Siết chặt quản lý hoạt động du lịch leo núi tại Lai Châu

BVR&MT  – Các đoàn du khách khám phá, trekking tại các đỉnh núi cao tại Lai Châu mùa này đang ngày một đông. Để hướng tới khai thác bền vững, đưa các đỉnh núi cao trở thành thế mạnh du lịch, cơ quan chức năng địa phương sẽ xử phạt những tổ chức, cá nhân khai thác cây, các sản vật hoặc có hoạt động hủy hoại, gây mất an toàn cho các cánh rừng trong quá trình leo núi.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu cho biết thời gian qua trên địa bàn xuất hiện tình trạng chặt phá, khai thác hoa đỗ quyên và bắn pháo hoa của du khách trong quá trình khám phá các đỉnh núi. Cơ quan chức năng tại Lai Châu khẳng định sẽ xử phạt nặng đối với những tổ chức, cá nhân khai thác cây, các sản vật hoặc có hoạt động hủy hoại, gây mất an toàn cho các khu rừng trong quá trình khám phá các đỉnh núi.

Bình minh trên núi Pu Ta Leng

Ông Trần Quang Kháng – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu cho biết loại hình du lịch khám phá các đỉnh núi cao là thế mạnh du lịch riêng có của địa phương, đang được giới trẻ trong và ngoài nước yêu thích. Số lượng các đoàn khách khám phá các đỉnh núi đang ngày một nhiều, đỏi hỏi công tác quản lý phải đặt ra nhiều yêu cầu để đảm bảo an toàn cho du khách, cũng như giữ được nguyên trạng các cánh rừng nguyên sinh.

“Việc khai thác các lợi thế dưới tán rừng, cũng như là các môn thể thao mạo hiểm gắn với chinh phục các đỉnh núi sẽ là các sản phẩm du lịch thế mạnh của Lai Châu. Để phát triển bền vững các sản phẩm du lịch này thì chúng tôi sẽ tập trung tham mưu UBND tỉnh xây dựng các tour, tuyến du lịch gắn với việc bảo vệ môi trường rừng, để đảm bảo phát triển bền vững. Thứ hai là phải tập huấn, hướng dẫn các doanh nghiệp du lịch, đảm bảo các điều kiện an toàn cho khách. Thứ ba là tập huấn, hướng dẫn cho người dân tại các điểm bản du lịch phát huy các giá trị truyền thống, phát triển các dịch vụ và tập huấn để cho họ trở thành các hướng dẫn viên du lịch tại bản”, ông Trần Quang Kháng cho biết.

Lai Châu hiện có 6/10 đỉnh núi nằm trong danh sách những ngọn núi hùng vĩ, hiểm trở và cao nhất Việt Nam như: Pu Ta Leng cao 3.049m, Pu Si Lung cao 3.083m, Bạch Mộc Lương Tử cao 3.046m, Tả Liên Sơn cao 2.996m, Phàn Liên San cao 3.012m và Pờ Ma Lung cao 2.967m.

Đường lên các đỉnh núi cao này đều rất hiểm trở, du khách sẽ đi qua các cánh rừng già nguyên sinh và những khu vực có hệ sinh thái, thảm thực vật phong phú. Đặc biệt, khám phá các đỉnh núi mùa này, nhất là đỉnh núi Pu Ta Leng, khi lên tới độ cao từ 2.000m – 2.600m du khách sẽ được chiêm ngưỡng rừng hoa đỗ quyên có tuổi đời hàng trăm năm tuổi, với đủ các màu sắc.

Chóp nhân tạo đặt trên núi Pu Ta Leng.

Được sự cho phép của chính quyền và cơ quan chức năng, hiện một doanh nghiệp lữ hành tại địa phương đã cùng đội ngũ “porter” (người chuyên dẫn đường, hỗ trợ, vận chuyển đồ cho khách leo núi) đã gắn chóp đánh dấu đỉnh núi Pu Ta Leng – nơi có nhiều hoa đỗ quyên đẹp nhất để phục vụ du khách.

Tags:
CHIA SẺ