Sớm ổn định giá và ngành hàng thịt lợn

BVR&MT – Từ tháng 10 đến nay, giá lợn hơi liên tục tăng và tăng mạnh trong những ngày gần đây, kéo theo giá thịt lợn trên thị trường cũng tăng cao. Ở các tỉnh, thành phố phía bắc, một số nơi, giá lợn hơi đã lên đến hơn 75 nghìn đồng/kg; còn ở miền trung và phía nam, theo ghi nhận mức giá trung bình là hơn 70 nghìn đồng/kg.

Tìm những giải pháp căn cơ, bài bản để ổn định giá thịt lợn ở mức phù hợp (nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020) để vừa bảo đảm phát triển ngành chăn nuôi bền vững, vừa không ảnh hưởng nhiều tới đời sống người dân là vấn đề cấp bách lúc này.

Người dân mua thịt lợn tại chợ Xuân Khánh, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ).

Giá tăng chóng mặt

Qua khảo sát thực tế tại các chợ ở Hà Nội như Dịch Vọng, Ngọc Khánh, Trương Ðịnh, Thành Công…, trong mấy ngày qua, giá thực phẩm đều tăng, riêng thịt lợn tăng mạnh, lên mức 140 nghìn đến 160 nghìn đồng/kg thịt các loại, trong đó giá sườn thăn bỏ cục lên hơn 175 nghìn đồng/kg (tăng khoảng 35 đến 40 nghìn đồng/kg so với vài tháng trước). Tại hệ thống các siêu thị trên địa bàn thành phố như Coop mart, Big C, Vinmart…, giá thịt lợn có phần nhỉnh hơn ở các chợ dân sinh. Có thể thấy, giá lợn hơi và giá thịt lợn trên thị trường hiện đều ở mức khá cao, nhất là so với một thời gian dài trước đây, giá lợn hơi ở mức thấp chỉ 30.000 đồng/kg. Theo tiểu thương Nguyễn Thị Hạnh (quê ở Hưng Yên, chuyên bán thịt lợn ở chợ Hòe Nhai): Giá lợn hơi ngày một tăng, nguồn hàng mua có hạn, lại qua nhiều khâu trung gian, cho nên chúng tôi buộc phải tăng giá bán. Nếu cứ tiếp đà này, việc kinh doanh của chúng tôi sẽ khó khăn hơn bởi bán giá cao thì hàng sẽ khó tiêu thụ. Mấy tháng trước, mỗi ngày bán hết hơn 100 kg thịt, còn giờ thì cố lắm cũng chỉ bán được khoảng 60 kg/ngày.

Trao đổi ý kiến về thực trạng này, Phó Cục trưởng Thú y Nguyễn Văn Long cho biết, tính đến hết ngày 13/11, cả nước có 8.400 xã xuất hiện bệnh tả lợn châu Phi, phải tiêu hủy 5,8 triệu con lợn, tương đương hơn 300 nghìn tấn thịt hơi (chiếm 8,5% tổng lượng lợn hơi cả nước), khiến nguồn cung giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Do dịch vẫn chưa được khống chế, cho nên các hộ chăn nuôi còn dè dặt trong việc tái đàn, dẫn đến quy mô tổng đàn giảm. Tuy nhiên, theo Quyền Cục trưởng Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương, việc giá lợn hơi có đợt tăng kỷ lục trong mấy ngày qua, nguyên nhân chính không phải do thiếu hụt nguồn cung quá lớn mà có vấn đề về lưu thông và thông tin. Việc giá lợn hơi lên đến 75 nghìn đồng/kg là cá biệt. Theo giá bán chủ lưu của các công ty lớn như C.P, Mavin… thì ở miền bắc, lợn xuất chuồng bán ra chỉ ở mức 66.000 đến 67.000 đồng/kg, còn ở miền nam chỉ từ 63.000 đến 64.000 đồng/kg. Sở dĩ có hiện tượng nêu trên là do trước đây các thương lái, người giết mổ mua lợn của các hộ chăn nuôi là chính, nay nhiều hộ chăn nuôi không còn lợn, hoặc còn thì chưa muốn bán ngay cho nên tự đẩy giá lên; nhiều thương lái không tiếp cận được nguồn cung từ các doanh nghiệp lớn do họ chỉ bán số lượng lớn lại ưu tiên các mối cung cấp lâu năm, dẫn đến tình trạng thương lái buộc phải mua lợn của một số hộ chăn nuôi với giá cao rồi sau đó họ tiếp tục đẩy giá lên để kiếm lời.

Ðiều đáng chú ý, khâu lưu thông phân phối từ trước đến nay trên thị trường luôn bị thương lái điều khiển. Họ đi thu gom mua lợn, tập kết ở một điểm và bán lại cho lò giết mổ. Còn các lò này lại đẩy hàng cho người bán lẻ để họ bán cho người tiêu dùng, khiến giá thịt lợn thêm một lần nữa lại bị “đội lên”.

Ðồng bộ các giải pháp để bình ổn giá

Ðể hạ nhiệt, bình ổn giá, ổn định thị trường thịt lợn trước và sau Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: Tuyên truyền đầy đủ, kịp thời về nguồn cung thực phẩm, nhất là mặt hàng thịt lợn và giá chính thống từ các công ty, nhà cung cấp lớn; thông tin phải chính xác và dựa vào giá chủ lưu. Về khâu lưu thông của thị trường, cần tạo điều kiện để điều tiết nguồn cung lợn thịt từ vùng đủ, vùng thừa sang các vùng thiếu; tạo điều kiện cho phân khúc của những người giết mổ nhỏ lẻ tiếp cận được nguồn lợn thịt của các trang trại, các công ty (nắm giữ phần lớn nguồn cung thịt lợn) để tiêu thụ và bán thịt lợn đúng theo giá thị trường.

Hiện dịch tả lợn châu Phi đã lắng dịu, một số địa phương như tỉnh Hưng Yên đã công bố hết dịch, do đó các địa phương cần tập trung khâu chỉ đạo tái đàn có kiểm soát, vùng an toàn thì mở rộng quy mô chăn nuôi và có chính sách hỗ trợ người dân tái đàn khi đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, đáp ứng tốt các quy định của cơ quan thú y, được kiểm soát tốt từ con giống, thức ăn chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại…; bên cạnh đó không được lơ là, chủ quan đối với công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là trong vụ đông xuân thường xuất hiện nhiều dịch bệnh nguy hiểm cho đàn gia súc, gia cầm. Ngành công thương cần chú ý công tác bình ổn mặt hàng thực phẩm cuối năm, nên ưu tiên nhiều hơn cho mặt hàng thịt lợn. Người tiêu dùng nên điều chỉnh sang sử dụng các loại thực phẩm khác… để giảm áp lực nguồn cung thịt lợn. Hiện nay, chăn nuôi các loại gia súc ăn cỏ, gia cầm và thủy sản đang phát triển thuận lợi, tạo nguồn cung thực phẩm dồi dào; theo thống kê 10 tháng năm 2019, thịt gia cầm tăng 13,5%, trứng tăng 10%; gia súc ăn cỏ tăng 4,5%, thủy sản tăng 6,5%…

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, chúng ta hoàn toàn có thể điều chỉnh được giá thịt lợn, bởi vì chưa hẳn đã quá thiếu. Vấn đề hiện nay là truyền thông cần định hướng người tiêu dùng thay đổi thói quen ăn quá nhiều thịt lợn, thay đổi tư duy sang dùng thịt mát được cấp đông và các sản phẩm chế biến sâu; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nhà máy chế biến để liên kết nông dân chăn nuôi và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Bởi nếu chế biến đi theo chuỗi thịt mát được cấp đông, giá trị thực phẩm sẽ tốt hơn và về lâu dài giá sẽ rẻ, cạnh tranh được với giá thịt nóng. Khi phát triển phổ biến về sản xuất công nghiệp thịt mát cấp đông thì sẽ có rất nhiều giải pháp để thịt mát cạnh tranh với thịt nóng và đem lại lợi ích cho người tiêu dùng.

Về lâu dài, Nhà nước cần tiếp tục có cơ chế, chính sách cụ thể, hiệu quả để nông dân tham gia chuỗi sản xuất như tổ hợp tác, hợp tác xã, kế hoạch đầu vào – đầu ra và nhất là sản xuất phải phù hợp thực tế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong ngành hàng thịt lợn cũng cần chủ động các giải pháp kỹ thuật nhằm hạ giá thành sản phẩm và bảo đảm nguồn cung ổn định với giá bán hợp lý. Với UBND các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các sở, ngành chức năng phối hợp triển khai và giám sát chặt chẽ việc thực hiện các giải pháp bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu (nhất là thịt lợn), còn các địa phương có biên giới thì cần kiểm soát chặt chẽ việc mua bán, vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn qua biên giới, không để ảnh hưởng đến nguồn cung và giá thịt lợn trong nước, nhất là dịp cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới.