Sẽ tiếp tục hỗ trợ người lao động chi phí sinh hoạt, phí xét nghiệm khi đi làm sau dịch

BVR&MT – Bộ LĐ-TB-XH đang dự thảo chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động, với 7 nhóm giải pháp lớn với những cơ chế chính sách tập trung vào hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp phục hồi sau dịch.

Hôm nay (17/11), Báo Nhân Dân phối hợp Bộ LĐ-TB-XH tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Triển khai giải pháp hỗ trợ và ổn định thị trường lao động trong bối cảnh đại dịch”.

Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Văn Thanh cho biết, từ đầu năm 2021, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hàng chục triệu lao động. Trong quý 3/2021, người lao động bị tác động nhiều nhất với 4,7 triệu người bị mất việc làm, 14,7 triệu lao động tạm nghỉ hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh; trên 10 triệu lao động giảm giờ làm, tạm dừng việc làm.

Đặc biệt, vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng rất nặng nề với 4,59% lao động vùng Đông Nam bộ và 44,7% lao động vùng đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng do ngừng việc, giãn việc, nghỉ việc.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh phát biểu tại tọa đàm.

Bên cạnh đó, tiền lương thu nhập giảm, đời sống công nhân lao động gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao. Tỷ lệ thiếu việc làm quý 3/2021 là 4,46% với hơn 1,8 triệu người, tăng 1,86% so với quý trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,98% với hơn 1,7 triệu người, tăng hơn 1,25% so với cùng kỳ năm trước.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho rằng, trước sự tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19 đến thị trường lao động, nguy cơ thiếu lao động rất lớn. Để phục hồi thị trường lao động, cần nhiều giải pháp kịp thời.

“Bộ LĐ-TB-XH đang dự thảo chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động, với 7 nhóm giải pháp lớn, với những cơ chế chính sách tập trung vào những vấn đề lớn”, Thứ trưởng Lê Văn Thanh thông tin.

Cụ thể, theo Thứ trưởng Thanh, các nhóm giải pháp gồm:

Hỗ trợ trực tiếp người lao động bằng cách giúp chi trả chi phí đi lại, nhu yếu phẩm, tiền điện, tiền nước, chi phí xét nghiệm khi doanh nghiệp đi vào sản xuất phải xét nghiệm ngày càng nhiều.

Hỗ trợ người sử dụng lao động phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.

Đào tạo bồi dưỡng, nâng cao chất lượng người lao động, cung cấp kịp thời cho doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh. Một số nơi thiếu lao động, biện pháp này hỗ trợ bảo đảm nguồn cung cho doanh nghiệp.

Hỗ trợ kết nối cung cầu lao động, hai bên có cung hoặc có cầu nhưng đôi khi không gặp nhau, nên cần đẩy mạnh việc kết nối cung cầu.

Hoàn thiện bền vững thị trường lao động, hiện đại hóa thị trường lao động, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động việc làm, có kết nối chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu dân cư Quốc gia của Bộ Công an.

Bảo đảm điều kiện về nơi sinh sống cho người lao động.

Xây dựng quan hệ giữa người lao động hài hòa, tiến bộ.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, nguồn kinh phí thực hiện chương trình khá lớn, hiện Bộ LĐ-TB-XH đang trình Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư sẽ nghiên cứu để bố trí kinh phí làm sao cho đủ để thực hiện 7 giải pháp này. Ngoài ngân sách Trung ương, cũng cần huy động ngân sách địa phương và huy động xã hội hóa./.