Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong hoạt động chế biến nông sản

BVR&MT – Sở Tài nguyên và Môi trường Sơn La vừa ban hành Công văn số 3419/STNMT-QLMT, gửi UBND các huyện, thành phố về việc bảo vệ môi trường trong hoạt động sơ chế, chế biến nông sản năm 2019.

Theo dự báo năm 2019, sản lượng cà phê trên địa bàn tỉnh cao gấp nhiều lần năm 2018. Hiện đang là thời điểm chính vụ của niên vụ cà phê 2019, trên địa bàn các huyện Mai Sơn, Thuận Châu và thành phố Sơn La có nhiều cơ sở sơ chế, chế biến cà phê đang hoạt động.

Song, các cơ sở này chưa có kế hoạch bảo vệ môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường và chưa được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn đảm bảo tiêu chuẩn môi trường.

Đa số các cơ sở là cơ sở nhỏ lẻ, tự phát, phân tán trên địa bàn các huyện, thành phố, đã gây ô nhiễm môi trường trên phạm vi rộng, làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt sản xuất của người dân. Mức độ ô nhiễm và phạm vi ô nhiễm dự kiến sẽ tiếp tục diễn biến theo chiều hướng phức tạp, nếu không có những giải pháp và hành động quyết liệt để ngăn chặn, phòng ngừa, xử lý ô nhiễm.

Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Sơn La đề nghị UBND các huyện, thành phố khẩn trương hoàn thiện, bổ sung việc thành lập các tổ công tác của UBND huyện, thành phố, gồm đồng chí Thường trực UBND huyện làm tổ trưởng, công an huyện, các phòng ban chuyên môn của huyện, UBND xã, công an xã.

Tùy theo điều kiện cụ thể của từng huyện, thành phố, xem xét thành lập nhiều tổ công tác, để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ giám sát, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước.

Khẩn trương tiếp tục kiểm tra, rà soát và có biện pháp xử lý đối với các cơ sở chế biến cà phê không đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường. Nghiêm cấm mọi hình thức (trực tiếp, gián tiếp) đưa nước thải chưa qua xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường vào nguồn nước, hay lòng đất, từ các hoạt động sản xuất sơ chế, chế biến cà phê.

Đối với các cơ sở sơ chế, chế biến đã tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm, đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các lực lượng chức năng tiếp tục kiểm tra việc chấp hành các yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.

Có biện pháp cưỡng chế, ngăn chặn các cơ sở đã được yêu cầu dừng ngay hành vi vi phạm nhưng cố tình không chấp hành theo quy định, đảm bảo tính kịp thời trong ngăn chặn hành vi gây ô nhiễm môi trường và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

Nghiêm túc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về UBND tỉnh qua Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 25 hàng tháng. Kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Trước đó, từ tháng 5/2019, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Công văn số 1539/UBND-KT giao nhiệm vụ cho các ngành, các huyện, thành phố về việc triển khai các giải pháp tăng cường quản lý môi trường với các tổ chức, cá nhân sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản năm 2019; Công văn số 3760/UBND-KT đôn đốc tăng cường quản lý môi trường đối với các tổ chức, cá nhân sơ chế, chế biến nông sản năm 2019.

Trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Sơn La đã thành lập Tổ công tác đôn đốc việc thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn 1539/UBND-KT ngày 14/5/2019, nhằm chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi gây ô nhiễm môi trường, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, nhất là các cơ sở sơ chế, chế biến nông sản (sơ chế cà phê bằng phương pháp ướt, sản xuất tinh bột sắn, dong giềng). Góp phần đảm bảo vệ sinh nguồn nước, đảm bảo sức khỏe, phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến nông sản theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh.

Hoàng Tôn (tổng hợp)

https://baovemoitruong.org.vn/