BVR&MT – Mới đây, Tỉnh ủy Sơn La vừa ban hành Kế hoạch số 198-KH/TU, thực hiện Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Tại kế hoạch, Tỉnh ủy Sơn La đã đề ra 4 nhiệm vụ thường xuyên và nhiều nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn từ nay tới năm 2030.
4 nhiệm vụ thường xuyên, gồm: Nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Tiếp tục lãnh đạo chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thực thi chính sách, pháp luật về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nâng cao năng lực, hiệu quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Về các nhiệm vụ trọng tâm, trong năm 2020-2021, sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ: Tích hợp vào quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 các nội dung về quy hoạch sử dụng đất, tài nguyên nước, khoáng sản, bảo vệ môi trường có tính đến các yếu tố BĐKH.
Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Dự án lập phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước sinh hoạt đối với nhà máy cấp nước số 1, 2 thành phố Sơn La (nguồn nước hang Tát Tòng, suối Nậm La) và Nhà máy cấp nước Mai Sơn (nguồn nước suối Nậm Pàn) đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2415/QĐ-UBND ngày 2/10/2018.
Hoàn thành các dự án bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét trên địa bàn các huyện Yên Châu, Vân Hồ, Phù Yên. Đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật để tiếp nhận và quản lý kết quả quan trắc nước thải, khí thải tự động liên tục từ các cơ sở thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc tự động, truyền dẫn số liệu Bộ TN&MT theo quy định.
Giai đoạn 2020-2022, triển khai thực hiện dự án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn các huyện, thành phố. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai (VILG) tỉnh Sơn La.
Xây dựng chính sách phù hợp để từng bước giải quyết tốt vấn đề rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh theo phương châm thay thế, tiết giảm, tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa; khuyến khích mạnh mẽ hơn các doanh nghiệp đầu tư xử lý chất thải rắn, nước thải.
Giai đoạn 2020-2025, tiếp tục rà soát, hỗ trợ di dời dân ra khỏi các vùng có nguy cơ cao sạt lở bờ sông, sạt lở núi, lũ quét và các nguy cơ thiên tai khác. Tiếp tục đầu tư, bảo đảm an toàn các hồ chứa nước; phát triển thủy lợi, nâng cao khả năng tưới, tiêu nước cho các vùng thường xuyên bị hạn hán, úng ngập.
Xây dựng và triển khai có hiệu quả Đề án phát triển vùng nguyên liệu cà phê gắn với chế biến và bảo vệ môi trường, đề án chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường tỉnh giai đoạn 2020 – 2025.
Bảo vệ diện tích rừng hiện có, đến năm 2025, tỷ lệ che phủ rừng đạt ổn định 50% (bao gồm cả diện tích cây ăn quả trên đất dốc), từng bước nâng cao chất lượng rừng; quản lý bền vững tài nguyên rừng, tập trung xây dựng hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La, rừng đầu nguồn sông Đà, sông Mã, vùng đầu nguồn các công trình thủy điện nhỏ và vừa trong tỉnh…
Giai đoạn 2020-2030, xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát BĐKH, xây dựng cơ sở dữ liệu bản đồ dự báo thiên tai trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó tập trung vào lũ lụt, hạn hán, trượt sạt lở đất và cháy rừng; xây dựng các trạm quan trắc và cảnh báo tự động cho 70% khu vực trọng điểm, dễ tổn thương của tỉnh.
Hoàng Tôn (tổng hợp)