BVR&MT – Không chỉ trở thành tỷ phú nhờ trồng cam trên đất dốc, gia đình ông Ngân (Sơn La) còn tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động tại đây…
Quê gốc ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, cùng gia đình lên huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La lập nghiệp từ năm 1963, ban đầu gia đình ông Nguyễn Văn Ngân ở bản Văn Yên, xã Mường Thải đã từng khai hoang trồng ngô, rồi chuyển sang trồng thử nghiệm một số cây như mận hậu, xoài lùn nhưng hiệu quả kinh tế thấp, giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định.
Năm 2011, sau khi về quê và đi thăm quan học hỏi một số nơi thấy trồng cây cam trên đồi dốc cho hiệu quả kinh tế cao, ông Ngân đã quyết định mua vài trăm gốc về trồng thử. Thấy cây cam cũng khá phù hợp ở vùng đất này, nên mỗi năm gia đình ông Ngân lại trồng thêm một ít, đến nay gia đình đã có hơn 2 ha cam đường canh, cam Vinh và bưởi Diễn.
Ông Ngân cho biết, Ông đi sang tận Hòa Bình, Yên Bái để tham học hỏi từ cách tỉa cành đến cách phun thuốc cho cam.
Đất không phụ công người, năm 2014, vườn cam nhà ông Ngân đã cho lứa quả bói đầu tiên nhiều và ngọt, kháng bệnh tốt. Ông Ngân tiếp tục đầu tư công sức chăm sóc đúng cách, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Năm 2015, ông Ngân thu gần 18 tấn cam, với giá bán 30 triệu đồng/ tấn. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi trên dưới 400 triệu đồng.
Từ đó đến nay, vườn cam trở thành cây trồng chủ lực mang lại nguồn thu chính cho gia đình. Đến năm 2016, hơn 2 héc ta cam đã cho sản lượng gần 30 tấn, trừ chi phí, gia đình ông thu lãi gần 700 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 16 triệu đồng/ người/ tháng.
Có được thành quả như ngày hôm nay, ông Ngân cũng đã phải trải qua những khó khăn như việc canh tác trên đất có độ dốc khá lớn nên ông đã thiết kế các đường đồng mức, cải tạo đất đá thành đất màu mỡ. Ông Ngân cho rằng, quan trọng nhất trong canh tác cam, quýt là phòng bệnh và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách. Ông thường xuyên thăm vườn, cắt tỉa cành thông thoáng, phát hiện sớm những biểu hiện của sâu bệnh để có cách chữa trị phù hợp.
Để cây phát triển tốt, ông Ngân sử dụng phân bón hợp lý, kết hợp phân hóa học với phân vi sinh, phân chuồng. Khi cây cho quả rộ, ông làm hệ thống giàn đỡ để cành không bị gãy. Được chăm bón đúng cách, cam có vị ngọt đậm, được người tiêu dùng ưu chuộng.
Không chỉ trở thành tỷ phú từ trồng cam trên đất dốc, gia đình ông Ngân còn tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động với mức lương ổn định 2,5 triệu đồng một tháng. Ông Lò Văn Nhung ở bản Cang, xã Quang Huy làm việc tại đây cho biết: Ngoài làm ruộng, làm sắn thì ông còn đi làm thêm cho gia đình ông Ngân từ năm 2014 đến giờ, cứ đến mùa là đi làm, đầu năm phải đi xới cỏ phun thuốc, cuối năm thu hoạch. Mỗi năm anh nông Ngân cũng tạo điều kiện cho vợ chồng ông có công việc thu nhập ổn định cho con đi ăn học.
Hàng năm, ông Ngân còn hướng dẫn và phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho ít nhất 30 lao động trở lên từ việc chọn giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hái. Đồng thời giúp đỡ về vốn đầu tư và kinh nghiệm sản xuất cho 8 hộ nghèo, hộ khó khăn trong bản.
Chị Đỗ Thị Hoàng ở bản Văn Yên, xã Mường Thải, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La cho biết: Gia đình chị may mắn được gia đình ông Ngân tạo điều kiện từ phân bón và thuốc để phun. Nhiều khi cam có hiện tượng sâu bệnh thì gia đình chị cũng được ông Ngân trao đổi và hướng dẫn cách phun thuốc như thế nào cho hiệu quả”.
Để có sản phẩm cam an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, tháng 9 năm 2016, ông Ngân đã đứng ra thành lập HTX trồng cây ăn quả có múi với 7 thành viên, diện tích cam được chứng nhận theo tiêu chuẩn Vietgap là 9 héc ta. Ông Ngân được công nhận là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp trung ương giai đoạn 2012-2016.