Sử dụng dữ liệu lớn để giảm dấu chân carbon

BVR&MT – Công ty Ecolibrium Energy có trụ sở tại Ahmedabad, Ấn Độ là một trong những đơn vị giành được giải thưởng Năng lượng bền vững uy tín Ashden năm nay nhờ sáng kiến nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng trong sản xuất công nghiệp bằng việc sử dụng nguồn dữ liệu lớn một cách sáng tạo.

Giải thưởng Ashden là Giải thưởng Năng lượng bền vững uy tín thế giới, được trao lần đầu tiên vào năm 2001,  cho những người tiên phong trong lĩnh vực năng lượng bền vững một khoản tiền 20.000 bảng (tương đương 25.530 USD) và sự hỗ trợ để giúp nhân rộng sáng kiến đoạt giải. Tính tới thời điểm hiện tại, Ashden đã trao giải thưởng cho hơn 200 doanh nghiệp trên toàn thế giới – những doanh nghiệp này đã giúp cải thiện cuộc sống của khoảng 80 triệu người và giảm hơn 10 triệu tấn CO2 phát thải mỗi năm.

Lấy công nghiệp hóa chuyên sâu làm động lực cho phát triển, Ấn Độ phải đối mặt với thách thức phải đạt được tăng trưởng với điều kiện ít tác động nhất đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Vì gần 20% năng lượng công nghiệp bị lãng phí hoặc quản lý kém nên việc cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng là biện pháp tốt để các ngành cắt giảm chi phí cũng như lượng phát thải khí carbon. Ecolibrium Energy đang giúp nhiều công ty thực hiện điều này và những nỗ lực đó đã giúp họ đã giành được giải thưởng Ashden năm nay.

Ecolibrium Energy sử dụng phương pháp khai thác dữ liệu lớn sáng tạo và các biện pháp phân tích dự đoán năng lượng để cải thiện hiệu suất năng lượng và giảm phát thải carbon. Theo đánh giá của ban giám khảo Ashden: “Công nghệ thông minh của Ecolibrium chứng minh dữ liệu lớn có sức mạnh tạo ra sự khác biệt đáng kể khi theo dõi và tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng. Công nghệ này có thể áp dụng cho nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh khác nhau. Các doanh nghiệp lớn có thể áp dụng để nắm bắt, kiểm soát và cắt giảm chi phí năng lượng của họ”.

Thông qua các cảm biến và hệ thống phần mềm đám mây, nền tảng phân tích năng lượng dữ liệu mang tên Smart Sense của Ecolibrium sẽ thu thập dữ liệu để tìm ra các công đoạn sử dụng năng lượng không hiệu quả ở từng giai đoạn khác nhau của dây chuyền sản xuất công nghiệp và đề xuất các giải pháp khắc phục nhằm giảm lãng phí điện năng.

Đội ngũ Ecolibrium Energy nhận giải thưởng (Ảnh: Ashden Awards)

Ông Harit Soni, người sáng lập, giám đốc của Ecolibrium Energy cho rằng: “Vấn đề chính của các doanh nghiệp là họ muốn nhưng không biết làm cách nào để cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng tại cơ sở kinh doanh. Smart Sense tạo ra nền tảng giúp giám sát mức tiêu thụ năng lượng trong toàn bộ cơ sở. Phần mềm này sẽ chuyển dữ liệu về điện, nhiên liệu, nước và quá trình sản xuất lên nền tảng đám mây, sau đó các thuật toán dự đoán sẽ giúp xác định những tổn thất xảy ra bên trong tòa nhà, xí nghiệp cũng như xác định thời gian chết của các thiết bị chính như động cơ, máy biến áp. ”

Quy trình bao gồm hai phần, thu thập dữ liệu và phân tích để đưa ra các giải pháp khả thi. Phần thực hiện của hệ thống cảm biến cũng dễ dàng và đơn giản có thể áp dụng cho nhiều ngành công nghiệp. Hệ thống có thể được tích hợp với các loại máy đo năng lượng hiện có. Thời gian cần thiết để triển khai hệ thống cảm biến thông minh dao động từ vài giờ đến hai tuần, tùy thuộc vào kích thước của nhà máy. Sau đó, phải mất thêm một tháng để nghiên cứu rò rỉ năng lượng, xác định các vị trí lãng phí và đưa ra giải pháp khắc phục.

Tại một quốc gia một phần ba dân số thường bị mất điện liên tục trong vài giờ như Ấn Độ, Ecolibrium Energy sẽ giúp giải quyết việc quản lý năng lượng theo nhu cầu. Ecolibrium đang giúp hơn 750 khách hàng trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp ở Nam Á tiết kiệm tới 15% năng lượng và chi phí bảo trì.

Ecolibrium Energy cũng làm việc với các thương hiệu toàn cầu như Coca Cola, Shell – một trong những công ty phát thải khí lớn nhất thế giới và đang muốn thay đổi hình ảnh và phương thức hoạt động.

Khách hàng sử dụng Smart Sense chủ yếu là từ Ấn Độ, một số đến từ Trung Đông và Malaysia. Ecolibrium Energy hiện đang có kế hoạch chuyên sâu phát triển sang Châu Âu và Mỹ.

Hồng Anh (Theo India Climate Dialogue)

Tags:
CHIA SẺ