Sớm xử lý việc nuôi thủy sản trái phép tại khu vực neo đậu tàu thuyền tránh bão

BVR&MT – Nhiều năm qua, các hộ dân đã chiếm dụng mặt nước Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Lạch Bạng (thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) làm lồng, bè nuôi thủy sản.

Khu vực mặt nước ở Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Lạch Bạng có hàng trăm lồng bè nuôi thủy sản của các hộ dân.

Năm 2012, Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Lạch Bạng (thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) được đưa vào sử dụng với mục đích làm nơi neo đậu và tránh trú bão cho tàu thuyền của ngư dân thị xã Nghi Sơn và tàu thuyền ở các tỉnh thành khác khi có bão. Tuy nhiên, nhiều năm qua, các hộ dân ở khu vực này đã chiếm dụng mặt nước làm lồng, bè nuôi thủy sản gây khó khăn cho các tàu thuyền vào neo đậu, tránh trú, nhất là trong mùa mưa bão.

Ghi nhận tại hiện trường, khu vực mặt nước ở Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Lạch Bạng có hàng trăm lồng bè nuôi thủy sản của các hộ dân. Đa số các lồng bè được người dân dùng để nuôi cá đặc sản, nuôi hàu, nuôi vẹm… Các lồng bè này đã chiếm dụng vị trí neo đậu và gây cản trở lối ra vào của tàu cá, mỗi khi có tàu thuyền ra vào đều rất khó khăn, phải di chuyển chậm để tránh các lồng bè trong khu vực luồng di chuyển.

Tàu thuyền ra vào đều rất khó khăn, phải di chuyển chậm để tránh các lồng bè trong khu vực luồng di chuyển.

Ông Lê Văn Thăng, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Thanh Hóa cho biết, để khắc phục các tồn tại nêu trên, Ban Quản lý Cảng cá Thanh Hóa đã nhiều lần đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở đã có công văn đề nghị thị xã Nghi Sơn chỉ đạo các phòng chức năng, UBND các phường Hải Thanh, Bình Minh, Hải Bình, Xuân Lâm tăng cường tuyên truyền, bảo vệ công trình khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Lạch Bạng. Đồng thời, giải tỏa các công trình lấn chiếm hành lang cảng cá và khu neo đậu sai quy định, đảm bảo an toàn cho các phương tiện tàu thuyền neo đậu trong âu tránh trú bão.

Theo báo cáo của UBND Thị xã Nghi Sơn, tình hình nuôi trồng thủy sản tại khu neo đậu tàu thuyền trên sông Bạng (qua các phường Hải Thanh, Hải Bình, Xuân Lâm, Bình Minh) là hoàn toàn tự phát. Tính đến đầu tháng 7/2024, tổng số ô lồng nuôi cá, hàu còn lại và phát sinh thêm trên khu vực neo đậu tàu thuyền tránh trú bão thuộc sông Bạng là 1.139 ô lồng cá và 524 bè nuôi hàu, vẹm/73 hộ.

Thời gian qua, thị xã Nghi Sơn đã xây dựng nhiều kế hoạch, phương án và giải pháp để giải tỏa, giải bản các ô, lồng nuôi thủy sản của các hộ nuôi lồng bè tự phát tại khu neo đậu tránh trú bão cho tàu, thuyền tại cảng cá Lạch Bạng, nhưng tiến độ thực hiện rất chậm. UBND các phường Hải Thanh, Hải Bình và Bình Minh đã tổ chức ký cam kết với các hộ dừng nuôi trồng thủy sản trên khu neo đậu tránh trú bão tàu thuyền nghề cá Lạch Bạng, sau khi thu hoạch vụ nuôi năm 2023, gia đình sẽ tự tháo dỡ, giải bản toàn bộ ô lồng, bè nuôi cá, hàu để bàn giao lại mặt nước theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đến cuối năm 2023, địa phương mới giải bản được 171 ô lồng, bè/19 hộ nuôi cá, hàu trên sông Bạng.

Một góc sông Lạch Bạng bị các hộ dân chiếm dụng làm nơi nuôi thủy sản bằng lồng, bè.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Ngọc Thi, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Minh cho biết, hiện trên địa bàn phường có tình trạng người dân tự phát chiếm dụng khu neo đậu tàu thuyền trên sông Lạch Bạng để nuôi các loại thủy sản, trong đó có 558 ô lồng nuôi cá và 358 bè nuôi hàu, vẹm của 43 hộ dân. Thực hiện chỉ đạo của UBND thị xã, mục tiêu của phường Bình Minh là sớm giải bản các lồng nuôi. Hiện địa phương đang tập trung tuyên truyền cho các hộ nuôi cá lồng, nuôi hàu tự phát phải tự tháo dỡ các công trình vi phạm, không để phát sinh nuôi thủy sản tự phát, giảm dần tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc nuôi cá lồng, hàu, vẹm tự phát.

Ông Trần Văn Sơn, Chủ tịch UBND phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết, chính quyền đã nhiều lần tuyên truyền, vận động người dân tháo dỡ công trình nuôi trái phép, nhưng có rất ít người dân tự nguyện thực hiện. Ông Sơn cũng cho biết, thời gian tới chính quyền sẽ quyết liệt hơn, thậm chí phải tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ nếu người dân không chấp hành.

Tính đến đầu tháng 7/2024, tổng số ô lồng nuôi cá, hàu còn lại và phát sinh thêm trên khu vực neo đậu tàu thuyền tránh trú bão thuộc sông Bạng là 1.139 ô lồng cá và 524 bè nuôi hàu, vẹm.

Ông Phạm Văn Nhiệm, Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn khẳng định, qua tuyên truyền vận động, hầu hết các hộ nhận thức được việc nuôi trồng thủy sản trên các lòng sông là tự phát, không đúng quy hoạch, tuy nhiên hiện nay các hộ cũng đang kiến nghị: việc đầu tư kinh phí vào ô lồng nuôi cá, hàu, vẹm… của các hộ dân là khá lớn (số kinh phí chủ yếu các hộ vay mượn để đầu tư mua sắm chưa trả hết nợ), khi thực hiện kế hoạch giải bản lồng bè thì toàn bộ lồng bè của các hộ dân đều phải vứt bỏ, không thể bán hoặc tận dụng vào việc khác, do vậy ảnh hưởng thiệt hại rất lớn đến kinh tế của các hộ dân nuôi cá lồng, hàu. Mặt khác lao động của các hộ nuôi cá lồng có độ tuổi khác nhau, trình độ học vấn thấp nên tổ chức đào tạo nghề cho các lao động này cũng rất khó khăn và không phù hợp.

Vì vậy, để giải quyết dứt điểm việc nuôi thủy sản lồng, bè trái phép tại Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão sông Bạng, UBND thị xã Nghi Sơn đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa và các ngành liên quan sớm xây dựng chính sách hỗ trợ cho các hộ dân tự giải bản ô lồng và bè hàu ra nuôi trồng thủy sản tại khu vực đảo Hòn Mê theo Quyết định số 4716/QĐ-UBND ngày 28/12/2022 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án phát triển nuôi cá lồng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, đề xuất UBND tỉnh cho khảo sát và lập quy hoạch tạm thời khu nuôi cá lồng, nuôi hàu ven sông Bạng để quản lý và từng bước thực hiện giải bản trong thời gian tới, nhằm giải phóng luồng lạch cho tàu thuyền vào tránh trú bão.