Siết chặt quản lý, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều

BVR&MT – Trong những năm qua công tác quản lý, bảo vệ đê điều, quản lý sử dụng lòng sông, bãi sông luôn được các cấp, các ngành TP Hà Nội coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng.

Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp cùng các sở, ban, ngành tham mưu cho UBND thành phố ban hành nhiều chỉ thị, quyết định, quy định về quản lý đê điều. Tuy nhiên, để rõ hơn trách nhiệm trong phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật về đê điều cần có thêm chế tài để siết chặt quản lý.

Nhiệm vụ khẩn thiết

Thành phố Hà Nội có 2 hệ thống sông chính là sông Hồng và sông Thái Bình với 7 con sông chảy qua: Sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Công, sông Cầu, sông Cà Lồ, sông Đáy và các sông nội địa: Sông Tích, sông Bùi, sông Thanh Hà… Hệ thống đê điều của thành phố đi qua địa bàn của 26/30 quận, huyện, thị xã với 224 xã, phường, thị trấn ven đê.

Cần kiên quyết xử lý dứt điểm các vụ vi phạm pháp luật đê điều. Ảnh minh họa.

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, hệ thống đê điều có tầm quan trọng đặc biệt trong công tác phòng, chống thiên tai của thành phố. Ngoài tác dụng chính là ngăn lũ bảo vệ cho các vùng dân sinh, kinh tế, hệ thống đê điều còn góp phần không nhỏ vào việc kết nối giao thông giữa các vùng; tạo ra một vùng đất bãi sông trù phú thuận lợi cho phát triển nông nghiệp cũng như phát triển các loại hình kinh tế khác, phát triển đời sống của nhân dân…

Nhìn chung, có thể thấy công tác quản lý đê điều trên địa bàn thành phố ngày càng đi vào nề nếp, phục vụ đa mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô. Tuy nhiên, do số lượng kilomet đê các loại trên địa bàn thành phố lớn (Hơn 625,5km đê được phân cấp, 41 tuyến đê bao, đê bối chưa được phân cấp dài hơn 132,8km) và tốc độ đô thị hóa nhanh tại các vùng ven sông, ven đê…, nhưng việc tổ chức di dời công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều theo quy định chưa được thực hiện đã dẫn đến tình hình vi phạm pháp luật về đê điều diễn biến phức tạp. Từ năm 2008 đến hết năm 2014, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 1.877 vụ vi phạm pháp luật về đê điều (cơ quan chức năng đã xử lý được 695 vụ vi phạm). Từ năm 2017 đến tháng 9-2019, tiếp tục phát sinh 469 vụ (năm 2017 là 190 vụ, năm 2018 là 197 vụ và 9 tháng năm 2019 là 82 vụ), cơ quan chức năng đã xử lý được 120 vụ.

Bên cạnh đó, dọc các tuyến sông thuộc địa bàn thành phố có 186 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng đang hoạt động, trong đó: 37 bãi có giấy phép, 149 bãi không có giấy phép, 97 bãi có hoạt động của xe quá tải ra vào bãi, đi trên đê. Tình trạng xe quá tải trọng cho phép lưu thông trên một số tuyến đê, đặc biệt là tại các địa bàn có nhiều bãi tập kết, trung chuyển, kinh doanh vật liệu xây dựng ở bãi sông Hồng, sông Đuống diễn biến phức tạp, làm nhiều đoạn đê bị hư hỏng, xuống cấp, giảm khả năng chống lũ cũng như ảnh hưởng đến an toàn của người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đê. Ngoài ra, tình trạng khai thác cát trái phép lòng sông hiện nay vẫn diễn ra tại một số khu vực, gây ảnh hưởng nhiều đến an toàn công trình đê điều.

Đáng ngại, nhiều năm gần đây, không có lũ lớn, đã dẫn đến tư tưởng chủ quan, một số cấp chính quyền cấp xã, cấp huyện coi nhẹ việc xử lý giải tỏa vi phạm pháp luật đê điều hoặc xử lý mang tính hình thức, chưa dứt điểm kiến vi phạm lại tái diễn sau xử lý. Mặt khác, công tác quản lý trật tự xây dựng tại một số địa phương còn lỏng lẻo, công tác ngăn chặn và xử lý, giải tỏa vi phạm chưa được chính quyền địa phương cơ sở thực sự quan tâm dẫn đến tỷ lệ vi phạm được xử lý thấp, vi phạm tồn đọng nhiều. Đặc biệt, đã xảy ra các vụ việc vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn đê điều, thoát lũ, an toàn giao thông…

Cần gắn trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong xử lý vi phạm

Để quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều, UBND thành phố đã ban hành “Quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn TP Hà Nội” kèm theo Quyết định số 14/2014/QĐ-UBND, ban hành ngày 14/3/2014 và bổ sung tại Quyết định số 46/2016/QĐ-UBND ngày 7/11/2016. Triển khai thực hiện Quy chế đã khắc phục tình trạng né tránh trách nhiệm, xử lý có hiệu quả các trường hợp vi phạm, từng bước hạn chế tình trạng vi phạm trên địa bàn thành phố; xử lý trách nhiệm đối với các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, các cá nhân không thực hiện trách nhiệm của mình trong việc xử lý vi phạm, còn để vi phạm tồn đọng nhiều, không xử lý dứt điểm…

Tuy nhiên, hiện nay, một số văn bản pháp luật căn cứ để xây dựng Quy chế đã hết hiệu lực và được thay thế bằng văn bản mới. Đơn cử như, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, ban hành ngày 19/6/2015, thay thế cho Luật Tổ chức HĐND, UBND ngày 26/11/2003; Nghị định số 97/2017/NĐ-CP, ban hành ngày 18/8/2017, của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP, ban hành ngày 19/7/2013, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính…

Mặt khác, tình hình vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố có nhiều diễn biến phức tạp, các vụ vi phạm nghiêm trọng, trong khi số vụ vi phạm chưa được xử lý còn tồn đọng nhiều. Hầu hết các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều, đồng thời cũng vi phạm về nhiều lĩnh vực khác, như: Đất đai, trật tự xây dựng, tài nguyên môi trường, khoáng sản…. Cùng với đó, biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng là buộc khôi phục tình trạng ban đầu, vì vậy, bắt buộc phải tổ chức tháo dỡ tự nguyện hoặc cưỡng chế thực hiện theo quy định về xử lý vi phạm hành chính. Nếu không được phát hiện, xử lý kịp thời, để vi phạm phát triển sẽ gây thiệt hại lớn về tài sản của nhân dân, của xã hội.

Chính vì thế, để khắc phục những hạn chế, bất cập trên, ông Chu Phú Mỹ cho biết, Sở NN&PTNT đã dự thảo Quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn TP Hà Nội lấy ý kiến, trình thành phố phê duyệt thay thế Quy chế đã được ban hành trước đây. Qua đó, thành phố sẽ quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác phối hợp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố; khắc phục tình trạng né tránh trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cá nhân có thẩm quyền, các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc xử lý vi phạm pháp luật về đê điều.

Đồng thời, xử lý có hiệu quả các trường hợp vi phạm, từng bước hạn chế tình trạng vi phạm trên địa bàn thành phố; xử lý trách nhiệm đối với các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, các cá nhân không thực hiện trách nhiệm của mình trong việc xử lý vi phạm, còn để vi phạm tồn đọng nhiều, không xử lý dứt điểm.

Thạch Thảo (tổng hợp)