Si Ma Cai: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật liên quan đến rừng cho đồng bào DTTS

BVR&MT –  Thời gian qua, Hạt kiểm lâm huyện Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai) xác định rõ công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về rừng giữ vị trí then chốt, hàng đầu, nên cán bộ kiểm lâm của huyện đã thường xuyên trực tiếp xuống các thôn bản tuyên truyền, giúp họ hiểu được các chính sách pháp luật liên quan đến rừng.

Trao đổi cùng phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường , ông Nguyễn Huy Minh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm, Phó ban thường trực Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững huyện cho biết: “Phần lớn diện tích rừng tự nhiên của huyện Si Ma Cai đều phân bố ở những xã vùng cao đặc biệt khó khăn, phía Bắc nằm sát giáp với đường biên giới Việt – Trung. Sẵn vị trí địa lý phức tạp cùng điều kiện tự nhiên khó khăn, trình độ dân trí còn hạn hẹp nên việc phổ biến kiến thức về bảo vệ, phát triển rừng cho bà con vẫn còn đối mặt với nhiều hạn chế”.

Cán bộ Kiểm lâm huyện Si Ma Cai tăng cường kiểm tra, nắm bắt diễn biến rừng trên từng địa bàn huyện.
Cán bộ Kiểm lâm huyện Si Ma Cai tăng cường kiểm tra, nắm bắt diễn biến rừng trên từng địa bàn huyện.

So với các huyện trong khu vực tỉnh Lào Cai, huyện Si Ma Cai có độ che phủ rừng tự nhiên đạt 39,7% (tăng 8,1% so với năm 2014). Trong đó, năm 2015 đạt 35,5%; năm 2016 36,0%; năm 2017 37%; năm 2018 37,6%. Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện, đến năm 2020, toàn huyện đã nâng tỉ lệ che phủ rừng trên địa bàn lên hơn 39%. Si Ma Cai là nơi tập trung sinh sống, phân bố đông đúc của 15 đồng bào thiểu số dân tộc như H’Mong, Tày, Dao, Thái và Kinh, trong đó, chiếm đại đa số là đồng bào dân tộc H’ Mông với tỷ lệ 81,24%. Bởi vậy, trong quá trình thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân, ngôn ngữ và trình độ nhận thức vẫn đang là rào cản, thách thức tương đối lớn. Hơn nữa, phong tục tập quán sống nhờ rừng lạc hậu, chưa có định hướng rõ ràng đã ăn mòn vào lối sống tư duy lâu đời. Song song với đó, tồn tại vấn đề rất lớn liên quan đến chu kỳ kinh doanh rừng, cây lâm nghiệp kéo dài, giao thông đi lại không thuận lợi, đầu ra cho sản phẩm lâm nghiệp lại khó tiêu thụ không tương xứng với chi phí đầu tư sản xuất, trồng trọt ban đầu càng khiến cho công tác dân vận tới đồng bào trở nên không thể dễ dàng hơn bao giờ hết.

Dựa theo báo cáo của Hạt kiểm lâm huyện Si Ma Cai cho biết, hiện nay, diện tích xâm lấn đất rừng, khai thác rừng trái pháp luật trên địa bàn huyện đang ngày càng được kiểm soát chặt chẽ. Trong 9 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn chỉ xảy ra 2 điểm cháy  tại xã Cán Cấu 0,5 ha và xã Bản Mế 0,3 ha do người dân dọn dẹp, đốt rác trên nương rẫy. Toàn bộ diện tích cháy là trảng cỏ cây bụi, cỏ tranh, lau lách. Nắm bắt được thông tin đó, Hạt kiểm lâm đã nhanh chóng huy động các lực lượng chữa cháy kịp thời khống chế, dập tắt không để lửa cháy lan vào rừng. Đây chỉ là một trong những sự việc nhỏ nhưng nguy hiểm, qua đó, phản ánh được phần nào về ý thức giữ rừng của người dân. Nếu không nhận định và có phương án xử lý kiên quyết, kịp thời thì diện tích rừng sẽ bị thui chột. Khi đó, rừng sẽ mất trong nay mai, khó bảo vệ được sự đa dạng của sinh học và kéo theo hàng loạt những hệ lụy đáng tiếc đau lòng xảy ra.

Đồng bào DTTS góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Đồng bào DTTS góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Ông Minh chia sẻ thêm, để đạt được tỷ lệ che phủ rừng như mục tiêu trọng tâm đã đề ra, UBND huyện đã ban hành kế hoạch phát triển lâm nghiệp bền vững đến năm 2020 và triển khai chi tiết, cụ thể đến từng địa bàn xã trên huyện, bám sát cơ sở, tham mưu kịp thời cho chính quyền các xã để chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Ngoài ra, để giữ rừng hiệu quả, Hạt Kiểm lâm huyện luôn phối hợp cùng lực lượng chức năng, chính quyền địa phương, tăng cường công tác kiểm tra, đặc biệt tại các khu rừng giáp ranh biên giới, phát hiện xử lý nghiêm minh các vụ việc vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Nhờ đó, tình trạng khai thác, buôn bán, xâm lấn, tàng trữ lâm sản trái phép trên địa bàn huyện cơ bản đã được kiểm soát tận gốc, các vụ vi phạm được xử lý kịp thời, đúng pháp luật không để xảy ra “điểm nóng” và khiếu kiện. 

Quỳnh Anh