Sóc Sơn: Tập trung thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới

BVR&MT – Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 1963-TB/TU, truyền đạt kết luận của đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy về kiểm tra công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và tình hình, kết quả thực hiện Chương trình 02 tại huyện Sóc Sơn.

Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2019

Theo đó, về công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi, trước mắt, huyện tập trung phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn trong thời gian nhanh nhất, yêu cầu tập trung một số nội dung: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Đoàn công tác TP Hà Nội kiểm tra tại các chốt kiểm dịch động vật huyện Sóc Sơn.

Huyện tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội từ huyện đến cơ sở tích cực vào cuộc đồng bộ trong công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, trước hết là Bí thư, Chủ tịch UBND huyện, các xã trong thực hiện nhiệm vụ; Tiếp tục chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi theo Chỉ thị 34-CT/BBT ngày 20/5/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và các văn bản chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố.

Trong vùng đang xảy ra dịch bệnh, khuyến cáo nhân dân tuyệt đối không được nhập, tái đàn mới. Ngoài các chốt kiểm soát dịch bệnh cố định, cần tăng cường các chốt kiểm soát lưu động; Thực hiện đúng quy định chế độ, chính sách, quy trình tiêu hủy, khử trùng, tiêu độc. Chuẩn bị đầy đủ điều kiện vật chất và kinh phí hỗ trợ trong quá trình phòng, chống, tiêu hủy lợn dịch. Phát động sự hưởng ứng tích cực của người dân để thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các đợt vệ sinh, khử trùng, tiêu độc, hạn chế lây lan dịch bệnh giữa các hộ chăn nuôi. Hướng dẫn các hộ, gia trại, trang trại, cơ sở chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tiêu hủy, vứt xác lợn bị dịch bệnh không đúng nơi quy định; Chuẩn bị tốt các điều kiện để khôi phục đàn lợn. Huyện nghiên cứu quy hoạch chăn nuôi lợn trên địa bàn theo hướng giảm dần hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng hộ chăn nuôi tập trung xa khu dân cư.

Thực hiện Chương trình số 02 của Thành ủy

Đối với nhiệm vụ chung, huyện Sóc Sơn rà soát các nhiệm vụ, chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Huyện nhiệm kỳ 2015-2020 và các chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy, đặc biệt là nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn, nâng cao đời sống nông dân mới. Tập trung hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu đã đề ra trong nhiệm kỳ 2015-2020.

Về một số nhiệm vụ cụ thể, trong phát triển nông nghiệp, huyện Sóc Sơn tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, áp dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng khoa học, công nghệ cao để tạo ra sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao; khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp. Đặc biệt là phát huy vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp, nâng cao tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất.

Phát triển mô hình trồng hoa Nhài tại xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Tiếp tục mở rộng các vùng chuyên canh trồng cây dược liệu hữu cơ chất lượng cao ở một số xã có điều kiện sản xuất cây dược liệu, nhằm bảo tồn gen và tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao; từng bước xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu kết hợp với du lịch trải nghiệm nông nghiệp sinh thái.

Về xây dựng nông thôn mới, huyện Sóc Sơn tiếp tục duy trì nâng cao chất lượng các tiêu chí của 20 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Tập trung chỉ đạo 5 xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới hoàn thành năm 2019 theo kế hoạch đã đề ra.

Liên quan đến thực hiện đạt các tiêu chí huyện nông thôn mới, huyện Sóc Sơn tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục, làm tốt công tác bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa trên địa bàn, nâng cao chất lượng xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa; thực hiện tốt 2 bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng và cơ quan; đẩy nhanh tiến độ cung cấp nước sạch đô thị, tăng tỷ lệ các hộ dân của huyện được sử dụng nước sạch đô thị. Thu hút phát triển làng nghề và khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nhằm giảm nghèo bền vững. Tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở.

Huyện Sóc Sơn tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện 2 thông báo của Thành ủy: Thông báo số 1937 ngày 9/5/2019 kết luận của Thường trực Thành ủy về xử lý, khắc phục sau thanh tra toàn diện công tác quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn, giai đoạn 2008-2018; Thông báo số 1902 ngày 18/4/2019 kết luận của đồng chí Phó Bí thư Thành ủy tại buổi làm việc với tập thể Thường trực Huyện ủy Sóc Sơn về giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp trên địa bàn huyện.

Thạch Thảo