Sơn La: Sốp Cộp chăm sóc cây ăn quả

BVR&MT – Thời điểm này, trên các nương đồi trồng cây ăn quả của huyện Sốp Cộp, các HTX và hộ sản xuất đang tập trung chăm sóc, phòng trừ các loại sâu bệnh hại cho cây trồng, bảo đảm năng suất, chất lượng sản phẩm.

Thành viên HTX nông nghiệp Toản Duyên, xã Sốp Cộp, trao đổi kỹ thuật chăm sóc xoài ghép.

Xã Mường Và có 590 ha cam, quýt, xoài, nhãn, trong đó, 166 ha đã cho thu hoạch. Được các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, nhân dân trong xã chăm sóc cam, quýt theo quy trình VietGAP để sản phẩm đạt chất lượng, đáp ứng yêu cầu khách hàng. Anh Vì Văn Hương, bản Nghè Vèn, chia sẻ: Gia đình tôi trồng gần 3 ha cam Vinh, quýt chum, cam Nà Mòn. Hiện nay, gia đình đang chăm sóc, phòng bệnh thán thư và nấm cuống quả. Vụ năm 2022, gia đình tôi thu hoạch gần 20 tấn quả các loại, thu nhập 400 triệu đồng. Năm nay, phấn đấu sản lượng cao hơn năm trước từ 10-15%.

HTX nông nghiệp Toản Duyên, xã Sốp Cộp, có hơn 30 ha trồng cam, quýt, xoài ghép theo phương pháp hữu cơ. Các sản phẩm của HTX đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng thu hoạch bình quân đạt 80 tấn quả/năm. Anh Tòng Văn Toản, Giám đốc HTX, cho biết: Ngay sau khi thu hoạch xong vụ trước, các thành viên HTX đã tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Để tránh hiện tượng thoát nước nhanh trong thời gian nắng nóng và giảm công làm cỏ, HTX đã sử dụng tấm vải bạt phủ gốc và tư vấn kỹ thuật cho nông dân trồng, chăm sóc cây ăn quả theo phương pháp hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Nhân dân bản Sốp Cộp, xã Sốp Cộp, chăm sóc cây ăn quả.

Hiện nay, huyện Sốp Cộp có trên 2.170 ha cây ăn quả, chủ yếu là xoài, nhãn, mận, cam, quýt, sơn tra, tập trung chủ yếu ở các xã Mường Và, Mường Lạn, Nậm Lạnh, Sốp Cộp… Trong đó, trên 1.800 ha đã cho thu hoạch, sản lượng đạt trên 2.700 tấn quả/năm. Toàn huyện đang duy trì 12 chuỗi cung ứng nông sản an toàn; trên 40 ha trồng theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, huyện có 24 HTX nông nghiệp tham gia liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với các hộ dân.

Theo kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả của các HTX, các hộ sản xuất, đối với cây ăn quả có múi, khi quả non đạt đường kính từ 1 cm trở lên, cần tính toán tỉa bớt số lượng quả trên cây cho phù hợp với tuổi cây, loại những quả xấu. Đối với xoài, nhãn ghép và các cây ăn quả khác, sau khi đậu quả từ 3-4 tuần, cần bón thúc và thực hiện bao trái bằng túi chuyên dụng, để tránh ruồi vàng đục quả, nấm, bệnh hại quả.

Ông Vì Văn Định, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Từ đầu năm đến nay, Phòng đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, các đơn vị tổ chức 7 lớp tập huấn về kỹ thuật tỉa thưa vườn, ghép cành, trồng và chăm sóc diện tích cây ăn quả trồng mới cho trên 200 lượt người. Đồng thời, khuyến cáo nhân dân thực hiện tốt quy trình sản xuất an toàn, sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục cho phép; phòng trừ bệnh thán thư cuống quả ở xoài ghép và sâu đục thân ở những gốc cây ăn quả có múi lâu năm. Thời điểm này, gần 700 ha xoài, hơn 500 ha cam, quýt, bưởi, trên 450 ha cây sơn tra của huyện đang phát triển tốt, tỷ lệ đậu quả cao.

Nhân dân bản Lọng Tòng, xã Nậm Lạnh, chăm sóc cam đường canh.

Bên cạnh đó, huyện Sốp Cộp đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Phấn đấu đến năm 2025, huyện có 55 ha cây ăn quả trồng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, 4C, UTZ và các tiêu chuẩn tương đương; 60 ha áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước, dùng bạt vải che phủ gốc; 5 ha áp dụng nhà lưới, nhà kính và có 5 HTX nông nghiệp sử dụng công nghệ cao trong một hoặc một số khâu của sản xuất, chế biến.

Với việc chủ động chăm sóc, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đúng thời điểm, thời vụ, tin rằng vụ sản xuất cây ăn quả năm nay của huyện Sốp Cộp sẽ mang lại thu nhập cao cho các hộ dân.