Sơn La: Người dân lao đao vì giá bí đỏ

Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (2016 - 2020)

BVR&MT – Là loại cây trồng góp phần xóa đói giảm nghèo, mang lại thu nhập khá cao cho bà con nông dân, tuy nhiên giá bí đỏ thời gian gần đây đang rớt giá thảm hại khiến nhiều hộ dân ở tỉnh Sơn La đang lâm vào cảnh thất thu.

Từ năm 2014, nhiều hộ dân ở xã Chiềng Sung, một trong những xã thuộc chương trình 135 huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã chuyển một phần diện tích đất trồng ngô sang trồng bí đỏ. Năng suất bình quân đạt từ 12 – 15 tấn quả/ha, với giá bán từ 4.000 – 7.000 đồng/kg, người dân thu lãi từ 20 – 30 triệu đồng/ha. Vì thế, vụ năm nay số hộ dân trồng bí đỏ tăng mạnh, toàn xã có hơn 400 hộ trồng gần 180 ha bí (tăng 80 ha so với vụ trước) tập trung ở các bản: Chạm Cẳng, Thống Nhất, Noong Sơn, Bó Lý, Búc A, Búc B.

Bí đỏ, nguồn thu nhập chính của người dân Chiềng Sung đang rớt giá thảm hại.

Tuy nhiên, gần đến thời điểm thu hoạch, giá bí đỏ bỗng dưng bị rớt giá, thương lái thu mua chia bí làm 3 loại: Quả nhỏ, mẫu mã xấu giá 600 – 1.000 đồng/kg; bí quả tròn giá 1.200 – 1.500 đồng/kg; bí quả dài mẫu mã đẹp, chất lượng tốt giá 1.600 – 1.800 đồng/kg. Như vậy, so với các vụ năm trước, giá bí giảm từ 3.000 – 5.200 đồng/kg. Cùng với đó, đầu ra cho sản phẩm bí đỏ gặp khó khăn, khiến khối lượng lớn bí vẫn chưa được bà con thu hoạch.

Giá bí đỏ giảm, người dân đành ngậm ngùi dùng làm thức ăn cho gia súc.

Anh Lê Trọng Bính, bản Bó Lý, xã Chiềng Sung cho biết: Vụ trước gia đình tôi đầu tư trồng hơn 2 ha bí đỏ, chủ yếu là giống bí sao đỏ và đồng tiền vàng, sản lượng đạt 27 tấn bí quả, trừ chi phí khoảng 40 triệu đồng mua giống, phân bón và công chăm sóc, gia đình thu 120 triệu đồng. Vụ năm nay, gia đình tôi trồng 4,5 ha bí, đến thời điểm thu hoạch gặp đợt mưa kéo dài, nên bí thối quả, chỉ thu được khoảng 5 tấn quả/ha đủ điều kiện và chất lượng bán cho thương lái, còn lại sử dụng làm thức ăn chăn nuôi…

Nguyên nhân được cho là do ảnh hưởng từ đợt mưa kéo dài vừa qua nên quả bí bị nhiễm nấm dẫn đến thối quả, làm giảm chất lượng, sản lượng. Mỗi ha trồng bí người dân chỉ thu được từ 5 – 6 tấn quả đủ điều kiện xuất bán. Kết hợp với thị trường tiêu thụ bí bị thu hẹp, cung vượt quá cầu, các nhà máy chế biến sản phẩm từ bí đỏ dư thừa nguyên liệu…

Cần có biện pháp hỗ trợ người dân trước tình trạng giảm giá.

Trao đổi về vấn đề này, ông Tòng Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Chiềng Sung cho biết: Xã đã chỉ đạo khuyến nông viên đến các bản hướng dẫn bà con cách phân loại và bảo quản bí đỏ trong thời gian dài nhất. Đồng thời, tăng cường liên hệ với những cơ sở, hợp tác xã thu mua bí đỏ trên địa bàn huyện, tỉnh thu mua bí cho bà con. Hướng dẫn bà con trồng bí đỏ có dàn treo để tránh thối quả khi mưa kéo dài; ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đầu ra với các hộ kinh doanh nông sản cung ứng vật tư nông nghiệp, hợp tác xã, cơ sở thu mua nông sản trên địa bàn, với mức giá đảm bảo có lãi….

Có thể thấy việc nông sản được mùa, mất giá hay mất mùa, mất giá ở nhiều địa phương không còn là câu chuyện mới. Tuy nhiên, ngoài việc người nông dân chủ động trong sản xuất và tiêu thụ nông sản cũng rất cần các ngành chức năng tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, phân tích, dự báo thị trường để có những định hướng có lợi cho người dân. Trước mắt, rất cần sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành, các đơn vị chung tay, tìm giải pháp để giúp bà con giảm bớt khó khăn, yên tâm sản xuất.

Hải Sơn