Sau 3 năm chững lại, lượng khí CO2 phát thải tăng trở lại

BVR&MT – Lượng khí CO2 phát thải ra môi trường, nguyên nhân gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu, sẽ tăng 2% trong năm nay sau 3 năm chững lại.

Nhà máy xả khí thải lên bầu trời ở Broadwater, New South Wales, Australia ngày 31/7. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Đây là nội dung báo cáo của các nhà khoa học tại các cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP23) đang diễn ra tại thành phố Bonn (Bon) của Đức.

Trong phát biểu ngày 13/11, bà Corinne Le Quere, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu biến đổi khí hậu Tyndall thuộc Đại học Đông Anglia (Anh), cho biết lượng khí CO2 do con người phát thải ra ước tính lên đến 41 tỷ tấn trong năm nay.

Và con người có thể không đủ thời gian để kiềm chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất không quá 2 độ C, chứ chưa nói đến 1,5 độ C.

Trong khi đó, một chuyên gia khác cho rằng thông tin lượng khí thải CO2 tăng trở lại sau 3 năm duy trì ổn định là một bất ngờ lớn đối với thế giới.

Trong thời gian qua, lượng khí thải CO2 không tăng là nhờ hiệu quả sử dụng năng lượng tốt hơn (sự bùng nổ của năng lượng tái tạo) và việc giảm sử dụng than đá tại Trung Quốc, làm tăng hy vọng rằng thế giới đã vượt qua giai đoạn nguy hiểm. Tuy nhiên, hy vọng đó đã sớm tiêu tan.

Các nhà khoa học cho rằng để giữ cho nhiệt độ Trái Đất tăng không quá 2 độ C, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ra môi trường sẽ đạt đỉnh và sẽ giảm xuống từ năm 2020, thời điểm Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu bắt đầu có hiệu lực.

Theo một nghiên cứu, Trung Quốc được cho là quốc gia thải nhiều khí CO2 nhất trong năm nay, chủ yếu là từ nhiên liệu hóa thạch (than đá tăng 3%, dầu mỏ – 5% và khí đốt tự nhiên – 12%).

Lượng khí CO2 phát thải của Trung Quốc chiếm gần 30% lượng khí thải CO2 toàn cầu. Sau đó là Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Ấn Độ.

Hàng nghìn nhà ngoại giao, chuyên gia đang có mặt tại thành phố Bonn để thảo luận việc thực thi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu mà 196 quốc gia đã đạt được hồi năm 2015 tại Pháp.

Theo kế hoạch, từ năm 2020, các nước tham gia thỏa thuận sẽ bắt đầu triển khai kế hoạch cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính để kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 2 độ C, thậm chí 1,5 độ C, so với nhiệt độ của thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (vào khoảng thập niên 50 của thế kỷ 19).

Đây là ngưỡng mà các nhà khoa học cho rằng sẽ giúp Trái Đất tránh được những thảm họa thiên nhiên như lũ lụt, hạn hán nặng, nước biển dâng và bão lớn.