Sầu riêng đem lại no ấm cho người dân Tiền Giang

Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (2016 -2020)

BVR&MT – Ông Nguyễn Văn Bằng, Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết, đến năm 2020, địa phương đặt mục tiêu có khoảng 3.000 ha sầu riêng áp dụng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị; trong đó, xã Tam Bình 700 ha, Long Tiên 500 ha, Ngũ Hiệp 700 ha, Long Trung 500 ha, Hiệp Đức 300 ha, Cẩm Sơn 300 ha… 

Sầu riêng đem lại no ấm cho người dân Tiền Giang.

Theo Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy, nơi có vùng trồng chuyên canh sầu riêng lớn nhất tỉnh, địa phương xác định sầu riêng là cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần phát triển kinh tế, an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Huyện quy hoạch vùng chuyên canh nằm phía nam Quốc lộ 1 gắn với tái cơ cấu nền nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng giúp nông dân làm giàu. 

Thực tế thời gian qua cho thấy, tỉnh Tiền Giang mở rộng diện tích vùng chuyên canh sầu riêng lên gần 8.500 ha, tăng hơn 1.000 ha so với năm trước, tập trung tại huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy. Cách làm này mang lại cho nông dân nguồn lợi kinh tế lớn giúp thoát nghèo và làm giàu bền vững. 

Thông qua việc đầu tư khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật thâm canh, 100% nông hộ vùng chuyên canh áp dụng thành công trong sản xuất; trong đó chú trọng chăm sóc theo khoa học, xử lý rải vụ để bán được giá cao, áp dụng quy trình VietGAP trong sản xuất nông sản hàng hóa, gắn sản xuất với tiêu thụ nhằm nâng khả năng cạnh tranh của trái sầu riêng trên thị trường… 

Ông Huỳnh Văn Kem, nông dân trồng sầu riêng ở xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy cho biết, sầu riêng dễ trồng, thích hợp với thổ nhưỡng vùng đất bãi bồi, phù sa màu mỡ phía nam Quốc lộ 1, giá trị kinh tế cao. Gia đình ông có khoảng 0,8 ha đất trồng các giống sầu riêng chất lượng cao: Ri 6, Mong Thong, mỗi năm đạt sản lượng 18 – 20 tấn quả. 

Ông Kem chú trọng áp dụng kỹ thuật thâm canh, xử lý cho trái rải vụ bán với giá cao. Trong năm qua, giá sầu riêng bán ra từ 70.000 – 80.000 đồng/kg, thu gần 1,5 tỷ đồng, trừ chi phí lãi ròng không dưới 1 tỷ đồng. Ông Kem trở thành điển hình nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi của địa phương. 

Vườn sầu riêng gia đình ông Ngô Minh Vọng (ấp Phú Hòa, xã Long Khánh, thị xã Cai Lậy (Tiền Giang).

Thành công nhờ chuyển đổi từ trồng sang lập vườn trồng sầu riêng đặc sản còn có ông Trịnh Văn Nở, xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy. Ông có 0,4 ha đất vườn (4.000 m2) do cha mẹ để lại. Vườn sầu riêng của ông đến nay 12 tuổi, mỗi năm thu hoạch trên 3,2 tấn quả, trừ chi phí lãi ròng hàng trăm triệu đồng. Những năm được mùa, được giá, thu nhập gấp hai, gấp ba lần bình thường. 

Hiện Sầu riêng vùng chuyên canh tỉnh Tiền Giang đang vào vụ nghịch. Theo đánh giá, vụ nghịch năm nay, sầu riêng được mùa và được giá. Anh Nguyễn Hoàng San, nông dân trồng sầu riêng xã Long Tiên, huyện Cai Lậy cho biết, thương lái đến tận vườn mua với giá 80.000 – 90.000 đồng/kg, tùy chất lượng, cao gấp đôi tháng trước. Gia đình anh có khoảng 1 công đất trồng sầu riêng, vừa bán 2 tấn quả với giá 85.000 đồng/kg, thu 170 triệu đồng.

Lê Linh