Sáng kiến trữ nước giúp người Kenya thích nghi với hạn hán

BVR&MT – Sau trận mưa lớn gây lũ lụt ở Đông Phi hồi cuối tháng tư, đầu tháng 5, quận Makueni, phía đông Kenya vẫn khô hạn và không rõ đến khi nào những cơn mưa mới trở lại. Tuy nhiên, người dân làng Kikumbulyu, quận Makueni, không hề lo lắng bởi vì tháng 11 năm ngoái, họ xây một hệ thống tích nước mưa bằng đá. Giờ thì dù cho thời tiết có nắng nóng, khô hạn, ngôi làng vẫn còn rất nhiều nước dự trữ.

Bể trữ nước ở quân Kikumbulyu. (Ảnh: Reuters)

Sáng kiến bể trữ nước

Mary Mwikali Kiminza, một người phụ nữ trong làng, là mẹ của 5 đứa trẻ và thành viên Nhóm Ithine Self Help chia sẻ: “Ngoại trừ cuộc sống mà Chúa trời đã ban tặng thì đây là món quà lớn nhất mà chúng tôi có được. Giờ tôi không còn phải đi xa tít tắp để lấy nước nữa, còn lũ trẻ cũng có nhiều thời gian hơn để tập trung vào việc học vì không cần theo tôi ra sông lấy nước”.

Làng Kikumbulyu, thuộc quận Kibwezi, nằm ở địa hình đồi núi với những mỏm đá lớn. Ngôi làng không có điều kiện lý tưởng cho những phương pháp dự trữ nước truyền thống như máng chứa nước hay các đập cát.

Kể từ năm 2010, tổ chức phi chính phủ Kenya là Africa Sand Dam Foundation (ASDF) đã hỗ trợ dân trong khu vực Makueni xây dựng hệ thống tích nước bằng đá tận dụng những lợi thế địa hình của khu vực để đảm bảo nguồn nước cho dân làng.

Hệ thống này tận dụng các mỏm đá tự nhiên để dẫn nước mưa vào một khu vực trung tâm. Một bức tường bê tông được xây để dẫn nước từ khu vực trung tâm tới khu vực có các lớp cát và sỏi lọc để lọc, từ đó nước sẽ theo đường ống chảy xuống các bể chứa kín.

Ông Matheka Cornelius Kyalo, Giám đốc Tổ chức ASDF chia sẻ: “Mục tiêu chính của dự án là xây dựng một hệ thống trữ nước có thể chống chọi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hạn hán, sử dụng những phương pháp phù hợp với điều kiện địa phương và làm sao càng bền vững càng tốt”.

Nước từ các mỏm đá theo tường bê tông, chảy qua lớp cát sỏi lọc vào các bế chứa (Ảnh: Reuters)

Nước từ các mỏm đá theo tường bê tông, chảy qua lớp cát sỏi lọc vào các bế chứa. (Ảnh: Reuters)

Kiếm tiền từ nước

Theo dữ liệu từ Tổ chức Nghiên cứu Gia súc và Nông nghiệp Kenya, lượng mưa trung bình hàng năm ở quận Makueni là khoảng 150 mm vào mùa khô và 650 mm trong những năm có mưa nhiều. Tuy nhiên, kể cả trong những năm có thời tiết thuận lợi thì Makueni vẫn phải trải qua tình trạng cảnh khan hiếm nước.

Dự án ASDF được thực hiện nhằm giúp dân làng cùng nhau thích nghi với khí hậu ngày càng khô hạn nơi đây. Tính đến hiện tại, ASDF này đã xây được 10 hệ thống tích nước bằng đá cho nhiều ngôi làng ở Makueni, dẫn nước mưa chảy từ các mỏm đá xuống tổng cộng 26 bể nước bê tông. Mỗi bể có thể chứa tối đa 190.000 lít nước.

Cả ASDF và người dân đã cùng nhau xây dựng các bể chứa. Trong đó, người dân thành lập các nhóm cộng đồng và đóng góp nhân công cũng như các nguyên vật liệu có sẵn ở địa phương như cát, sỏi. ASDF cung cấp những vật liệu xây dựng cần thiết khác như xi măng, ống nước và cùng các chuyên gia giúp hướng dẫn, giám sát quá trình xây dựng.

Mất khoảng 25.000 USD (hơn 550 triệu VND) để xây dựng một hệ thống tích nước bằng đá với 2 bể chứa, số tiền được quyên góp từ những nhà tài trợ, trong đó có nhiều ngân hàng ở Kenya.

Dự án cũng tạo ra thu nhập cho những tổ chức cộng đồng đã giúp xây dựng hệ thống tích nước. Các nhóm cộng đồng bán 20 lít nước với giá 10 cent (khoảng hơn 2.000 VND) cho những người có nhu cầu sử dụng, kể cả thành viên trong nhóm cũng phải trả tiền nếu muốn dùng nước từ bể dự trữ.

Trở lại năm 2014, các thành viên Nhóm Ithine Self Help đã thu được 160 USD (hơn 3.500.000 VND) tiền bán nước, số tiền này sau đó đã được gửi vào ngân hàng. Đầu năm nay, sau khi đã cân nhắc kỹ, họ rút tiền ra để mua 10 con dê rồi trao cho các thành viên để gây giống.

Từ trồng trọt chỉ đủ dùng đến xuất khẩu

Ở ngôi làng Songeni, quận Makueni, dân làng đang tìm cách giữ nước với một dự án tích trữ nước khác, lần này chỉ sử dụng đập cát.

Bằng cách đắp các bờ cát ở các điểm khác nhau trên những con sông trong khu vực, dân làng có thể tích và dự trữ nước chảy xuống đây trong mùa mưa.

Sử dụng nước dự trữ được trong đập cát đã xây, thành viên Nhóm Songeni’s Mukaso Self Help giờ đang trồng và xuất khẩu đậu xanh sang thị trường châu Âu. Theo lời ông Harison Kitaa – người đứng đầu nhóm thì nhóm đang hy vọng nhận được tấm chi phiếu đầu tiên trong một vài tuần tới: “Đây là giải pháp bền vững cho một vấn đề đã gây khó khăn cho chúng tôi hàng nhiều năm trời. Kể cả nếu không có thị trường xuất khẩu, chúng ta cũng sẽ không bị đói như trước nữa.”- Ông Harison cho biết.

Tổ chức ASDF đã làm việc với các tổ chức địa phương để xây dựng 256 đập cát trên khắp các sông ở phía đông Kenya với mục tiêu trợ giúp hơn 12.700 hộ gia đình có đủ nước cho sinh hoạt và tưới tiêu.

Ông Kyalo, giám đốc ASDF, những đập cát mà Nhóm Mukaso Self Help Group xây dựng có thể chứa hàng triệu tấn nước.

Trong khi đó, quận Isiolo ở vùng đông bắc và các quận Embu, Kitui ở phía đông Keneya, Tổ chưc ActionAid cũng đang hỗ trợ hơn 80 hộ gia đình sử dụng đập nước tại gia để trữ nước mưa.

Các gia đình ở đây cho hay những đập nước này rất đơn giản: hồ chứa với lớp lót nhựa polythene nhằm ngăn nước thấm vào đất, việc xây chúng cũng khá dễ dàng.

Những người dân địa phương tham gia đào hồ chứa được phát miễn phí lớp lót nhựa polythene và được học về phương pháp canh tác trên đất khô cằn và phương pháp nuôi trồng thủy sản.

Quận Isiolo có địa hình bán hoang mạc. Nhóm Phụ nữ Bidii nơi đây giờ sử dụng nước trong các đập tại gia để canh tác đậu xanh xuất khẩu thông qua một công ty có thị trường ở Anh, Mỹ và châu Á. Chị Sadia Ibrahims, trưởng nhóm phụ nữ cho hay cứ cách 2 tuần nhóm lại thu về trung bình 500 USD (hơn 11 triệu VND).

Theo như Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc, ước tính có 1,3 triệu người Kenya không được đảm bảo về lương thực và cần được trợ giúp. Các dự án trữ nước có thể giúp các gia đình sử dụng các nguồn lực sẵn có để thích nghi và thậm chí là phát triển kinh tế để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông Kyalo: “Thiếu nước vẫn luôn là vấn đề chính của người dân sống trong những khu vực khô hạn này. Nhờ sáng kiến trữ nước này, đa số người dân đã có thể tự đảm bảo nguồn lương thực và không phải phụ thuộc vào sự trợ giúp nữa”.

Trần Ngọc Quỳnh (biên dịch)