Sơn La: Xanh thêm những cánh rừng đặc dụng – phòng hộ

BVR&MT – Đầu tháng 7, bước vào cao điểm mùa mưa, cũng là thời gian Ban quản lý rừng đặc dụng – phòng hộ Thuận Châu tập trung đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm kế hoạch trồng rừng của năm nay.

Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn bà con trồng rừng.

Từ tỉnh lộ 108, theo con đường mòn vừa mở, chúng tôi cùng cán bộ của Ban quản lý rừng đặc dụng – phòng hộ Thuận Châu đi kiểm tra địa bàn trồng rừng tại bản Cửa Rừng, xã Co Mạ. Cơn to mưa đêm hôm trước khiến con đường mòn quanh co men theo sườn đồi dốc ngược càng trơn trượt. Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng – phòng hộ Thuận Châu bảo: Con đường mòn này do đơn vị nhà thầu thuê nhân công mở đầu vụ trồng rừng để chở cây giống bằng xe máy từ đường 108 lên, mặc dù đã quấn xích vào bánh xe, nhưng cũng chỉ đi được khoảng 2 km còn phải gánh đi bộ thêm hơn 2 km nữa mới đến địa bàn trồng rừng.

Dọc đường đi, chúng tôi bắt gặp hình ảnh rất nhiều cây gỗ to chết đứng đan xen trong cánh rừng. Theo cán bộ Ban quản lý rừng đặc dụng – phòng hộ Thuận Châu, thì đó là hậu quả của đợt rét đậm, rét hại, băng tuyết năm 2016-2017 làm hàng trăm ha rừng bị chết, chủ yếu là những cây gỗ to hàng chục năm tuổi, nhiều cây đến hàng trăm năm tuổi. Ngay sau đó, là đợt nắng nóng kéo dài làm cháy toàn bộ diện tích rừng bị chết do băng tuyết.

Thực hiện Dự án trồng, khôi phục và bảo tồn rừng đặc dụng, phòng hộ thuộc Dự án Bảo tồn và phát triển bền vững các khu rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn tỉnh, năm 2022, Ban quản lý rừng đặc dụng – phòng hộ Thuận Châu được giao kế hoạch trồng mới 100 ha rừng trên địa bàn bản Cửa Rừng, xã Co Mạ; trồng bổ sung, khôi phục, bảo tồn 100 ha rừng đặc dụng tại bản Cửa Rừng, xã Co Mạ và bản Hua Ty B, xã Chiềng Bôm.

Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng – phòng hộ Thuận Châu cho biết: Vụ trồng rừng năm nay có nhiều thuận lợi hơn những năm trước. Ngay đầu năm, đơn vị đã được giao vốn và kế hoạch trồng rừng, nên chủ động trong việc đấu thầu lựa chọn đơn vị thi công. Ngoài ra, diện tích đất trống chưa có rừng do đơn vị quản lý còn nhiều và khá tập trung, nên việc thiết kế địa bàn trồng rừng nhanh gọn. Đồng thời, Ban đã chủ động tìm đơn vị cung cấp cây giống với số lượng, quy mô, loài cây đạt các tiêu chuẩn theo đúng thiết kế. Đặc biệt, năm có mưa nhiều và mưa sớm, rất thuận lợi cho công tác trồng rừng; chính quyền các cấp trên địa bàn đã phối hợp, tạo điều kiện và hỗ trợ đơn vị triển khai kế hoạch bảo đảm tiến độ.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi công trồng rừng cũng gặp rất nhiều khó khăn. Do địa bàn trồng rừng đều là đồi núi có độ dốc cao, không có đường mòn để vận chuyển cây giống. Nhất là việc huy động nhân công, do thời điểm trồng rừng trùng với mùa vụ sản xuất nông nghiệp, mặc dù trả công cao, nhưng việc thuê khoán bà con tham gia trồng rừng gặp khó khăn. Bên cạnh đó, cây giống phải vận chuyển đường dài, tập kết để trong rừng nhiều ngày, nếu không bảo quản tốt sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ cây sống.

Từ đầu tháng 5, ông Quàng Văn Toàn và 15 người ở bản Biên, xã Nậm Lầu nhận thuê khoán trồng rừng với tiền công mỗi người gần 300 nghìn đồng/ngày. Bản Biên ở cách địa bàn trồng rừng hơn 30 km, nên trồng đến đâu, bà con lại phải dựng lán ở tạm đến đấy. Ông Toàn chia sẻ: Vất vả, khó khăn nhất là việc phải gánh cây giống đến địa điểm trồng rừng. Nếu là cây thông, pơ mu thì mỗi lần gánh được 60 cây, còn cây dổi do đóng bầu to nên chỉ gánh được 20 cây, mà phải hết sức cẩn thận, đường mòn vừa dốc, vừa trơn không cẩn thận nếu bị ngã sẽ gẫy và làm chết cây giống. Hàng ngày, nếu làm từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, buổi trưa chỉ tranh thủ nghỉ để ăn cơm nắm mang theo, thì mỗi người trồng sẽ được 150-200 cây.

Cũng như những nhân công được thuê khoán trồng rừng, từ đầu tháng 5 ông Trần Quang Trung, cán bộ kỹ thuật Trung tâm khoa học lâm nghiệp Tây Bắc, đơn vị thi công phải thường xuyên bám sát hiện trường hướng dẫn bà con đào hố, vận chuyển cây giống và trồng đúng kỹ thuật. Ông Trung thông tin: Đơn vị đang tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu cuối tháng 7 sẽ hoàn thành kế hoạch. Đồng thời, phối hợp với chủ đầu tư và chính quyền xã và ban quản lý các bản tuyên truyền, vận động bà con không chăn thả gia súc vào những khu vực mới trồng rừng. Sau khi trồng, đơn vị phải chăm sóc, sau 2 năm bảo đảm tỷ lệ cây sống 85% trở lên mới nghiệm thu, bàn giao cho chủ đầu tư.

Với mục tiêu khôi phục và bảo tồn rừng đặc dụng, phòng hộ, việc triển khai kịp thời, hiệu quả các dự án trồng rừng đã từng bước làm xanh thêm những cánh rừng đặc dụng, phòng hộ ở vùng cao Thuận Châu, góp phần quan trọng tăng độ che phủ, nâng cao chất lượng rừng và bảo vệ môi trường sinh thái.