BVR&MT – Ngày 24/2, tại cuộc họp lấy ý kiến chuyên gia về dự thảo thuyết minh Dự án “Tổng điều tra, đánh giá, phân loại nguồn thải trên phạm vi cả nước; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải,” Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài cho biết sẽ thực hiện tổng điều tra, đánh giá và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải dự kiến từ năm 2017-2019.
Dự án có mục tiêu xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải để quản lý, theo dõi đồng bộ hiện trạng, diễn biến phát sinh chất thải theo nguồn thải từ Trung ương đến địa phương.
Dự án sẽ tiến hành đánh giá thử nghiệm hệ thống thông tin quốc gia về nguồn thải tại sáu địa phương; hệ thống trung tâm đặt tại Tổng cục Môi trường, kết nối chia sẻ dữ liệu trong toàn quốc.
Ở giai đoạn 1, dự án sẽ tập trung rà soát, đánh giá các nguồn thải là các doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành khai khoáng; công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hòa không khí; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội.
Giáo sư Mai Trọng Nhuận, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng điều tra, đánh giá cần đối với cả chất thải và nguồn thải cùng xây dựng hệ thống thông tin quốc gia về nguồn thải. Dự án nên có hệ thống chung tích hợp tất cả các dữ liệu đã có ở các cơ sở trực thuộc Tổng cục Môi trường.
Cách thu thập thông tin cần sử dụng cả hai phương pháp gồm phiếu điều tra và các cơ sở tự khai báo theo định dạng excel. Bên cạnh đó, có cán bộ điều tra tại thực địa xác suất để kiểm tra tính chính xác của thông tin do cơ sở tự khai, xây dựng kèm chế tài xử lý với những cơ sở khai báo sai.
Dự án cần phải xác định tọa độ của cơ sở xả thải, điểm ô nhiễm do thải. Quan trọng là cần phải xây dựng đồng thời phần mềm thu thập cơ sở dữ liệu và phần mềm khai phá dữ liệu để kết nối, sử dụng hiệu quả hệ thống thông tin này.
Nguyên Vụ trưởng Vụ Thống kê xã hội và môi trường, Tổng cục Thống kê Nguyễn Phong đề xuất nên thống nhất hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về nguồn thải, cũng cần làm rõ phần công bố kết quả tổng điều tra. Dự án cần tính đến các thách thức và rủi ro khi có kết quả tổng điều tra, bởi tỷ lệ và chất lượng của điều tra theo hình thức tự khai báo là kém hiệu quả nhất. Hệ thống phần mềm nếu có thể liên kết được với các trạm quan trắc tại các điểm phát thải sẽ hiệu quả hơn.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài lưu ý cần thống nhất từ ngữ sử dụng chung cho dự án, cập nhật thông tin có thể theo năm, một số đối tượng có quan trắc tự động có sẽ cập nhật dữ liệu trực tiếp. Cơ quan quản lý môi trường sẽ kiểm soát chất lượng dữ liệu bằng việc áp chế tài xử lý với các cơ sở khai báo không chính xác thông qua thanh tra, kiểm tra.