Sóc Trăng chủ động ứng phó hạn mặn lấn sâu nội đồng

BVR&MT – Theo ông Phạm Tấn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, ngày 16/2, độ mặn ở các khu vực cửa sông tại các trạm quan trắc trên địa bàn tỉnh đã lên khá cao. Tỉnh đã có các kế hoạch chủ động ứng phó hạn, mặn.

Máy bơm nước luôn được người dân trực chiến để bơm lên ruộng khi nước ngọt về. Ảnh tư liệu: Chanh Đa/TTXVN

Tại trạm gần cửa biển Trần Đề, độ mặn đo được là 17,2g/l (17 phần ngàn); Long Phú 12,3g/l; Đại Ngãi 6,5g/l; An Lạc Tây 3,3g/l; Thạnh Thới Thuận 12,3g/l; Thạnh Phú 2,1g/l; thành phố Sóc Trăng 2,6g/l; tại trạm Ngã Năm hiện vẫn chưa bị ảnh hưởng do mặn xâm nhập.

So với cùng kỳ các năm trước, mặc dù nồng độ mặn đã lấn khá sâu theo sông rạch vào nội địa từ 30-40 km nhưng nồng độ mặn cũng ở mức tương đương và chưa gây thiệt hại cho lúa và hoa màu, vật nuôi. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp đã có nhiều phương án đối phó, tích trữ nước và làm tốt thủy lợi nội đồng cũng như khuyến cáo người dân không gieo cấy lúa vụ 3, trồng hoa màu ở những vùng khó khăn về nước ngọt, thay vào đó tìm các kế sách thích ứng với hạn mặn như trồng cây ít cần nước, hoặc nuôi trồng thủy sản khác.

Tại huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, những ngày qua, độ mặn xâm nhập tại các cửa sông và các cống cũng tăng khá cao. Trước tình hình đó, ngành chức năng huyện Long Phú đã cho đóng hoàn toàn các cửa cống nhằm bảo vệ nguồn nước ngọt bên trong, đảm bảo nước ngọt phục vụ trồng trọt, nhờ vậy, đến thời điểm hiện tại, tình trạng mặn tấn công mạnh nhưng Long Phú vẫn vẫn chưa ghi nhận thiệt hại.

Lãnh đạo Chi cục Thủy lợi Sóc Trăng cũng cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng trước đó đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 09/KH-UBND ngày 19/01/2022 về việc phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2021-2022 trên địa bàn tỉnh và đã triển khai đến các địa phương về việc chủ động ứng phó với xâm nhập mặn. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng ban hành thông báo tình hình xâm nhập mặn, dịch hại và giải pháp phòng chống xâm nhập mặn trên cây trồng trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2022.

Chi cục Thủy lợi tỉnh cũng đã phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn Sóc Trăng tiến hành quan trắc mặn, thông báo số liệu mặn hàng ngày qua email, hộp thư điện tử, hệ thống tin nhắn SMS và trên các phương tiện thông tin đại chúng để địa phương và người dân biết, chủ động kiểm tra nguồn nước phục vụ sản xuất, kiểm tra tình hình nguồn nước, vận hành các cống, tranh thủ lấy nước vào khi nồng độ mặn cho phép.

Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn Sóc Trăng, dự báo trong vài ngày tới, độ mặn sẽ xâm nhập vào sâu trong các kênh rạch trên địa bàn tỉnh, cụ thể là các ngày 17, 18, 19/2. Do đó, giải pháp lấy nước cho các vùng cụ được ngành nông nghiệp chỉ đạo cụ thể.

Theo đó, vùng Dự án Long Phú – Tiếp Nhật, đơn vị Quản lý khai thác công trình thủy lợi thường xuyên kiểm tra tình hình nguồn nước, tranh thủ mở các Cống Bà Xẩm, Cái Oanh, Cái Xe lấy nước vào vùng dự án khi thực hiện yêu cầu bức xúc về giao thông thủy và vệ sinh môi trường. Vùng Dự án Kế Sách, khuyến cáo người dân đóng các bọng xung quanh vườn, cần kiểm tra nguồn nước khi độ mặn thấp nhất trước khi trữ nước vào ao, vườn. Tranh thủ lấy nước khi có nguồn tiếp ngọt.

Bên cạnh đó, các cấp, ngành địa phương cần tiếp tục thông tin, tuyên truyền, khuyến cáo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng cho người dân được biết tình hình, diễn biến nguồn nước để chủ động trong sản xuất. Đơn vị Quản lý khai thác công trình thủy lợi tiếp tục theo dõi diễn biến nguồn nước để kịp thời vận hành các công trình ngăn mặn và trữ ngọt.