Sản xuất thực phẩm sạch, từ chủ trương đến thực hiện

BVR&MT – Tập trung phát triển nông nghiệp sạch là chủ trương lớn, hết sức đúng đắn của Chính phủ, trong quá trình triển khai đã có những mô hình thành công bước đầu có thể nhân rộng.

Dây chuyền sản xuất trứng gà sạch.

Ngay từ đầu năm 2017, khi tham gia khởi động một dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh phải có vốn cho nông nghiệp công nghệ cao và yêu cầu nâng hạn mức gói hỗ trợ cho đầu tư nông nghiệp công nghệ cao từ 60.000 tỷ đồng lên 100.000 tỷ đồng. Cơ chế triển khai cho vay ưu đãi có mục đích khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao ở nước ta.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngày 25/4/2017, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố quyết định về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với gói tín dụng 100.000 tỷ đồng và đã nhận được sự ủng hộ tích cực của các ngân hàng thương mại với cam kết cho vay các dự án với lãi suất ưu đãi. Các đối tượng được áp dụng gồm pháp nhân và cá nhân có nhu cầu vay vốn để thực hiện dự án, phương án sản xuất-kinh doanh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).

Các ngân hàng thương mại (NHTM) triển khai cho vay đối với các nhu cầu vốn ngắn, trung và dài hạn của khách hàng với lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5-1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường. Nguồn vốn cho vay do các NHTM cân đối từ nguồn vốn huy động trên thị trường. Đặc biệt, khách hàng vay vốn theo chương trình được sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản bảo đảm cho khoản vay theo quy định của pháp luật.

Công ty TNHH Ba Huân Hà Nội tại huyện Phúc Thọ (Hà Nội) là một trong nhiều doanh nghiệp thuộc đối tượng triển khai của gói tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ. Tiếp bước thành công của thị trường phía Nam, tháng 4/2017, Công ty Ba Huân tiếp cận thị trường miền Bắc bằng việc khánh thành Nhà máy xử lý và chế biến trứng gia cầm công nghệ cao tại thị trấn Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ (Hà Nội). Nhà máy có quy mô 2 ha, tổng vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng, công suất xử lý 65.000 trứng/giờ bằng dây chuyền thiết bị nhập khẩu, xử lý trứng tự động hóa 100% của hãng Moba – Hà Lan (hãng đứng đầu thế giới về các thiết bị xử lý trứng gia cầm).

Quy trình xử lý trứng qua các công đoạn được xử lý và diệt khuẩn theo chuẩn quốc tế với các công đoạn được tự động hóa 100%. Là người có gần 20 năm gắn bó với nông nghiệp, nông thôn, ông Phạm Thanh Hùng – Giám đốc công ty TNHH Ba Huân Hà Nội chia sẻ, ở các nước tiên tiến, trước khi được bán trên thị trường, trứng gia cầm (gà, vịt) phải trải qua xử lý, kiểm định của các nhà máy. Còn tại Việt Nam, dù là thực phẩm được sử dụng rất thường xuyên nhưng ít ai biết rằng các lỗ thông khí trên bề mặt trứng khi tiếp xúc với phân, tạp chất, đất bùn… rất dễ bị vi khuẩn xâm nhập, gây nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng.

Với triết lý kinh doanh hướng tới nông nghiệp chất lượng cao, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, Công ty Ba Huân đã đầu tư gần 1.000 tỷ đồng để xây dựng, phát triển và tạo dựng nên thương hiệu như ngày nay. Đầu tư rất lớn vào thiết bị xử lý trứng nhưng Ba Huân vẫn giữ giá trứng bán ra bằng hoặc giảm so với giá thị trường. Bên cạnh đó Công ty còn tạo nguồn thu ổn định cho người nông dân bằng việc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Không chỉ hỗ trợ đầu ra, Ba Huân còn hỗ trợ kỹ thuật đầu vào, hỗ trợ con giống và chuyển giao phương thức canh tác, chăn nuôi cho nông dân nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Sau 6 tháng đi vào hoạt động, nhà máy đã góp phần thu mua một lượng không nhỏ trứng gia cầm trên địa bàn Hà Nội và các địa phương lân cận phục vụ chế biến. Điều này góp phần mở rộng đầu ra cho các hộ chăn nuôi và thúc đẩy chương trình sản xuất sạch trên địa bàn.

Đến nay, các sản phẩm của Ba Huân miền Bắc đã có mặt trên hầu khắp các hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị Lotte; Big C; Metro; Fivimart; Vinmart; Aeon…; các doanh nghiệp dùng nguyên liệu trứng trong sản xuất thực phẩm; một số các cửa hàng liên kết dân doanh trên địa bàn Thành phố… Sản phẩm của công ty khá đa dạng, không chỉ là trứng sạch mà còn có thêm các loại: Thịt gà, xúc xích, bánh flan, chân gà chua cay, gà viên, trứng vịt muối, trứng vịt bắc thảo… được sản xuất theo công thức gia truyền phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

Công ty đã tìm kiếm, lựa chọn đối tác là Vietcombank Hà Tây để hợp tác. Việc thẩm định cho vay đối với công ty này đã được Vietcombank tiến hành với quy trình đầy đủ, chặt chẽ và nhanh chóng với lãi suất hợp lý. Vietcombank Hà Tây đã cam kết cung ứng nguồn vốn trung-dài hạn lên tới 60 tỷ đồng và 20 tỷ đồng vốn ngắn hạn với phương thức ưu đãi để đầu tư. Trong suốt quá trình hợp tác, hai bên không ngừng trao đổi về kinh nghiệm cũng như những thuận lợi, khó khăn để đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác.

Ngoài nguồn vốn tín dụng, Vietcombank Hà Tây còn triển khai các dịch vụ khác cho Ba Huân như: Trả lương qua tài khoản; mở thẻ tín dụng; thực hiện thanh toán tiền hàng cho đối tác của công ty. Thành công bước đầu giúp Ba Huân miền Bắc bảo đảm việc làm cho 60 lao động (đều là người địa phương) với thu nhập bình quân trên 4,5 triệu đồng/tháng; tạo nguồn thu ổn định cho hàng trăm người nông dân, đối tác liên kết. Quan trọng hơn, niềm ước mơ mong muốn đem nguồn thực phẩm sạch đến với ngày một nhiều người dân Thủ đô hơn đã thành hiện thực.

Tới đây, khi Ba Huân mở rộng sản xuất với việc đầu tư thêm nhà máy với dây chuyền hiện đại, tốc độ xử lý đạt tới 120.000 quả trứng/giờ, đại diện Vietcombank Hà Tây khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành để Ba Huân mở rộng thị trường, đáp ứng mục tiêu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo chủ trương của Chính phủ, hướng tới lợi ích của nhà nông – doanh nghiệp – ngân hàng – và toàn xã hội.