Sạt lở ở ĐBSCL: Thực trạng, nguyên nhân và biện pháp ứng phó

Nằm ở cuối nguồn sông Mê Kông, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được biết đến như một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của các dự án thủy điện và chuyển nước đang triển khai trên thượng nguồn. Tác động của các dự án hồ chứa trên dòng chính cùng với các hiệu ứng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra đã tạo nên “mối đe dọa kép” thách thức sự tồn tại của ĐBSCL – vùng sản xuất nông nghiệp trù phú bậc nhất Đông Nam Á.

Thảm họa lâu dài của “mối đe dọa kép”, như cảnh báo từ các nhà khoa học và chuyên gia, chính là sự tan rã của đồng bằng do thiết hụt lượng lớn phù sa bồi đắp hàng năm và sự gia tăng mực nước biển. Diễn biến trước mắt của quá trình tan rã chính là tình trạng sạt lở đang gia tăng về phạm vi và cường độ. Nếu như trước năm 2015, các vụ sạt lở nghiêm trọng được phản ánh chủ yếu tập trung ở khu vực bờ biển quanh Bán đảo Cà Mau, Bến Tre và một số nơi có hoạt động khai thác cát tấp nập như An Giang, Cần Thơ… thì hiện nay, phạm vi sạt lở đã lấn sâu vào nội địa, trên những con sông và khu vực hợp lưu sông với tần suất tăng dần. Vụ sạt lở ở sông Vàm Nao nhấn chìm hơn 70m bờ sông cùng 16 căn nhà kiên cố ở Huyện Chợ Mới – An Giang cuối tháng Tư vừa qua là một dấu hiệu báo động cho quá trình tan rã đang hiện hữu.

Kể từ khi vụ việc sạt lở sông Vàm Nao xảy ra, đã có nhiều chuyên gia môi trường lên tiếng lý giải về các nguyên nhân, trong đó, tất cả đều đồng ý rằng hoạt động khai thác cát quá mức được xem là nguyên nhân trực tiếp nhất. Tuy nhiên, để có cái nhìn bao quát và đa chiều về vấn đề sạt lở ở ĐBSCL, bài viết này tiếp cận trên quan điểm liên ngành nhằm trước hết mô tả thực trạng sạt lở trong khu vực, qua đó nhận diện và đánh giá những nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp, khách quan lẫn chủ quan, để lý giải cho quá trình sạt lở đang ngày càng phổ biến ở nhiều địa phương. Sau đó, trên cơ sở các nguyên nhân được phân tích, bài viết đưa ra một số dự báo nguy cơ và giải pháp ứng phó.

Thực trạng sạt lở “kép” ở ĐBSCL

Trong sách giáo khoa Địa lý phổ thông trước đây có đoạn ghi rằng: mỗi năm vùng ĐBSCL, đặc biệt là Mũi Cà Mau, lấn ra biển khoảng trên 100m. Điều này, với nhiều thế hệ người dân vùng Đất Mũi, đã trở nên quen thuộc bởi sự mở rộng của các bãi bồi đầy tôm cá ở đây có thể cảm nhận được mỗi ngày. Nhưng kể từ cuối thập niên 2000, triều cường kèm theo sóng lớn thường xuyên đã tạo ra thực tế ngược lại: mỗi năm vùng Mũi Cà Mau bị cuốn trôi trung bình 5-8 km bờ biển, nhiều vạt rừng ngập mặt (đước, sú, vẹt…), vốn được xem là những loài tiên phong mở đất lấn biển, nay bị nước biển “nuốt trôi” hàng trăm hecta mỗi năm. Thực trạng sạt lở ở Mũi Cà Mau nói riêng, vùng Bán đảo Cà Mau nói chung, nghiêm trọng đến mức được các chuyên gia cảnh báo khu vực này sẽ mất 56% diện tích đất trong 80-90 năm nữa nếu không được cải thiện.[1]

Hiện nay, các điểm sạt lở nguy hiểm nhất ở Bán đảo Cà Mau thuộc các xã biển Khánh Tiến (huyện U Minh), Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời), Tân Hải (huyện Phú Tân), Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển), Tân Thuận (huyện Đầm Dơi) thuộc tỉnh Cà Mau với tổng chiều dài hơn 14km. Ở Bạc Liêu, do bờ biển có hướng gần vuông góc với gió mùa Đông Nam (“gió chướng” – loại gió mùa thổi ngược chiều với dòng chảy sông Tiền và sông Hậu) nên bị tác động mạnh của sóng và dòng triều ven bờ, tạo ra ít nhất 30 điểm xâm thực, sạt lở, trượt đất quy mô lớn và thường xuyên như Nhà Mát, Vĩnh Hậu A, Điền Hải, Long Điền Tây và Gành Hào với tổng chiều dài trên 18km.

Suốt dải bờ biển dài gần 200km qua Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre đến Tiền Giang, dù gần các cửa sông Hậu, sông Tiền, có ưu thế tích tụ phù sa hình thành nhiều cù lao và giồng cát ven biển nay cũng bị bào mòn, sạt lở dữ dội. Trong đó, nghiêm trọng nhất ở đoạn bờ biển qua các tỉnh Biến Tre, Trà Vinh và huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) – nơi có hàng chục km đê biển bị cuốn trôi và trung bình mỗi năm sóng biển tiếp tục xâm lấn vào đất liền khoảng 160-200m trên tổng chiều dài các điểm sạt lở hơn 18km.

Trong khi hàng chục km đê biển và các vạt rừng phòng hộ đang thúc thủ và thoái lui trước sự xâm lấn dữ dội của hiệu ứng nước biển dâng, ĐBSCL lại đối đối mặt với tình trạng sạt lở nghiêm trọng trong nội địa khi hàng trăm điểm sạt lở được nhận diện với tổng chiều dài hàng chục km. Cụ thể, theo kết quả khảo sát tỉnh Đồng Tháp có 34 điểm sạt lở bờ sông nằm rải rác khắp 9/12 huyện thị trong tỉnh với tổng chiều dài trên 5,5 km. Trong đó, một số đoạn sông thuộc các xã Long Thuận, Long Khánh A (huyện Hồng Ngự), Tân Bình, An Phong, Bình Thành (huyện Thanh Bình), Tân Thuận Đông, Tịnh Thới (TP Cao Lãnh), Mỹ An Hưng B (huyện Lấp Vò), An Hiệp (huyện Châu Thành) và Tân Khánh Đông (TP Sa Đéc), đã bị sạt lở ăn sâu vào bờ hàng chục mét, có nơi đã lên đến gần 40m.

Một tỉnh đầu nguồn khác ở ĐBSCL là An Giang cũng đang trong tình cảnh tương tự: hơn 40 điểm sạt lở nghiêm trọng đã được xác định ở khắp các huyện tiếp giáp sông Tiền, sông Hậu, trong đó có cả khu vực vừa xảy ra sạt lở trên sông Vàm Nao cách nay chưa lâu. Thành phố Cần Thơ là nạn nhân tiếp theo của sạt lở sông ngòi. Hầu hết các quận ven sông Hậu của Cần Thơ đều đối mặt với tình trạng sạt lở, trong đó khu vực cồn Tân Lộc (Quận Thốt Nốt), sông Cần Thơ (Quận Ninh Kiều) và Quận Cái Răng là những điểm nóng về sạt lở bờ sông. Sóc Trăng và Tiền Giang là những tỉnh cuối nguồn chịu tác động kép của sạt lở bờ biển và sạt lở trên cách sông rạch. Ở Sóc Trăng, khu vực Cù Lao Dung, Long Phú, Kế Sách… là những nơi bị sạt lở thường xuyên nhất. Trong khi đó, cơ quan chức năng đã xác định 15 điểm sạt lở nguy hiểm trên sông Tiền đoạn chảy qua địa phận tỉnh Tiền Giang và nhiều sông lạch trong địa bàn tỉnh. Tổng chiều dài của các điểm sạt lở này gần 3km, chủ yếu nằm ở khu vực tập trung dân cư đông đúc.

Hệ quả mất đất từ sạt lở không chỉ là những ngôi nhà hay những đoạn sông bị “nuốt chửng” vào dòng nước xoáy, một số cồn đất màu mỡ trên sông Hậu cũng đã trở thành ký ức trước cơn xâm thực. Điển hình nhất là cồn Cả Đôi được phù sa sông Hậu bồi đắp mà thành với chiều dài trên 4km và rộng trên 20ha. Nhưng từ những năm 1990, diện tích cồn mau chóng thu hẹp còn 6ha và đến giữa thập niên 2000, cồn Cả Đôi hoàn toàn biến mất.

Như vậy, có thể thấy rằng tình hình sạt lở ở ĐBSCL đang rất phức tạp; sạt lở xảy ra ở hầu khắp các tỉnh nội địa lẫn ven biển. Nhiều vụ sạt lở xảy ra một cách từ từ, nhưng số vụ sạt lở có tính bất ngờ gây, thiệt hại lớn lại xuất hiện với tầng suất tăng dần. Điều đó cho thấy xu hướng sạt lở sẽ còn tiếp tục mở rộng và diễn biến phức tạp, nhất là trong bối cảnh diễn biến thời tiết và thay đổi chế độ thủy văn ngày một cực đoan trong thời gian tới.


Sạt lở ở ĐBSCL đang ở mức báo động (Ảnh: PanNature)

Nguyên nhân và cảnh báo

Để có thể đánh giá xu hướng sạt lở và các nguy cơ sạt lở trong tương lai ở ĐBSCL, cần phải nhận diện được những nguyên nhân cốt lõi gây ra sợt lở dưới lăng kính tiếp cận đa ngành. Bởi lẽ, sạt lở bờ biển và ven sông là hệ quả của nhiều tác động khác nhau, từ yếu tố địa chất-địa mạo, thủy văn, khí hậu cho đến các yếu tố tác động từ con người. Trên quan điểm này, một số nguyên nhân chủ đạo được nhận diện như sau:

Yếu tố địa chất – địa mạo

ĐBSCL là một trong những đồng bằng phù sa non trẻ nhất trên thế giới. Dựa theo lịch sử hình thành các mảng lục địa thế giới, có thể thấy vùng đồng bằng này không được hình thành trên nền địa chất đá mẹ như vùng Đông Nam Bộ hay các đồng bằng khác. Phần lớn diện tích của vùng được bồi tích từ giai đoạn Pleitocen sớm (cách nay khoảng 1,2 đến 2 triệu năm) trong khi nhiều khu vực ven sông Tiền, sông Hậu và các vùng đất ngập nước ở Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên… có tuổi đời từ 4.000 – 6.000 năm dựa theo các phân tích C14. Vì vậy, sự ổn định của nền địa chất rất hạn chế. Tầng đất mặt ở khu vực Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên và vùng trũng treo U Minh chủ yếu là đất phù sa dạng mùn, được hình thành từ lớp thực bì rất dày bị phân hủy. Ở các khu vực ven sông là dải phù sa ngọt tơi xốp trong khi càng ra phía biển là vùng đất giồng, cấu tạo chủ yếu là đất cát pha với độ kết dính giảm dần. Chính vì đặc tính như trên nên nhìn chung, khả năng tan rã tự nhiên của tầng đất mặt ở ĐBSCL rất cao, độ cố kết và đàn hồi chịu đựng trước tác động của dòng chảy là rất hạn chế.

Thêm vào đó, đặc điểm địa hình trũng thấp với độ cao trung bình từ 1-1,2m cũng tạo ra lợi thế cho xâm thực, nhất là khi triều cường (ở vùng ven biển), mưa lớn và vào mùa nước lên. Điều đáng lưu ý nữa là hướng nghiêng địa hình theo hướng chảy của sông Tiền và sông Hậu (tây bắc – đông nam) nhưng dọc hai con sông lớn này là mạng lưới kênh rạch kết nối chằng chịt với hướng chảy gần như vuông góc. Khi đó, sức nước ở những nơi hợp lưu sông sẽ tạo ra những xoáy ngầm rất mạnh. Khi các xoáy ngầm này di chuyển, chúng sẽ tạo ra các “hàm ếch” ở ngã ba, ngã tư sông và ăn sâu vào hai bên bờ cho đến khi bờ sông bị sụp đổ. Sông Vàm Nao, nơi xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng vừa rồi, là một ví dụ điển hình cho yếu tố này. Vì đoạn sông này nối liền giữa sông Tiền và sông Hậu, nên sự va chạm giữa hai con nước đã tạo nên rất nhiều xoáy nước dọc con sông kèm theo sóng to và dễ gây đắm thuyền. Chính vì vậy, người dân địa phương đã gọi nơi đây là Vàm Nao (“Vàm” nghĩa là mũi đất nơi hợp lưu hai con sông, “nao” ngụ ý chỉ nước chảy xiết, cuồn cuộn, khiến dân thương hồ nao núng khi qua lại). Nơi đây vẫn còn lưu lại nhiều câu hò mà dân gian truyền miệng:

Thuyền xuôi Châu Đốc, thả xuống Vàm Nao,
Thẳng tới Ba Sao, coi chừng con nước đấy.

hay như:

Bắp non mà nướng cửa lò,
Đố ai ve được con đò Vàm Nao.

Như vậy, đặc điểm địa chất và địa hình của vùng ĐBSCL bản thân nó cũng tạo ra những hạn chế khiến cho các con nước có thể dễ dàng xâm thực và gây sạt lở.

Yếu tố “tác động kép”

Biến đổi khí hậu, mà cụ thể nhất là mực nước biển dâng và gia tăng biên độ nhiệt theo ngày đêm, cùng với các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông đang tạo ra “tác động kép” lên môi trường tự nhiên ở ĐBSCL, khiến cho các hệ quả tác động của chúng diễn ra mau chóng và phức tạp hơn bất kỳ dự báo nào từ các kịch bản biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Sự ấm lên toàn cầu làm mực nước biển dâng trong khi nhiệt độ gia tăng lại khiến cho các dòng hải lưu bị biến đổi về phạm vi và cường độ di chuyển. Sự gia tăng lưu lượng nước biển do băng tan đã làm gia tăng lưu lượng và năng lược dòng triều tác động vào bờ biển khi di chuyển. Trong bối cảnh này, sự tiếp xúc của các dòng hải lưu ven bờ tất yếu tạo ra những áp lực lớn vào thành bờ đưa đến sự bào mòn với quy mô lớn. Vì vậy, đặc điểm địa chất non trẻ và đường bờ biển lồi lõm theo hướng đi của dòng biển, vùng cửa sông và ven biển từ Tiền Giang đến Mũi Cà Mau trở nên lý tưởng nhất cho sự xâm thực của sóng biển.

Thêm vào đó, sự xuất hiện các con đập trên thượng nguồn đã ngăn lại một lượng rất lớn phù sa và lưu lượng nước đổ về ĐBSCL hàng năm. Điều này không chỉ gây thiếu hụt nguồn trầm tích để bồi đắp mở rộng bờ biển, mà còn khiến lượng nước đổ ra từ sông Tiền, sông Hậu bị thiếu hụt, không đủ để đẩy dòng hải lưu ven bờ ra xa nhằm giảm sự xâm nhập mặn và hạn chế sức nước tác động lên bờ biển. Trước sự xâm lấn gia tăng từ mực biển dâng trong khi nguồn phù sa để bồi hoàn ngày càng cạn kiệt, sự thoái lui của bờ biển ở ĐBSCL là khó tránh khỏi.

Khai thác cát

Khai thác cát chỉ tạo ra lợi ích cho doanh nghiệp (và cả những cơ sở khai thác trái phép), nhưng hệ lụy môi trường và kinh tế là vô cùng lớn và rất khó để phục hồi. Với đặc điểm địa chất non trẻ như ở ĐBSCL, việc khai thác cát sẽ tạo ra các hố sâu khổng lồ dưới đáy sông, làm thay đổi gần như vĩnh viễn lòng sông và đặc tính dòng chảy tự nhiên. Theo các nhà khoa học, phải mất hàng trăm năm để các mỏ cát dưới đáy sông Tiền, sông Hậu hình thành và cố định như ngày nay. Trong bối cảnh phù sa không còn dồi dào như trước do các con đập trên thượng nguồn, việc mong đợi các mỏ cát tự lấp đầy và hoàn nguyên sau khi khai thác là điều không tưởng.

Vì vậy, khi lòng sông tồn tại nhiều hố sâu, nó sẽ làm đổi hướng dòng chảy dưới đáy sông và tạo ra những va chạm đủ lớn để tạo ra các xoáy nước và sinh ra năng lượng tác động lên hai bên thành bờ gấp nhiều lần so với mức bình thường. Trường hợp sạt lở thường xuyên với quy mô lớn ở khu vực cù lao Tân Lộc (Quận Thốt Nốt) hay các khu vực giáp sông Cần Thơ, sông Hậu thuộc Quận Ninh Kiều, Quận Cái Răng (TP Cần Thơ) những năm gần đây là một minh chứng cho thấy sự những hố sâu mà hoạt động khai thác cát tạo ra nguy hiểm như thế nào.

Sụt lún nền đất

Đây là một nguyên nhân ít được đề cập khi lý giải tình trạng sạt lở ở ĐBSCL. Theo các kết quả quan trắc từ các tổ chức trong và ngoài nước, trong đó có kết quả đã công bố của dự án “Rise and Fall” (Đại học Cần Thơ kết hợp cùng Đại học Utrecht – Hà Lan) và Viện Địa kỹ thuật hoàng gia Na Uy (NGI), tốc độ sụt lún nền đất trung bình của ĐBSCL ở mức 1-2 cm/năm ở vùng nông thôn và 2,5cm/năm đối với khu vực thành thị và khu công nghiệp.

Nguyên nhân cốt lõi của sụt lún nền đất là do phát triển kinh tế và bùng nổ dân số đã kéo theo gia tăng khai thác nguồn nước ngầm tràn lan và mở rộng ồ ạt mạng lưới hạ tầng, tạo ra sức ép rất lớn lên nền đất. Khi nền đất bị sụt lún, lớp đất mặt vốn có độ cố kết thấp sẽ bị ép xuống, tiếp xúc với dòng chảy sông ngòi và dòng biển. Kết quả là quá trình xói lở, trợt đất trở nên dễ dàng hơn và có xu hướng xảy ra theo hiệu ứng “domino” – nghĩa là một khu vực bị sạt lở, nước sẽ mau chóng tràn ngấm vào vùng lân cận và tiếp tục tạo ra các hố sạt lở tiếp theo.

Việc xuất hiện liên tiếp các điểm sạt lở báo động khác cách khu vực sạt lở ở sông Vàm Nao không xa cho thấy sạt lở và sụt lún nền đất có mối liên hệ ở mức độ nhất định. Chính vì vậy, trong các nghiên cứu để đánh giá nguyên nhân sạt lở ở ĐBSCL, cần đề cập và nghiên cứu sâu hơn về mối liên hệ này.

Yếu tố kinh tế – xã hội

Theo tập quán và yếu tố địa lý, các điểm dân cư thường tập trung đông đúc ở những khúc sông thuận lợi cho sinh sống và giao thương như ngã ba, ngã tư sông hay những doi, vịnh, cửa sông. Không may, những nơi định cư chiến lược về kinh tế như vậy lại là những nơi có nguy cơ cao về sạt lở (xem yếu tố địa hình đã phân tích ở trên). Thêm vào đó, bùng nổ dân số và sự mở rộng mạng lưới hạ tầng xây dựng (đường xá, nhà xưởng, khu công nghiệp…) ở những nơi này đã làm gia tăng tốc độ sụt lún nền đất như vừa đề cập bên trên, trong khi các nền móng xây dựng thường tự tạo ra sự cô lập với tầng đất xung quanh. Khi có sự kết hợp tác động từ các yếu tố khác, như khai thác cát chẳng hạn, các hồ nước xoáy “đói” phù sa sẽ có xu hướng dịch chuyển đến các điểm đô thị này và mau chóng hình thành các “hàm ếch” với độ sâu (âm) hàng chục mét dưới đáy sông.

Chính vì vậy, việc quy hoạch các điểm dân cư ven sông đã đến lúc cần tính toán đến các yếu tố tải trọng và khả năng chịu lực của nền địa chất tại chỗ để tránh việc người dân và doanh nghiệp tổ chức xây dựng dựa trên khả năng tài chính của mình hơn là chú ý đến khả năng sụt lún của nền đất.

Ngoài ra, gia tăng hoạt động công nghiệp hóa cũng đồng nghĩa với sự thu hẹp các dải rừng tự nhiên ven sông. Một số địa phương, như Cà Mau, đã chọn phá đi các vạt rừng dừa nước, đước, mắm ven sông Ông Đốc – nơi có nguy cơ sạt lở cao – để phát triển các khu đô thị và sản xuất công nghiệp. Về lâu dài, sự thay thế các vạt rừng này bằng các bờ kè bê-tông không chỉ kết thúc tiến trình tích tụ bồi lắng tự nhiên hai bên bờ sông, mà còn làm gia tăng sức nước và sóng tác động vào bờ đê do sức gió đã không còn bị cây rừng cản trở.

Nguy cơ và ứng phó

Với hàng chục km bờ biển và hàng trăm hecta đất bị sạt lở, cuốn trôi ra biển mỗi năm, diện mạo ĐBSCL đang bị biến đổi nhanh chóng hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh các nước ở phía thượng nguồn và trung lưu sông Mê Kông đang ra sức chia sẻ nguồn nước qua các dự án thủy điện và xây dựng kênh dẫn nước, lượng phù sa ít ỏi còn lại khi đến ĐBSCL chắc chắn sẽ không đủ để duy trì sự tồn tại của đường bờ biển hiện tại. Khi đó, viễn cảnh về thu hẹp diện tích đồng bằng hay mất đi một phần Bán đảo Cà Mau có thể sẽ đến sớm hơn nhiều so với dự báo. Nhưng nguy cơ trước mắt chính là những nguy cơ về an ninh trật tự, sinh kế và an ninh lương thực do vấn nạn sạt lở bờ sông gây ra.

Những nguyên nhân phân tích trên đây một mặt cho thấy thực trạng sạt lở đang gây ra bởi sự cộng hưởng của nhiều nguyên nhân, do đó sạt lở sẽ trở nên có quy mô lớn gấp nhiều lần so với thông thường và khó khăn hơn trong dự báo. Vì vậy, bên cạnh việc lập bản đồ sạt lở để xác định và cảnh báo khu vực tiềm năng, việc tổng hợp các yếu tố nguy cơ từ những nguyên nhân gây sạt lở bên trên có thể là một cơ sở khả thi cho phép nhận diện sớm những khu vực dễ tổn thương và có nguy cơ sạt lở cao.

Chẳng hạn, với những khu vực hợp lưu sông,  nhất là những nơi mà hai chế độ dòng chảy khác biệt về cường độ và lưu lượng nước, là những nơi thường tồn tại các xoáy nước ngầm và các hàm ếch dưới đáy sông, cần tránh quy hoạch đông dân cư và xây dựng với trọng tải lớn. Việc quy hoạch các điểm dân cư ven sông đã đến lúc cần tính toán đến các yếu tố tải trọng và khả năng chịu lực của nền địa chất tại chỗ. Ngoài ra, khu vực xung quanh các điểm hoạt động công nghiệp ven sông, nơi các nhà máy có khai thác nước ngầm để sản xuất, cũng là điểm có nguy cơ cao về sạt lở.

Mặt khác, những nguyên nhân trên cũng cho thấy yếu tố con người đang trở nên then chốt trong bức tranh sạt lở ở ĐBSCL hiện nay. Trong khi dư luận trong nước và quốc tế đang phản đối các dự án xây đập và chuyển dòng trên thượng nguồn sông Mê Kông, đã đến lúc các ngành chức năng ở Việt Nam cần nhìn nhận những nguyên nhân bên trong – do chính chúng ta gây ra. Rõ ràng, tình trạng thiếu hụt quy hoạch bền vững trong khai thác tài nguyên, cụ thể là cát sông và nước ngầm, cùng với sự hạn chế trong quản lý của các ngành chức năng địa phương suốt thời gian dài đã tạo ra những tác động địa chất cực đoan (sụt lún nền đất, hình thành các hố sâu dưới đáy sông, thay đổi chế độ dòng chảy…) gần như không thể khôi phục, khiến tình hình sạt lở diễn biến phức tạp và ngày một nghiêm trọng hơn.

Vì vậy, trong khi thúc đẩy các nỗ lực bảo vệ nguồn nước và lượng phù sa còn lại trên sông Mê Kông, chính sách tự lực cần thiết cho ĐBSCL lúc này là quy hoạch đô thị hóa và công nghiệp hóa bền vững, gia tăng diện tích rừng che phủ để gia tăng lượng nước ngầm và hạn chế tối đa các hoạt động thăm dò, khai thác cát nhất là trên các sông Tiền và sông Hậu. Ở các khu vực cửa sông và ven biển nơi chưa hoặc ít bị sạt lở cần đẩy mạnh các hoạt động trồng các loại cây có khả năng chắn sóng và lấn biển tốt như đước, mắn, dừa nước… Ở vùng sạt lở, các phương án xây đê chắn sóng cần kết hợp lồng ghép với phương pháp xây bunker để giữ chân phù sa thay vì chỉ tập trung dựng lên bức tường bê-tông chắn sóng thuần túy như hiện nay.

Th.S. Nguyễn Minh Quang, Đại học Cần Thơ


[1] Bộ NN-PTNT và Viện Địa kỹ thuật Hoàng gia Na Uy (NGI), Dự án “Nghiên cứu sụt lún đất của Bán đảo Cà Mau”.

CHIA SẺ