BVR&MT – Bệnh khảm lá sắn xuất hiện lần đầu ở Tây Ninh vào năm 2017, đến nay, bệnh đã lây lan ra hơn 20 tỉnh, thành phố với tổng diện tích nhiễm gần 84.000 ha, đây là loại bệnh gây hại nghiêm trọng tới năng suất, chất lượng củ và cả quá trình sinh trưởng của cây sắn. Hiện tại, đã có một số giống sắn kháng bệnh được đưa vào sản xuất, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập.
Virus gây bệnh khảm lá sắn lan truyền qua trung gian truyền bệnh là bọ phấn trắng và qua hom giống, nguy cơ lây lan rất nhanh, gây hại nghiêm trọng cho các vùng trồng sắn.
Còn thiếu và yếu
Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Quý Dương cho biết, trước những tổn thất do bệnh khảm lá sắn gây ra, năm 2018, các cơ quan nghiên cứu của Việt Nam như Viện Di truyền nông nghiệp, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc và các tổ chức quốc tế đã quyết định nhập các giống sắn có gen kháng bệnh khảm lá từ Colombia và châu Phi. Đến nay, nước ta đã có sáu giống sắn kháng bệnh khảm lá, gồm các giống: HN1, HN3, HN5, HN36, HN80 và HN97; trong đó, ba giống HN1, HN3, HN5 đang được nhân giống trồng ở hầu hết các tỉnh trồng sắn trên cả nước, diện tích ước đạt
5.487 ha, tập trung chủ yếu ở các tỉnh: Tây Ninh, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Gia Lai, Đắk Lắk, Nghệ An và Hà Tĩnh.
Nhìn vào con số nêu trên có thể thấy, việc nhân giống sắn kháng bệnh ở các địa phương trong thời gian qua còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Tây Ninh là địa phương đầu tiên đưa giống sắn kháng bệnh vào sản xuất. Từ 3 ha được trồng vào năm 2021, sau ba năm nhân giống, đến nay cả nước mới chỉ có 5.487 ha sắn kháng bệnh khảm lá, trong đó chủ yếu là ở Tây Ninh. Với tốc độ nhân giống chậm như hiện nay, để nhân đủ số lượng giống theo cách thông thường cho hơn 84.000 ha sắn nhiễm bệnh cần phải mất nhiều năm mới có thể cung ứng đủ lượng giống.
Các giống sắn kháng bệnh được nhân theo bốn phương pháp, gồm: Nhân invitro, nhân bằng nhà màng tunnel, nhân bằng hom ngắn và nhân bằng phương pháp truyền thống. Trong số các phương pháp này, các địa phương chủ yếu nhân theo phương pháp truyền thống ngoài đồng ruộng. Nhân giống kháng bệnh bằng phương pháp invitro, nhà màng tunnel được đánh giá mang lại hiệu quả, có thể nhân giống nhanh nhưng chi phí cao.
Tây Ninh hiện có khoảng 3.300 ha các giống kháng bệnh khảm lá, tuy nhiên so với tổng diện tích canh tác hơn 61.000 ha,diện tích nhiễm bệnh khảm lá hơn 40.000 ha cần thay thế thì con số này còn rất khiêm tốn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh cho biết, sau nhiều năm sản xuất, nhân giống trên diện rộng, đối với ba giống được trồng đại trà hiện nay là HN1, HN3, HN5 địa phương đã ghi nhận nhiều biểu hiện hạn chế.
Cụ thể, đối với giống HN3, cây phân cành sớm, khoảng 50-70 cm đã phân cành lần một; từ 1,2-1,5m cây phân cành lần hai; từ 1,8-2m phân cành lần ba. Điều này dẫn đến việc khó chăm sóc và hạn chế trong việc lấy cây làm giống. Giống sắn này hàm lượng tinh bột thấp, dao động từ 20-22%, dẫn đến giá thu mua thấp, lợi nhuận không cao. Ngoài ra, cây còn bị bệnh lở cổ rễ, thối củ với tỷ lệ hơn 10%, gây giảm năng suất và hàm lượng tinh bột. Đối với giống HN1, chỉ khoảng một tháng sau khi trồng cây đã bị bệnh xì mủ thân với tỷ lệ bệnh hơn 10%. Ngoài ra, còn bị các bệnh khác như bệnh chổi rồng, bị bệnh lở cổ rễ, thối củ, dễ mẫn cảm với nhện đỏ.
Hay với giống HN5, cây cũng có hạn chế là sinh trưởng phát triển mạnh, mộc chồi thân nhiều, gây khó khăn cho việc chăm sóc. Cây còn dễ bị bệnh lở cổ rễ, thối củ với tỷ lệ hơn 7%, gây giảm năng suất. Hàm lượng tinh bột của giống sắn này cũng thấp, chỉ đạt từ 20-23%, giá thu mua thấp.
Tập trung nghiên cứu, tìm giống sắn ưu việt
Tính đến cuối năm 2023, tổng diện tích sắn cả nước đạt gần 511.440 ha, giảm khoảng 60.000 ha so với năm 2015. Cây sắn đã chuyển đổi nhanh chóng từ chỗ là cây lương thực, cây xóa đói, giảm nghèo trở thành cây làm giàu, cây nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến, nhiên liệu sinh học. Việt Nam hiện là nước xuất khẩu sắn đứng thứ 2 trên thế giới.
Trước những hạn chế về việc nhân giống chậm cũng như những bất cập của các giống sắn kháng bệnh hiện nay, Trung tâm Khuyến nông quốc gia kiến nghị, cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, công bố lưu hành, nhân và phát triển nhanh các giống sắn mới có khả năng kháng bệnh, có năng suất và hàm lượng tinh bột cao. Các địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống bệnh khảm lá sắn; chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán và vận chuyển hom giống bị bệnh, xử lý những cơ sở bán giống không rõ nguồn gốc, giống nhiễm bệnh; tổ chức trao đổi, chia sẻ giống sắn sạch bệnh trong cộng đồng để tổ chức sản xuất. Đồng thời, các địa phương có chính sách khuyến khích đầu tư cho sản xuất giống sắn sạch bệnh, giúp nông dân phát triển sản xuất sắn có hiệu quả nhất; tổ chức thực hiện các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ, chế biến sắn bền vững.
Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Quý Dương cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần bố trí kinh phí thực hiện dự án nhân nhanh các giống sắn kháng bệnh khảm lá; chỉ đạo Viện Di truyền nông nghiệp tiếp tục chọn tạo các giống sắn kháng bệnh đáp ứng nhu cầu sản xuất; đề nghị Viện Khoa học Việt Nam chỉ đạo các viện thành viên tiếp tục phối hợp các tổ chức trong và ngoài nước chọn tạo giống kháng bệnh khảm lá; chuyển giao nguồn giống kháng bệnh và quy trình nhân giống cho các địa phương, doanh nghiệp sắn; tiếp tục khảo nghiệm và công bố lưu hành các giống sắn kháng bệnh khảm lá ở các vùng sinh thái khác để kịp thời phục vụ nhu cầu giống kháng bệnh khảm lá của nông dân. Cục Bảo vệ thực vật sẽ phối hợp với Viện Di truyền, Hiệp hội Sắn, Trung tâm Khuyến nông quốc gia hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương xây dựng phương án nhân giống kháng bệnh…
Hiện nay, một số nhà máy tinh bột sắn đã chủ động dành ngân sách và nhân lực để thực hiện mô hình phát triển giống sạch bệnh và giống kháng bệnh, tuy nhiên còn khó khăn về số lượng giống do quy định về chuyển giao giống cũng như số lượng nhân giống còn rất hạn chế. |
Hiện nay, một số nhà máy tinh bột sắn đã chủ động dành ngân sách và nhân lực để thực hiện mô hình phát triển giống sạch bệnh và giống kháng bệnh, tuy nhiên còn khó khăn về số lượng giống do quy định về chuyển giao giống cũng như số lượng nhân giống còn rất hạn chế. Cả nước vẫn còn hơn 84.000 ha sắn nhiễm bệnh khảm lá cần được thay thế. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phải quyết liệt hơn nữa trong việc thay thế dần bộ giống mới có năng suất, chất lượng cao và kháng được bệnh nhằm khống chế hoàn toàn dịch bệnh khảm lá sắn.