Sông Krông Ana, Krông Nô, Krông Pắk bị ‘rút ruột’ vì nạn khai thác cát

BVR&MT – UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng, địa phương thực hiện quyết liệt việc quản lý, thanh tra, kiểm tra tình hình khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, nhất là việc khai thác cát, đá xây dựng.

Doanh nghiệp tổ chức hút cát trên lòng sông Krông Ana đoạn quan địa bàn huyện Krông Bông. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN.

Qua thanh, kiểm tra, các đơn vị chức năng đã kiên quyết thu hồi giấy phép hoạt động trong lĩnh vực khai thác cát, đá xây dựng của 6 đơn vị vi phạm Luật Tài nguyên – Môi trường gồm: Công ty Cổ phần vật liệu xây dựng Tây Nguyên chuyên khai thác cát xây dựng trên dòng sông Krông Ana (huyện Krông Bông), Công ty TNHH xây dựng thương mại Tân Thanh Thủy, Công ty TNHH xây dựng Hoàng Đạo, Thành Đô khai thác đá xây dựng nằm trên địa bàn các huyện Krông Năng, Buôn Đôn. Tỉnh cũng điều chỉnh giấy phép khai thác cát xây dựng trên sông Krông Ana thuộc xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin) và xã Yang Reh (huyện Krông Bông) của Hợp tác xã Giang Sơn…

Thực tế hiện nay, tình trạng khai thác cát xây dựng trên các dòng sông Krông Ana, Krông Nô, Krông Pắk… nằm trên các địa bàn các huyện Krông Bông, Krông Ana, Lắk, Krông Pắk luôn ngày đêm luôn có hàng trăm tàu có công suất lớn, nhỏ đua nhau hoạt động hút cát xây dựng làm sạt lở bờ sông, xâm thực đất sản xuất, khu dân cư, cơ sở hạ tầng giao thông.

Một trong những nguyên nhân chính làm cho cầu Cư Păm nằm trên địa bàn huyện Krông Bông bị sụt lún, hư hỏng là do khai thác bừa bãi ở gần chân cầu. Hiện nay, dọc theo hai bên bờ sông của dòng sông Krông Ana luôn có nhiều tàu thuyền hoạt động hút cát bừa bãi tiềm ẩn nhiều nguy cơ xấu đến cầu bê tông cốt thép Giang Sơn. Đây là cầu nằm trên Quốc lộ 27 nối giữa Đắk Lắk và tỉnh Lâm Đồng.

Ngay tại thôn 2, xã Cư Kty (huyện Krông Bông) trước đây có hơn 30 ha đất sản xuất nằm sát bờ sông Krông Ana nhưng do tình trạng khai thác cát xây dựng bừa bãi làm cho dòng chảy thay đổi, nhất là mỗi khi mùa lũ về cuốn đi một phần đất sản xuất của người dân. Hiện nay, cánh đồng này chỉ còn chưa đến 10 ha.

Ông Võ Văn Hạnh ở xã Cư Kty cho biết, trước đây đoạn sông này khi chưa có các đơn vị khai thác cát hoạt động thì hai bên bờ sông có cây cối mọc um tùm, nhưng từ ngày có các đơn vị khai thác cát hoạt động, không những hàng cây mất đi mà còn cuốn trôi nhiều đất sản xuất của đồng bào, trong đó gia đình ông Hạnh cũng bị mất hơn 40m đất…

Còn ông Lê Viết Nhượng, Chủ tịch UBND xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắk) cho biết, bây giờ cứ ở đâu có khai thác là ở đó sông, suối bị sạt lở, đường giao thông bị hư hỏng… Tỉnh Đắk Lắk cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm hơn nữa đối với các dơn vị, cá nhân khai thác cát, đá xây dựng để góp phần thực hiện tốt Luật Tài Nguyên và Môi trường trên địa bàn.