Sẽ kiểm toán toàn diện các công ty nông, lâm nghiệp

BVR&MT – Sáng ngày 28/10, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết tình hình sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp (giai đoạn 2015-2017).

Ngày 12/3/2014, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 30-NQ/TW về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Tiếp đó, ngày 17/12/2014 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 118/2014/NĐ-CP về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Tiến độ sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp còn chậm

Báo cáo kết quả thực hiện, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết: Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW, về cơ bản, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương triển khai nghiêm túc Nghị quyết ; thực hiện trên thực tiễn sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp đạt được kết quả ban đầu quan trọng.

Đến nay đã có 40/41 phương án tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (còn lại Thành phố Hà Nội). Hầu hết các địa phương, đơn vị đã phê duyệt Đề án sắp xếp, đổi mới cho từng công ty nông, lâm nghiệp và thực hiện trên thực tiễn ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tổng thể; trong đó, một số địa phương, đơn vị cơ bản đã hoàn thành là: Vĩnh Phúc, Lào Cai, Bắc Giang, Bình Định; Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam…

Mặc dù thời gian hoạt động của các công ty sau sắp xếp lại còn ngắn, nhưng đã cho thấy cơ bản đã xử lý được tồn tại về tài chính; tranh chấp, lấn chiếm đất đai; chiến lược sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp được xác định bài bản, sát thực tế hơn. Hầu hết công ty nông, lâm nghiệp sau khi sắp xếp lại đã ổn định mô hình tổ chức quản trị, ngành nghề sản xuất kinh doanh chính cùng với đa dạng hoá ngành nghề pháp luật không cấm một cách chủ động hơn. Thực hiện có hiệu quả về chủ trương thu hút đầu tư của xã hội nhất là về vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý vào các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều công ty chuyển sang mô hình công ty cổ phần đã có doanh thu lợi nhuận tăng, hiệu quả sản xuất kinh doanh được cải thiện rõ nét…

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cho thấy, đây là công việc rất phức tạp nên tiến độ sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp còn rất chậm ở nhiều địa phương, đơn vị.

Khó khăn trong quá trình xác định giá trị cổ phần hóa doanh nghiệp

Theo ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk: Việc xác định giá trị doanh nghiệp tại một số đơn vị còn kéo dài, đặc biệt đối với vườn cây là vô cùng phức tạp, mất nhiều thời gian. Trong khi đó, quá trình xây dựng phương án chuyển đổi chưa thống nhất được diện tích đất giao về địa phương, diện tích doanh nghiệp giữ lại; nguồn kinh phí đo đạc theo kế hoạch Trung ương giao cho địa phương còn thiếu; việc xác nhận, thu hồi công nợ công ty giải thể chưa tốt ảnh hưởng đến tiến độ sắp xếp.

Lý giải nguyên nhân là một trong những địa phương đầu tiên thực hiện nhưng đến nay chậm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu cho biết, quá trình sắp xếp, đổi mới tại Quảng Ninh cho thấy nhiều vấn đề không sát thực tiễn, địa bàn đa dạng, kéo dài từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh, có biên giới, liên quan đến khoáng sản; dân tộc…; việc đo đạc khó khăn, còn xảy ra tranh chấp đất đai. Mặc khác, thời gian qua, hiệu quả kinh doanh của các lâm trường còn thấp.

Để khắc phục tình trạng trên, tỉnh Quảng Ninh đề nghị thay đổi phương án sắp xếp chuyển từ công ty cổ phần sang công ty TNHH hai thành viên (6/8 công ty).

Đề cập đến khó khăn trong quá trình triển khai, Phó Tổng Giám đốc Công ty cà phê Việt Nam Lê Thế Chỉ bày tỏ: Hiện nay mới có một số công ty được các địa phương phê duyệt phương án sử dụng đất nên chưa thể tiến hành các bước tiếp theo.Trong xác định giá trị cổ phần hoá còn khó khăn do phát sinh công nợ nhiều năm, nợ khó thu đến 390 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, đề nghị các địa phương sớm phê duyệt phương án sử dụng đất; đề xuất với Bộ NN&PTNT và Ban Chỉ đạo có phương án xử lý tồn đọng về tài chính.

Khẩn trương hoàn thành việc phê duyệt phương án sử dụng đất

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp đánh giá, sau 3 năm thực hiện việc triển khai Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị và Nghị định số 118/2014/NĐ-CP có bước tiến dài, đạt được những kết quả tích cực.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý, tiến độ chưa đạt yêu cầu, rất chậm; việc cổ phần hoá, chuyển sang Công ty TNHH 2 thành viên tỷ lệ còn thấp…

Chỉ rõ nguyên nhân khách quan do đây là vấn đề phức tạp, liên quan đến cơ chế, mô hình chuyển đổi còn mới; tồn tại tài chính qua nhiều thời kỳ… Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, thực tế cho thấy nơi nào quan tâm sẽ thực hiện tốt như: Tổng Công ty cao su Việt Nam.

“Một số địa phương chưa quyết liệt, thiếu quan tâm trong tổ chức chỉ đạo, nhất là phối hợp với Bộ, ngành Trung ương; một bộ phận người đứng đầu còn ngại đổi mới, thích mô hình hành chính, bao cấp như trước đây, thậm chí có sai sót nên thiếu chủ động, sợ bị phát hiện thiếu sót, vi phạm; việc xây dựng phương án còn thiếu sát thực so với thực tiễn…”, Phó Thủ tướng nhắc nhở.

Đề cập đến nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tán thành với đề xuất của Bộ NN&PTNT tất cả các điều chỉnh phê duyệt phải hoàn thành thực hiện trong Quý IV năm 2017, phấn đấu hoàn thành quá trình sắp xếp, đổi mới công ty nông lâm nghiệp vào cuối năm 2018. Năm 2019 sẽ kiểm toán toàn diện chương trình để báo cáo với Quốc hội, Chính phủ, sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 30.

Cụ thể, Bộ NN&PTNT phối hợp với Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc thực hiện, tổng hợp chung đi sâu vào từng chuyên đề để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các địa phương như: đất đai, cổ phần hóa, giải quyết nợ đọng… Đồng thời, sớm tham mưu, đề xuất với Thủ tướng điều chỉnh các Dự án tổng thể cho các địa phương trong quý IV; tổng hợp định kỳ hàng tháng, hàng Quý, hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ; sau hội nghị hoàn thiện báo cáo đánh giá kết thực hiện trong năm 2017, trong 3 năm để báo cáo với Thường trực Ban Bí thư.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có giao ban chuyên đề trong lĩnh vực đất đai; lập kế hoạch, phương án sử dụng đất sau khi đã bàn giao cho địa phương; kịp thời nắm bắt nhu cầu của các địa phương; hướng dẫn các địa phương hình thành dữ liệu quản lý rừng và đất đai …

Bộ Tài chính xem xét, có văn bản hướng dẫn các địa phương về sắp xếp nguồn vốn; hướng dẫn địa phương xác định phần góp vốn thành lập Công ty TNHH 2 thành viên; tiếp tục rà roát các Thông tư xem có vướng mắc không?; hướng dẫn xử lý tồn đọng về tài chính, nợ khó đòi; tiếp tục rà soát kinh phí cho việc rà soát, đo đạc bản đồ địa chính tổng hợp trong năm 2017.

Ngân hàng Nhà nước quan tâm chỉ đạo các tổ chức tín dụng, Ngân hàng rà soát lại các khoản nợ của các công ty nông lâm nghiệp. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội khẩn trương hướng dẫn rà soát chế độ chinh sách với lao động dôi dư trong quá trình sắp xếp công ty nông lâm nghiệp.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu UBND tỉnh, thành phố trực thuộcTrung ương khẩn trương hoàn thành việc phê duyệt phương án sử dụng đất, chậm nhất trong Quý 4/2017, có kế hoạch triển khai cụ thể theo Đề án được phê duyệt hoàn thành trong năm 2018; hình thành cơ sở dữ liệu đất đai; chỉ đạo tiếp nhận đất đai doanh nghiệp giao cho địa phương; xử lý dứt điểm đất cho thuê, cho mượn, lấn chiếm, tranh chấp, liên doanh liên kết. Ban Chỉ đạo lập kế hoạch thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện; Kiểm toán Nhà nước lập kế hoạch kiểm toán chuyên đề trong năm 2019…/.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tổng diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng trước khi sắp xếp lại là 2.366.397 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 404.898 ha; đất lâm nghiệp 1.869.693 ha; đất phi nông nghiệp 35.368 ha; đất chưa sử dụng 1.458 ha.Diện tích giữ lại sau sắp xếp, đổi mới là 1.892.486 ha; trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 370.521 ha; đất lâm nghiệp 1.469.612 ha; đất phi nông nghiệp 27.322 ha.

Đến nay đã có 12/71 công ty nông nghiệp đã hoàn thành cổ phần hoá chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần; 8/31 công ty lâm nghiệp hoàn thành cổ phần hoá. 3/19 công ty nông nghiệp hoàn thành chuyển đổi sang mô hình Công ty TNHH hai thành viên trở lên; 9/19 đang thực hiện các bước chuyển đổi; 9/19 công ty lâm nghiệp được phê duyệt phương án chuyển đổi sang mô hình trên; 8/19 công ty đang thực hiện các bước chuyển đổi…