên cạnh. Ngay sát công trình đang xây dựng là hồ nước nhân tạo với diện tích khoảng 60m2. Tổng giá trị cả khu công viên được ước tính lên đến hàng chục tỉ đồng.

Sao không xử lý?

Ban đầu, khi tìm hiểu về nội dung này, nhóm phóng viên thắc mắc rằng tại sao công trình sai phạm một cách rõ ràng, công khai và quy mô lớn như thế ngay cạnh trụ sở UBND xã mà chính quyền địa phương không hề hay biết?

Thế nhưng, theo tìm hiểu được biết: Ngày 24/9/2021 UBND xã Hưng Đạo đã có công văn số 40/BC-UBND gửi UBND huyện Tứ Kỳ, Phòng Tài nguyên Môi trường, Phòng Tư Pháp… về những vi phạm đất đai chưa được xử lý trên địa bàn xã Hưng Đạo.

Một công trình mới đang được xây dựng trong khuôn viên của công viên vi phạm để gấp rút đưa vào sử dụng.

Trong báo cáo này, UBND xã Hưng Đạo nêu rõ: hộ ông Nguyễn Văn Chiến có công trình vi phạm đất đai. Các thửa đất thuộc xứ đồng Cửa Kho, tờ bản đồ số 8, đất nông nghiệp xã Hưng Đạo. Phần diện tích sai phạm do ông Nguyễn Văn Chiến nhận chuyển nhượng của các hộ dân có đất tại khu vực này, tổng diện tích khoảng 2ha.

Ngoài ra, báo cáo của UBND xã Hưng Đạo cũng nêu rõ các công trình vi phạm toàn bộ các công trình thuộc khuôn viên khu vườn sinh thái rộng khoảng 2ha có các công trình như nhà để xe, nhà sàn, bể bơi, nhà chòi, tường bao…

UBND xã Hưng Đạo cho biết, các sai phạm này xuất hiện và tồn tại từ năm 2016.

Như vậy, có thể thấy, dù để xảy ra sai phạm kéo dài, nhưng vào thời điểm tháng 9.2021 UBND xã Hưng Đạo cũng đã có động thái báo cáo cấp trên – là UBND huyện Tứ Kỳ. Thế nhưng, nguyên do vì sao mà cho đến nay, đã sắp hết quý I của năm 2023 mà sai phạm vẫn tồn tại? UBND huyện Tứ Kỳ và các cơ quan chức năng có liên quan đã làm gì để thực hiện đúng nhiệm vụ của mình trong công tác Quản lý Nhà nước về đất đai tài nguyên mà để sai phạm kéo dài như thế, thậm chí đang có dấu hiệu tiếp tục phát triển (khi mà ở thời điểm hiện tại công viên tư nhân của hộ ông Nguyễn Văn Chiến vẫn đang có các hoạt động xây dựng, sửa chữa)?

Trong vai trò Quản lý Nhà nước, UBND tỉnh Hải Dương tại sao không hoặc không thực sự sát sao trong việc kiểm tra, xử lý các vi phạm tại xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ? UBND huyện Tứ Kỳ đã làm đúng, làm đủ đúng trách nhiệm của mình hay chưa?

Điều đó, trong loạt bài tiếp theo chúng tôi sẽ thông tin rõ về vấn đề này. Chỉ biết, ở thời điểm hiện tại, một công trình sai phạm lớn, xâm phạm vào mục đích sử dụng đất của quỹ đất nông nghiệp (theo quy định của pháp luật) đã diễn ra và tồn tại gần 7 năm. Trách nhiệm của UBND huyện Tứ Kỳ ở đâu khi để xảy ra sai phạm nêu trên?

Ông Chánh Văn phòng của huyện Tứ Kỳ

Ở một diễn biến khác có liên quan, khi phóng viên của Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường về liên hệ, đặt lịch làm việc với UBND huyện Tứ Kỳ thì cũng thấy vị Chánh Văn phòng đương nhiệm của huyện này cũng có cách làm việc “không giống ai”.

Cụ thể, mặc dù đã được đồng chí Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ – bà Vũ Thị Hà – bút phê và gọi điện trực tiếp, giao cho làm việc, nhưng chỉ ngay sau đó khoảng 15 phút, ông Vũ Minh Thanh – Chánh Văn phòng lại từ chối không làm việc, cũng không hẹn xếp lịch làm việc với phóng viên mà lại yêu cầu phóng viên quay trở lại cơ quan để có một “công văn có ký đóng dấu” để huyện Tứ Kỳ “tiếp nhận nội dung và trả lời bằng văn bản”.

Bà Vũ Thị Hà – Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ “bút phê” chuyển Văn phòng làm việc với Phóng viên.

Khi phóng viên thắc mắc là tại sao không xếp lịch làm việc trực tiếp khi đã về (và vẫn có thể quay về khi được xếp lịch) để trực tiếp làm việc, mà lại yêu cầu “làm việc qua công văn” như thế thì ông Thanh loanh quanh không đưa ra được lời lý giải nào rõ ràng và phù hợp với các quy định của pháp luật nói chung cũng như Luật Báo chí nói riêng. Thế nhưng, vị Chánh Văn phòng này vẫn kiên quyết yêu cầu phóng viên phải trở về và chỉ làm việc (trả lời bằng văn bản) khi có công văn của cơ quan.

Ông Vũ Minh Thanh – Chánh Văn phòng, thì kiên quyết không làm việc trực tiếp mà chỉ đề nghị có công văn.

Nói thêm về vấn đề này, khi về UBND huyện Tứ Kỳ để liên hệ làm việc, phóng viên của Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường có và thực hiện đầy đủ các giấy tờ, quy chế, quy trình làm việc đúng theo quy định. Có cách xử lý công việc như thế, không hiểu ông Chánh Văn phòng Vũ Minh Thanh chưa nắm rõ các quy định của Luật báo chí, các quy chế về công tác văn phòng hay đang cố ý “gây khó dễ” cho công tác tiếp cận thông tin giữa cơ quan báo chí và UBND huyện Tứ Kỳ?

Liệu hành động này có phần nào thể hiện cho lý do việc sai phạm đã nhiều năm tại xã Hưng Đạo vẫn chưa được huyện Tứ Kỳ xử lý hay không?

Trong các bài tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về nội dung này.

Bài 2: UBND tỉnh Hải Dương có “để yên” cho sai phạm chồng sai phạm tại Tứ Kỳ hay không?

Bạn đang xem bài viết “Sự thật về công viên miễn phí ở Tứ Kỳ (Hải Dương) – Bài 1: Ai đã “đánh cắp” khái niệm đất nông nghiệp?” của cơ quan Báo chí Bảo vệ Rừng và Môi trường.
Mọi góp ý về bài viết này vui lòng gửi về hòm thư Email: baovemoitruong.media@gmail.com
Email: baobvmt@gmail – Hotline: 086.271.6899 – 090.463.1280
Nhấn nút đăng ký và theo dõi kênh để đồng hành cùng chúng tôi!


Thực hiện:  Nhóm PV BVR&MT