BVR&MT – Khi cái lạnh mùa đông chấm dứt, hơi thở mùa xuân lại bắt đầu len lỏi vào từng nếp nhà, mọi thứ dường như bừng lên sức sống ở mảnh đất xứ Nghệ thân thương. Vẻ đẹp mùa Xuân xứ Nghệ như thôi thúc ta rời phố thị, tìm đến vùng quê yên ả để thả mình vào thiên nhiên.
Về với Nghệ An là về với những món đặc sản thưởng thức một lần nhớ mãi ngàn sau như nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn, cá mát sông Giăng,…Một bát bánh ngào nóng hổi, cùng cháo lươn thành Vinh sẽ là hơi ấm xua tan đi cái lạnh đầu đông. Về xứ Nghệ là về với vị ngọt trên từng vườn cam xã Đoài, cam Vinh… đang vào mùa chín rộ. Dường như thấu hiểu được nỗi vất vả người người dân nơi đây, sau bao ngày mưa xối xả, những ngày hè bỏng rát, cây cho qủa đẹp, mọng nước và đậm vị ngọt thanh. Đặc biệt, Cam xã Đoài (xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) đã đi vào cả ngòi bút của Phạm Tiến Duật làm lung lay lòng hàng triệu người đọc Việt Nam: “Cam xã Đoài mọng nước. Giọt vàng như mật ong. Bổ cam ngoài cửa trước. Hương bay vào nhà trong”. Thưởng thức cam xã Đoài, chuyện trò cùng người dân và nghe những câu ví dặm xứ Nghệ quê mình mới hiểu hết cái tình níu chân khách và làm dạt dào ngòi bút của những con người quê hương; mới hiểu hết vì sao mỗi nghệ sỹ qua đây đều để lại cho mình một chấm son nghệ thuật với từ truyện, thơ, hò vè cho đến những bản tình ca làm lay động trái tim hàng triệu người dân từ đời này sang đời khác…
Về với Nghệ An còn là về với một vùng đất sơn thủy hữu tình để thỏa chí ngao du. Người ta vẫn truyền tai nhau “Đường vô xứ Nghệ quanh quanh/Non xanh nước biếc như tranh họa đồ” và đúng là như vậy. Mùa đông – mùa của những loài hoa “vẫy tay” chào đón du khách đến với xứ Nghệ. Đó là những thung lũng, cánh đồng hoa vùng đất Phủ Quỳ đang vào độ đẹp nhất. Khi cẩm tú cầu là loài hoa đại diện cho Đà Lạt; cỏ lau của Bình Liêu, cúc họa mi của Hà Thành thì hoa hướng dương trở thành loài hoa đặc trưng cho mảnh đất đầy nắng và gió. Từ chỗ chỉ trồng để làm để làm thức ăn bổ sung dinh dưỡng cho đàn bò của công ty TH năm 2010, đến nay cứ vào dịp tháng 12 hàng năm, hoa hướng dương bạt ngàn nở rộ với màu vàng rực rỡ tạo nên vẻ đẹp lôi cuốn, thu hút hàng vạn du khách. Hoa hướng dương ở Nghĩa Đàn đã trở thành một điểm nhấn quan trọng trong phát triển du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước, góp phần quảng bá về danh lam thắng cảnh và những giá trị văn hóa đặc sắc của Nghệ An. Những bông hoa vàng óng ả, đung đưa theo làn gió đầu đông luôn hướng về ánh mặt trời giống như chính con người nơi đây. Sau bao nhiêu khắc nghiệt của thời tiết, hết nắng hạn đến bão lũ triền miên con người nơi đây vẫn kiên cường bám trụ, tận dụng và phát triển.
Minh chứng cho thành công đó là sự ra đời và phát triển của ” Đồi hoa xuân Thái Hòa” do nhóm thanh niên 9X táo bạo thực hiện. Nhóm tác giả đã nhanh chóng bắt kịp nhu cầu sống hòa mình với thiên nhiên của du khách, tận dụng lợi thế về địa lý (nằm cách đường mòn Hồ Chí Minh 400 m), cảnh sắc thiên nhiên ban tặng; đồng thời tạo kế sinh cho người dân nơi đây, nhóm tác giả đã mạnh dạn đầu tư và cho ra đời đứa con ” Đồi hoa Xuân Thái Hòa. Nơi đây sở hữu đa dạng các loài hoa như: Tam giác mạch, cúc họa mi, cẩm tú cầu, cánh bướm nhiều màu, hoa thạch thảo, hoa xác pháo, túy điệp… tạo nên một tấm thảm lung linh sắc màu. Mỗi ngày tại đây đón nhận trên dưới năm nghìn lượt khách tham quan. Đặc biệt thời gian qua, đồi hoa của nhóm thanh niên 9X được Đoàn công tác của Sở Du lịch tỉnh Nghệ An đánh giá cao và định hướng Quy hoạch bài bản, đảm bảo phát triển bền vững kết hợp các sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Nghệ An.
Đánh thức người con gái Đan Lai và thưởng thức những tinh hoa ẩm thức của người xứ bản là những điều thú vị trong chuyến phượt miền Tây Xứ Nghệ khi đến Khu du lịch sinh thái Phà Lài. Đập Phà Lài là công trình thuỷ lợi lớn nhất Con Cuông xây dựng từ năm 2000 bà hoàn thiện năm 2002 ngăn nước sông Giăng, với mục đích giữ nước cho canh tác, sinh hoạt của người dân và phục vụ du lịch của địa phương.Cũng từ đó, nơi đây hình thành nên một điểm du lịch nhiều điều thú vị mà ít người biết đến. Được du thuyền ngược dòng sông Giăng, du khách sẽ bị cuốn hút bởi những hình ảnh tuyệt đẹp của thiên nhiên có một không hai. Hai bên bờ là những rừng cây nguyên sinh, cây cối xanh tươi. Ẩn hiện dưới những tán lá xanh là những thảm hoa đủ màu sắc, trông như những tấm lụa nhiều màu của các cô gái Thái trong ngày hội đầu Xuân. Từ đập nước Phà Lài ngược dòng khoảng 3km là một bãi tắm hoang sơ với những tán cây buông thõng xuống lòng sông tạo nên cảnh quan rất lãng mạn. Tại đây, du khách sẽ được tận hưởng cuộc sống bình dị miền sơn cước, được trải nghiệm các phong tục, lễ hội, đắm chìm trong điệu xòe của người con gái Đan – Lai.
Không phải nơi nào cũng nhận được sư ưu ái của thiên nhiên như xứ Nghệ. Có lẽ, do mảnh đất cằn ấy luôn là nơi gánh hai đầu đất nước. Sự chân chất, mộc mạc, lam lũ một nắng hai sương của con người nhưng vẫn vang danh lẫy lừng sử sách. Phải đến xứ Nghệ một lần, mới có thể cảm nhận được cái chất “Nghệ” đúng nghĩa. Phải sống với xứ Nghệ hết lòng, mới hiểu được cái đậm đà của giọng Nghệ. Mà phải gắn bó với xứ Nghệ, mới biết tình cảm dành cho nơi đây không bao giờ là đủ. Thế mới nói “Xứ Nghệ – Thương còn không hết, ghét nhau chi!”
Hà Linh