“Sao thần nông” thoát nghèo nhờ nuôi tôm

BVR&MT – Đã từng vật lộn mưu sinh với đủ thứ nghề để thoát nghèo thế nhưng dường như vận may vẫn không mỉm cười cho đến khi người đàn ông vùng ven biển ấy bén duyên với giống tôm thẻ chân trắng…

Người đàn ông ấy chính là anh Nguyễn Văn Cường (Sinh năm 1973, xã Hải Đông, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) – người đã nhận được nhiều bằng khen, giải thưởng cao quý như “sao thần nông, nông dân giỏi các cấp của tỉnh Nam Định.

“Cường tôm tiền tỷ”

Biệt danh “Cường tôm” không còn quá xa lạ với người dân nơi đây bởi anh là người đầu tiên của tỉnh Nam Định nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể xi măng, một mô hình nuôi tôm kiểu mới cho thu nhập ổn định.

Trước đây, anh Cường làm đủ mọi thứ nghề để mưu sinh. Tuy nhiên, do đồng lương bấp bênh, không đủ để trang trải cuộc sống nên năm 2005 anh trở về quê nuôi tôm sú, các loại cá để kiếm đồng ra đồng vào nuôi gia đình.

Năm 2007, nhận thấy mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng có lãi, anh Cường “đánh liều” mua tôm giống về nuôi. Đáng tiếc thay, cả 02 vụ đều thất bại vì tôm chết hàng loạt do dịch bệnh. Không nản chí anh vẫn quyết tâm theo đuổi nuôi tôm thẻ chân trắng. Lần này, anh thay đổi cách nuôi tôm theo hướng công nghiệp. Bước đầu, mô hình thành công nhưng anh vẫn chưa hài lòng.

Anh Nguyễn Văn Cường – Người được mệnh danh là “Cường tôm tiền tỷ”.

Cuối năm 2013, anh Cường xây 06 bể xi măng với kích thước 25 m2/bể để ươm tôm giống. Sau một tháng đã cho hiệu quả rõ rệt, tôm trở nên khỏe mạnh thế nhưng khi đưa tôm xuống ao nuôi vẫn bị dịch hàng loạt và chết nổi trắng ao.

Lúc này, anh mới nảy ra ý định nuôi tôm trong bể xi măng. Trong quá trình nuôi, anh theo dõi sự sinh trưởng của con tôm rất kỹ lưỡng và tỉ mỉ. Sau một thời gian, anh Cường nhận thấy tôm trong bể xi măng chậm lớn hơn nuôi ngoài ao nhưng lại có sức đề kháng cao, không có dịch bệnh.

Từ 06 bể xi măng ban đầu, anh đã nhân rộng mô hình, xây dựng thêm hàng chục bể. Hiện tại, anh đang sở hữu 80 bể nuôi tôm. Mỗi năm nuôi được 2-3 vụ. Theo tính toán của anh Cường, với 80 bể nuôi, sau khi trừ tất cả chi phí, còn lãi hơn 1,5 tỷ đồng/năm. Một số tiền không hề nhỏ mà không phải ai ở vùng quê ven biển cũng kiếm ra được.

Ăn ngủ với quyết tâm “tôm sạch”

Với phương châm “Ngon tại giống, sạch tại tâm” nên anh Cường luôn nâng cao ý thức trong quá trình chăn nuôi. Không bao giờ anh cho tôm ăn những loại chất kích thích tăng trưởng, chỉ cho ăn cám công nghiệp được mua ở những cơ sở sản xuất có tên tuổi. Ngoài ra, tôm giống cũng được anh mua ở những Công ty nổi tiếng như CP, Việt Úc.

Dẫn phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường chúng tôi đi tham quan mô hình, anh Cường cho biết, toàn bộ 80 bể xi măng được gia đình anh xây rất kiên cố, mỗi bể đều có hệ thống sủi bọt tạo oxy, đường ống dẫn nước sạch vào bể và thải nước bẩn từ trong ra ngoài. Trên mái, anh giăng lưới che nắng để giảm nhiệt độ trong bể nuôi.

Anh Cường nói thêm, để tôm được sống trong môi trường nước luôn sạch sẽ, trước khi lấy nước từ ngoài biển vào để nuôi, anh đã xử lý nước qua nhiều giai đoạn, bằng nhiều phương pháp khác nhau.

Bể nuôi được xây dựng chuyên nghiệp, chắc chắn, trên mái có lưới che nắng.

“Nước được lấy từ biển, sau đó đưa vào hệ thống ao chứa. Tại đây, nước được xử lý bằng clo, muối iốt. Tiếp đến là chạy quạt nước liên tục để không còn mùi hóa chất ở trong nước. Cuối cùng mới bơm nước vào bể nuôi”, anh Cường giải thích.

Trong quá trình nuôi, anh thường xuyên vệ sinh bể, thay nước khi có hiện tượng nước chuyển màu. “Tôi khẳng định là gia đình nuôi tôm cực sạch, luôn đảm bảo sạch sẽ từ đầu vụ cho đến khi thu hoạch. Trong quá trình nuôi, không sử dụng một loại chất kích thích nào”, anh Cường quả quyết.

Nhấc một vó tôm trong bể lên cho tôi xem, anh Cường bảo, nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể xi măng cho chất lượng thịt thơm ngon hơn, dai và không bị hôi so với nuôi tôm dưới ao.

Nhờ nuôi tôm sạch nên tiêu thụ rất ổn định. Hiện tại, tôm được bán với giá dao động từ 150-200 nghìn đồng/kg (khoảng 30 con/kg).

Tôm sản phẩm được nuôi từ mô hình bể xi măng của anh Cường được đánh giá cao về chất lượng.

Ông Nguyễn Minh Dưỡng, Chủ tịch UBND xã Hải Đông chia sẻ, sản xuất tôm thẻ chân trắng trong bể xi măng của gia đình anh Cường là một mô hình mới tại địa phương, đem lại thu nhập ổn định. Mô hình đang được nhiều cơ quan đoàn thể ở các địa phương đến tham quan và học hỏi.

Thiên Thảo – Mai Chiến