Sản xuất gắn với rừng

BVR&MT – Thực hiện đề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2015-2020 của Chính phủ, cả nước đã thực hiện 140 dự án bảo vệ và phát triển rừng ven biển từ nhiều chương trình, nguồn vốn khác nhau.

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ kiểm tra mức độ khô hạn trên lâm phần rừng tràm U Minh Hạ. (Ảnh: Báo Cà Mau)

Đến nay, nhiều mô hình nông, lâm, ngư kết hợp đã đạt hiệu quả, phát triển kinh tế-xã hội ổn định gắn với bảo vệ môi trường bền vững tại nhiều địa phương ven biển…

Nông, lâm, ngư kết hợp

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cùng với việc trồng rừng, thực hiện chủ trương của Chính phủ, nhiều địa phương đã thực hiện các hạng mục công trình bảo vệ bờ biển, hỗ trợ bảo vệ, phát triển rừng như: tu bổ đê, kè, xây dựng tường mềm chắn sóng, giữ bùn để gây bồi, tạo bãi trồng rừng và các công trình lâm sinh khác như trạm, chốt, tháp canh bảo vệ rừng, đường ranh cản lửa, đường tuần tra, bảo vệ rừng…

Trong sản xuất nông, lâm kết hợp và các mô hình sinh kế ở vùng ven biển, cả nước đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Một số dự án ODA (như MFF, MAM, JICA2, ICMP/GIZ, FMCR, REDD+, GCF/UNDP, SP-RCC…) có hợp phần phát triển sinh kế liên quan rừng ven biển bước đầu thực hiện tốt ở các địa phương.

Đối với rừng ngập mặn, mô hình phát triển sinh kế dựa trên các hình thức đồng quản lý rừng được thực hiện tại Đồng Rui (tỉnh Quảng Ninh); Xuân Thủy (tỉnh Nam Định); Âu Thọ B (tỉnh Sóc Trăng); Đất Mũi, Tam Giang (Cà Mau); các mô hình nông, lâm, ngư kết hợp như nuôi ong, nuôi gà, vịt biển, tôm, cua, cá trong rừng ngập mặn do dự án GCF thực hiện tại các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Cà Mau. Đặc biệt là mô hình nuôi tôm sinh thái trong rừng ngập mặn của dự án MAM tại Cà Mau đã mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần bảo vệ hệ sinh thái rừng bền vững.

Bên cạnh đó, đối với rừng trên vùng đất, cát ven biển đã xuất hiện một số hoạt động sinh kế có triển vọng như du lịch sinh thái, nuôi gia cầm, trồng cây dược liệu dưới tán rừng; trồng rừng gắn với trồng cây hoa màu và nuôi trồng thủy sản (tại tỉnh Quảng Bình); kết hợp du lịch sinh thái với bảo tồn, phát triển rừng dừa nước tại thành phố Hội An (Quảng Nam); trồng cây lâm nghiệp xen cây dược liệu và cây ăn quả tại Đà Nẵng; giao khoán bảo vệ rừng gắn với phát triển chăn nuôi, cải tạo, nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng cây điều, mô hình làm dịch vụ du lịch tại tỉnh
Ninh Thuận…

Theo ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, tập đoàn đang hỗ trợ một số tỉnh Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh quy hoạch, bố trí lại các vùng nuôi tôm nước lợ, trong đó có tôm-rừng được tích hợp vào quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh để làm cơ sở triển khai các dự án phát triển nuôi tôm bền vững.

Trong khi đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn ven biển nhằm ngăn chặn sự xâm nhập mặn của nước biển vào sâu nội địa, điều hòa khí hậu trong vùng, khôi phục hệ sinh thái vùng ven biển, qua đó, góp phần tăng nguồn thủy hải sản tự nhiên của địa phương và giúp cải thiện sinh kế của người dân trong vùng vốn dễ bị tổn thương do các điều kiện bất lợi của thiên nhiên.

Đến nay, toàn tỉnh đã trồng rừng ngập mặn với diện tích khoảng 141ha. Thời gian tới, mục tiêu của tỉnh là phát huy hơn nữa vai trò, chức năng của rừng ngập mặn ven biển, đầm phá trong việc phòng hộ, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; giảm phát thải khí nhà kính;…

Bảo vệ, phát triển rừng gắn với phát triển kinh tế

Trước những tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng; phát huy những kết quả đạt được trong giai đoạn 2015-2020 và xác định mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng ven biển trong giai đoạn tới; trên cơ sở đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 4/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1662/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030”, quản lý, bảo vệ và sử dụng hiệu quả diện tích rừng vùng ven biển hiện có, đặc biệt là đối với diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên vùng ven biển.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo cho biết, thời gian tới, ngành lâm nghiệp sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của rừng ven biển; triển khai hài hòa lợi ích các bên; nâng cao chuỗi giá trị, chuỗi sinh kế để bảo đảm lợi ích của người dân và Nhà nước; ưu tiên nguồn lực để bảo vệ và phát triển rừng ven biển, có chính sách xã hội hóa để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng ven biển.

Ngoài ra, để đạt được nhiệm vụ mà đề án “Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030” của Chính phủ, ngành lâm nghiệp và các địa phương ven biển cần đẩy mạnh hơn nữa quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng bền vững diện tích rừng vùng ven biển hiện có và diện tích rừng được tạo mới.

Phát huy hiệu quả vai trò, chức năng của rừng vùng ven biển trong việc phòng hộ, bảo vệ môi trường và hệ thống kết cấu hạ tầng vùng ven biển; chống sa mạc hóa, suy thoái đất; bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính; tạo việc làm, thu nhập cho người dân vùng ven biển, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng, an ninh, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu thông qua việc nhân rộng các mô hình bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển gắn với sản xuất nông, lâm, ngư kết hợp…