Sản xuất sợi sen tại mô hình thử nghiệm Phùng Xá – Hà Nội

BVR&MT – Các bộ phận của cây sen có nhiều công dụng nhưng từ xưa đến nay ở nước ta cọng lá và cọng hoa chưa được dùng tuy nhiều người đã biết trong cọng sen có sợi tơ khá bền chắc.

Ở Việt Nam có nhiều giống sen, ngoài sen hồng còn có sen trắng sen vàng. Sen hồng mọc hoang ở Đồng Tháp Mười, thuộc hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp. Cây sen cũng là cây trồng quen thuộc ở các tỉnh đồng bằng từ Bắc đến Nam, trong các vùng đầm lầy, ao hồ Sen được trồng như một loài cây cảnh đồng thời lấy nhiều bộ phận của cây làm thuốc dân gian. Tâm sen dùng chữa các chứng bệnh tim, mất ngủ; ngó sen dùng làm thực phẩm, thuốc cầm máu; hạt sen là thực phẩm, ngoài việc dùng làm vị thuốc bổ và chữa mất ngủ, thần kinh suy nhược còn để làm mứt; gương sen là vị thuốc cầm máu chữa ứ huyết; lá sen (hà diệp) cũng có nhiều công dụng trong y hoc; hoa sen được coi là quốc hoa. 

Giá trị kinh tế của tơ sợi từ cọng sen

Myanmar là nước đầu tiên có nghề dệt vải lụa với tơ cọng lá và cọng hoa sen, ra đời khoảng từ năm 1910. Nghề dệt vải lụa thủ công từ tơ sen của Myanmar được hình thành một cách tự phát, khởi nguồn từ ngôi làng KyaingKan (Chaing Kham) – cực nam của hồ Inlay với sản phẩm ban đầu là tấm áo cà sa dâng lên các nhà sư trụ trì trong vùng. Hiện đã có thêm làng nghề dệt InPaw Khon có sự hợp tác với các doanh nghiệp thời trang quốc tế. Sản phẩm chủ yếu hiện nay là khăn quàng, ví, mũ, áo choàng, áo cà sa… (giá cả từ vài chục USD đến vài ngàn USD/sản phẩm). Nghề đó mang đến những lợi ích kinh tế đáng kể, góp phần xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân ở nông thôn.

Các bộ phận của cây sen có nhiều công dụng nhưng từ xưa đến nay ở nước ta cọng lá và cọng hoa chưa được dùng.

Vải lụa từ tơ sen là sản phẩm mới, được quốc tế biết đến chỉ trong hơn 10 năm qua, nhưng đã có chỗ đứng trên thị trường thời trang cao cấp thế giới. Sản phẩm vải lụa từ tơ sen đã và đang được xuất khẩu từ Mayanmar đi các nước Nhật, Ý, Đức, Áo, Mỹ…

Cọng lá và hoa sen ở Việt Nam chưa được khai thác, bị thải bỏ lãng phí và gây ô nhiễm môi trường. Phát triển nghề trồng sen lấy sợi và sản phẩm dệt từ tơ sen có triển vọng phát triển ở Việt Nam. Học tập kinh nghiệm từ Mayanmar là một thuận lợi rất lớn để rút ngắn được thời gian nghiên cứu do đó Bộ Khoa học và Công nghệ nước ta đã cho Viện Kinh tế sinh thái thực hiện đề tài: “Nghiên cứu thử nghiệm mô hình sản xuất sợi từ cuống lá sen” từ 2016 với sự hợp tác của Myanmar. Trong hai năm thực hiện đề tài tại mô hình Thôn Hạ, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, cộng tác với Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức do Nghệ nhân Phan Thị Thuận làm Giám đốc, đã thực nghiệm trồng giống sen hồng đơn và đã tổ chức sản xuất thử thành công sợi sen và tập huấn một số công nhân nghề trồng sen và sản xuất sợi.

Sau khi thử nghiệm rút sợi từ cuống tơ sen, rút ra một số kết luận sau:

–  Đề tài đã triển khai được mô hình sản xuất sợi từ sen thành công bước đầu, đã thu được sản phẩm sợi rút ra từ sen tại mô hình thử nghiệm xã Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Nội:

– Sợi sen thu được bông, nhẹ và có mùi thơm tự nhiên. Sợi sen được tạo ra do nghệ nhân Thuận rất mảnh, săn, hình thức đẹp hơn so với sợi sen mang về từ Myanmar. Triển khai bước đầu mô hình sản xuất rút sợi từ cọng sen thành công với kết quả: đã rút được 350g sợi từ 4970 cọng sen

Cọng sen có sợi tơ khá bền chắc.

– Tại mô hình bắt đầu thử nghiệm dệt khăn và một số sản phẩm từ sợi sen. Dự tính sợi thu được sẽ dệt riêng từ sợi sen hoặc kết hợp với các loại sợi tự nhiên khác như bông, đũi,…

– Đã có được kinh nghiệm trong việc chuẩn bị cho kéo sợi như các dụng cụ, công cụ  và phương tiện…

+ Đã đào tạo được một số cán bộ nghiên cứu và tiến hành đào tạo được một số nhân lực kéo sợi, tơ sen tại Viện kinh tế sinh thái và tại xã Phùng Xá, Mỹ Đức.

Thành công trong việc sản xuất sợi sen từ cọng lá và cọng hoa sen mở ra triển vọng nâng cao giá trị kinh tế của nghề trồng sen ở nước ta, làm nẩy sinh một nghề mới cho nông dân các vùng có đất ngập nước đồng thời tạo ra một nguồn sợi đặc sản với những sản phẩm có giá trị cao.

Hà Chử
(Viện Kinh tế Sinh thái – Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam)

Tags: , ,
CHIA SẺ