Sản lượng đánh bắt cá suy giảm đe dọa sức khỏe con người

BVR&MT – Sản lượng đánh bắt cá biển giảm sút đang làm gia tăng tình trạng thiếu dinh dưỡng ở nhiều quốc gia đang phát triển. Kết luận này được ông Christopher Golden, chuyên gia khoa Khoa Sức khỏe Môi trường, Đại học Havard và các cộng sự đưa ra trong một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Nature.

Làm sao để cung cấp đủ nguồn thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng cho 10 tỷ người – dân số của trái đất vào năm 2050? Đây là một trong những thách thức lớn nhất mà nhân loại sẽ phải đối mặt. Hệ thống lương thực toàn cầu phải đảm bảo cung cấp đủ lượng calo và protein, cũng như các nguyên tố vi lượng quan trọng như sắt, kẽm, acid béo omega 3, vitamin… cho lượng dân số đang không ngừng tăng lên.

Thiếu hụt các nguyên tố vi lượng có thể làm tăng nguy cơ tử vong cho bà mẹ và trẻ sơ sinh; gây chậm phát triển, tử vong ở trẻ em; suy giảm nhận thức và suy giảm hệ miễn dịch. Tình trạng này sẽ dẫn tới những gánh nặng bệnh tật rất lớn. Theo thống kê, thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết là nguyên nhân dẫn tới 45% tỉ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi và 50% tình trạng khuyết tật ở trẻ dưới 4 tuổi.

Cá là nguồn cung cấp vi chất dinh dưỡng quan trọng, thường ở dạng sinh khả dụng* cao. Tuy nhiên, sản lượng cá đang giảm sút. Hầu hết các nghiên cứu trước đây đều chỉ đưa ra các vấn đề liên quan tới thiếu hụt nguồn protein từ cá. Nhưng đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Kết hợp các dữ liệu dinh dưỡng và thực trạng đánh bắt cá, nhóm nghiên cứu dự đoán rằng hơn 10% dân số có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng và acid béo từ cá trong những thập kỷ tới, đặc biệt là người dân ở các nước đang phát triển gần đường xích đạo.

Ảnh minh họa: The Nature

Nguy cơ về dinh dưỡng

Hiện nay, 17%  dân số thế giới thiếu hụt vi lượng kẽm, một phần trong số đó đang đối mặt với những rủi ro về sức khỏe. Gần 1/5 số thai phụ trên thế giới thiếu máu do thiếu sắt và 1/3 thiếu vitamin A. Ước tính có khoảng 845 triệu người (11% dân số toàn cầu) sẽ thiếu hụt một trong ba nguyên tố vi lượng thiết yếu trên nếu tình trạng suy giảm sản lượng đánh bắt cá còn tiếp diễn.

Tính toán cho thấy 1,39 tỉ người trên thế giới (19% tổng dân số) dễ bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng chỉ có nguồn gốc từ động vật như vitamin B12 và acid béo DHA omega-3 (đa phần có nguồn từ thực phẩm là thịt). Hiện cá chiếm khoảng 20% trọng lượng thực phẩm con người đang sử dụng.

Đánh giá tác động

Để đánh giá đúng mức các tác động của thực trạng này, nhóm nghiên cứu đã kết hợp hai cơ sở dữ liệu từ năm 2010, thời điểm cập nhật nhất đối với cả hai dữ liệu. Cơ sở dữ liệu mới của Ngân sách Dinh dưỡng Mở rộng Toàn cầu (GENuS) bao gồm: bảng cân đối lương thực (tổng sản lượng và nhập khẩu lương thực trừ thức ăn chăn nuôi, tổn thất sau thu hoạch và xuất khẩu) và dữ liệu sản xuất hoặc thương mại từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) với ước tính lượng tiêu thụ thực phẩm theo độ tuổi và giới tính. Mô hình đã tính toán nhu cầu bình quân đầu người đối với 225 loại thực phẩm, kết hợp với bảng thành phần thực phẩm trong khu vực để suy ra nguồn cung cấp dinh dưỡng theo từng quốc gia.

Nhóm dân số sẽ bị phân vào nhóm dễ thiếu hụt dinh dưỡng nếu nguồn cung cấp dinh dưỡng của họ nhỏ hơn hai lần nhu cầu thiết yếu trung bình (EAR) và nếu nguồn cung cấp hơn 10% lượng vitamin A hoặc kẽm, hoặc hơn 5% lượng sắt của họ lấy từ cá.

Nhóm tác giả lựa chọn mức gấp đôi nhu cầu thiết yếu trung bình với hai lý do. Thứ nhất, ngay cả ở các quốc gia có mức tiêu thụ trung bình lớn hơn EAR vẫn có một bộ phận dân số đáng kể tiêu thụ lượng thực phẩm ít hơn. Nếu sử dụng EAR là ngưỡng đánh giá thì hơn 50% dân số của một quốc gia sẽ thuộc vào nhóm dễ thiếu hụt dinh dưỡng. Như vậy, mức báo động sẽ bị đẩy lên quá cao. Thứ hai, phương pháp ước lượng nguồn cung cấp thực phẩm của GENuS cũng được đánh giá là quá mức so với thực tế.

Cơ sở dữ liệu của Báo cáo “Biển quanh ta” (Sea Around Us), phát hành năm 2016, đã phác hoạ bức tranh về ngành khai thác cá của các quốc gia ven biển trong giai đoạn từ năm 1950 tới năm 2010. Trong hơn 15 năm, một nhóm nghiên cứu ở các quốc gia ven biển đã đối chiếu thông tin từ các tư liệu của chính phủ, các công trình nghiên cứu và hồ sơ về biển để tái hiện lại dữ liệu về sản lượng khai thác cá. Cơ sở dữ liệu này được duy trì bởi đội ngũ nghiên cứu của Đại học British Columbia ở Vancouver, Canada, đã ước tính chính xác hơn các nguồn cung cấp thủy sản quốc gia: tự phát, thủ công và công nghiệp

Dữ liệu về khai thác hải sản toàn cầu đang rất đáng báo động. Ước tính thận trọng từ FAO cho thấy ngành công nghiệp thủy sản đang ở mức ổn định, nhưng cũng phải thừa nhận rằng sản lượng khai thác toàn cầu đã giảm 0,38 triệu tấn/năm kể từ năm 1996. Tóm tắt dữ liệu Báo cáo “Biển quanh ta” (2016) đã vẽ nên một bức tranh ảm đạm khi sản lượng khai thác cá đạt đỉnh vào năm 1996 và từ đó giảm 1,22 triệu tấn/năm (~ 1%) – nhanh gấp 3 lần so với số liệu từ báo cáo của FAO.

Suy thoái các nguồn lợi thủy sản được cho là do nhiều nguyên nhân: đánh bắt theo kiểu hủy diệt, ô nhiễm do phát triển công nghiệp, biến đổi khí hậu, đô thị hóa và nuôi trồng thủy sản ở các khu vực ven biển. Thực trạng này sẽ góp phần thúc đẩy nhanh hơn quá trình suy thoái hệ sinh thái biển và giảm sút sản lượng khai thác thủy sản.

Ảnh minh họa: reuters.com

“Cơn bão hoàn hảo”

Sự sụt giảm của ngành công nghiệp thủy sản tác động mạnh hơn tới một số khu vực so với những khu vực khác. “Cơn bão hoàn hảo” đang lan rộng tới các quốc gia đang phát triển nằm ở vĩ tuyến thấp. Đây là những khu vực mà nguồn cung cấp dinh dưỡng chủ yếu phụ thuộc vào nguồn thủy sản tự nhiên; đồng thời ngành công nghiệp thủy sản đang phải đối mặt với những nguy cơ từ nạn ​​đánh bắt trái phép, quản lý lỏng lẻo, thiếu hiểu biết về tình trạng trữ lượng, áp lực dân số và biến đổi khí hậu.

Sản lượng ngành thủy sản sụt giảm mạnh vào thế kỉ XX tại những vùng vĩ độ cao – nơi bắt nguồn của ngành công nghiệp thủy sản như vùng tây bắc Đại Tây Dương. Các nước phát triển đã bù đắp sự thiếu hụt bằng các sản phẩm nông nghiệp tập trung; cũng như nhập khẩu hàng hóa (bao gồm cả thủy sản), vitamin, thực phẩm bổ sung và thực phẩm chức năng.

Kể từ những năm 90, sự suy giảm trữ lượng cá xảy ra chủ yếu ở vùng vĩ độ thấp và các quốc gia đang phát triển. Sự suy giảm nhanh chóng này có lẽ là kết quả của việc phát triển mạnh của ngành công nghiệp thủy sản, quản lý lỏng lẻo và tăng cường mở rộng đánh bắt xa bờ ở những khu vực này.

Biến đổi khí hậu cũng đang làm vấn đề trầm trọng hơn. Đại dương đang nóng lên và sự thay đổi năng suất sơ cấp thuần (net primary production) có thể đã khiến các loài cá và động vật có vỏ di chuyển từ khu vực vĩ độ thấp đến khu vực vĩ độ cao. Theo đó, vào năm 2050, có khả năng sản lượng đánh bắt toàn cầu sẽ giảm hơn 6% và giảm 30% ở một số vùng cụ thể (chẳng hạn như vùng nhiệt đới) so với những thập kỷ trước đó.

Ở các vùng nhiệt đới, cá có thể sẽ có kích thước nhỏ hơn: đại dương đang nóng lên cùng với sự suy giảm hàm lượng oxy có thể dẫn tới giảm khoảng 20% sinh khối trung bình của các quần thể cá. Các rạn san hô – hệ sinh thái quan trọng đối với ngành nghề đánh bắt truyền thống – đang bị suy thoái nặng nề bởi sự nóng lên toàn cầu và acid hóa đại dương. Rừng ngập mặn – nơi nuôi dưỡng nhiều loài cá có ý nghĩa quan trọng đối với các nước đang phát triển – cũng đang dần bị thu hẹp. Ngành công nghiệp thủy sản nước ngọt nội địa – nguồn cung cấp thực phẩm và dinh dưỡng cho hàng trăm triệu người trên thế giới – cũng đang bị đe dọa.

Cá đóng vai trò quan trọng trong vấn đề phòng tránh các bệnh liên quan đến thiếu hụt dinh dưỡng. Hầu hết các quốc gia đang phát triển phụ thuộc rất lớn vào nguồn dinh dưỡng từ thủy sản (46/ 49 quốc gia); thủy sản chiếm khoảng hơn 20% lượng thực phẩm có nguồn gốc động vật ở những quốc gia này. Hơn thế nữa, các quốc gia có tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng nghiêm trọng nhất lại thường xuyên xuất khẩu thủy sản sang các quốc gia có khả năng kiểm soát tốt vấn đề dinh dưỡng.

Người nghèo thường ít có lựa chọn thay thế để giải quyết vấn đề thiếu hụt dinh dưỡng vi lượng đang diễn ra trước mắt. Thịt, trứng, thực phẩm bổ sung vitamin và thủy sản nhập khẩu vượt quá mức chi trả của họ. Họ buộc phải dựa vào nguồn thực phẩm tự cung tự cấp hoặc những loại thực phẩm ít lành mạnh hơn.

Nuôi trồng thủy sản

Liệu gia tăng nuôi trồng thủy sản trên toàn cầu có đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng của những người dân nghèo gần xích đạo hay không? Với các mô hình sản xuất và phân phối hiện nay, nhóm nghiên cứu cho là không thể. Ngành nuôi trông thủy sản đã mở rộng trên toàn cầu với tốc độ chưa từng có trong ba thập kỉ vừa qua. Năm 2014, lần đầu tiên sản lượng cá nuôi vượt qua sản lượng đánh bắt cá tự nhiên.

Tuy nhiên, ngành nuôi trồng thủy sản chưa phát triển vượt bậc ở nhiều nước thu nhập thấp. Các nước này không có nhiều nguồn cung cấp thức ăn và công nghệ (đặc biệt ở tiểu vùng Saharan châu Phi và quần đảo Thái Bình Dương). Những vùng lãnh thổ này vẫn phụ thuộc phần lớn vào ngư nghiệp truyền thống. Nghề đánh bắt cá quy mô nhỏ này thường là người dùng thuyền độc mộc để bắt cá, săn cá ở các rạn san hô và đánh bắt tôm cua gần bờ trong các khu rừng đước.

Những khu nuôi trồng thủy sản phát triển thường hướng đến người tiêu dùng giàu có ở các thành phố trong nước hoặc thị trường quốc tế hơn là cho khu vực nông thôn. Các nước đang phát triển xuất khẩu cá giá trị cao (đánh bắt và nuôi trồng) và nhập khẩu cá giá trị thấp hơn từ các nước phát triển. Đơn cử, các nước đang phát triển và quá độ như Bangladesh, Trung Quốc, Indonesia, Ecuador, Thái Lan và Việt Nam là các quốc gia xuất khẩu nhiều tôm, cá rô phi và cá da trơn Mê Kông đến các quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ giàu có. Hoặc những loài cá này cũng sẽ được tiêu thụ bởi tầng lớp trung lưu đang gia tăng ở các siêu đô thị ở các nền kinh tế này.

Nền công nghiệp định hướng xuất khẩu không đem lại nhiều lợi ích về kế sinh nhai và nhu cầu dinh dưỡng cho những người nghèo ven biển. Hơn nữa, ngành nuôi trồng thủy sản thương mại có thể thay thế ngư nghiệp thủy sản ven biển và nội địa. Những người nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ cũng có thể không thu được lợi nhuận từ việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Cá nuôi trồng cũng có thể không có giá trị dinh dưỡng cao. Các loại cá nuôi có giá cả phải chăng nhất như cá chép thường không giàu acid béo Omega-3 như các loại cá thiên nhiên đang dần cạn kiệt như cá mòi và cá thu. Cá tự nhiên giàu dầu cũng là thức ăn nuôi trồng thủy sản cơ bản. Bởi vì sử dụng cá tự nhiên làm thức ăn cho cá nuôi không mang lại lợi ích trong bối cảnh các chính sách quản lý hiện tại, do vậy thức ăn nguồn gốc thực vật được sử dụng nhiều hơn, làm thay đổi thành phần dinh dưỡng của cá nuôi. Ngoài ra, ngành nuôi trồng thủy sản cũng chỉ tập trung vào ít chủng loại cá hơn những loại cá đánh bắt trong tự nhiên. Nguồn cung cấp cá toàn cầu do nuôi trồng thủy sản như hiện nay sẽ làm giảm sự đa dạng, dẫn đến giảm chất lượng dinh dưỡng của bữa ăn.

Mặc dù vậy, ngành nuôi trồng thủy sản có thể đóng góp phần lớn vào chế độ dinh dưỡng và nền kinh tế địa phương khi được lên kế hoạch rõ ràng để nâng cao chất lượng khu vực. Ví dụ, ở Bangladesh, các nông hộ đã kết hợp thành một hệ thống nuôi cá đồng để đảm bảo an ninh lương thực địa phương.

Tuy nhiên, chiến lược này có vẻ không hứa hẹn do không có đủ các vùng nuôi trồng phù hợp. Cả các đảo và vùng ven biển đều chịu sức ép gia tăng từ quá trình đô thị và công nghiệp hóa. Những quốc đảo nhỏ có sự chuyển đổi cơ cấu thủy sản mạnh mẽ nhất cũng có triển vọng phát triển ngành nuôi trồng thủy sản nhất. Vùng châu thổ sông, đồng bằng, vùng nước lợ và vùng duyên hải nhiệt đới thấp khác là nơi tập trung nhiều ngành sản xuất nuôi trồng thủy sản đang hứng chịu nhiều tác động của hiện tượng nước biển dâng, acid hóa đại dương và những cơn bão lớn. Nuôi trồng thủy sản không tập trung cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức và chỉ đóng góp nhỏ vào sản lượng toàn cầu.

Ảnh minh họa: Center for Food Safety

Hướng đi tiếp theo

Các mô hình thế hệ mới kết hợp dữ liệu sức khỏe con người và thủy sản với các mô hình khí hậu và dân số cần đóng vai trò quan trọng trong đánh giá tác động của việc biến đổi môi trường tới sức khỏe và việc cần có sự phân chia các khoản trợ cấp y tế công cộng khổng lồ vào quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên. Các mô hình này cũng có thể được sử dụng để xác định các điểm nóng cần có các chiến lược cấp bách hiệu quả hơn cho bảo tồn biển và quản lý thủy sản để xây dựng các nguồn dự trữ cho an ninh dinh dưỡng.

Ngành nuôi trồng thủy sản cũng cần được tái cơ cấu để những người suy dinh dưỡng có thể tiếp cận đồ ăn giàu dinh dưỡng. Có thể tính đến các giải pháp như: thúc đẩy đầu tư vào ngành nuôi trông thủy sản đòi hỏi ít vốn hơn, phục vụ tiêu dùng nội địa với các loại cá giá rẻ và giàu dinh dưỡng; nuôi trồng những loại cá bậc thấp hơn trong chuỗi thức ăn để giảm phụ thuộc vào săn bắt cá tự nhiên, phân bổ đất ven biển và thủy lợi phù hợp với ngành nuôi trồng quy mô nhỏ.

Các phương pháp phân tích hiện đang được sử dụng để cung cấp thông tin cho ngành thủy sản và các chính sách nuôi trồng thủy sản đòi hỏi phải chặt chẽ hơn. Dữ liệu về biến động giá cả thực phẩm cũng cần cho các mô hình kinh tế địa phương trong việc điều chỉnh nguồn cung cá và chế độ ăn; đồng thời cũng giúp mô hình hóa về cách thức mà cư dân toàn cầu ứng phó với những biến động về nguồn cung cá và giá cả thị trường.

Chúng ta cần các dữ liệu tốt hơn về thủy sản nước ngọt và nuôi trồng thủy sản, dữ liệu về thành phần dinh dưỡng của thực phẩm cũng như về tình trạng dinh dưỡng của người dân trên thế giới. Các cải tiến cần bao gồm cả việc tách biệt dữ liệu về cá nuôi và cá tự nhiên để mô tả tốt hơn tính dễ tổn thương do thiếu hụt vi chất dinh dưỡng.

Để giải quyết các vấn đề mới nổi này cần xây dựng quan hệ đối tác mới giữa các nhà khoa học thủy sản, các nhà công nghệ nuôi trồng thủy sản, các nhà quản lý hệ sinh thái, các chuyên gia về dinh dưỡng và sức khoẻ cộng đồng, các nhà kinh tế học phát triển, các cơ quan và các nhà hoạch định chính sách.

Trước tiên, cần phải có các dòng kinh phí để hỗ trợ tiêu chí mới về sức khoẻ hành tinh, nhằm xác định và định lượng tác động của các thay đổi môi trường ngày càng gia tăng tới sức khỏe con người. Thứ hai, cần có nhiều tương tác giữa các cơ quan y tế như Tổ chức Y tế thế giới (WTO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Bộ Y tế của các quốc gia và cơ quan có liên quan đến quản lý đại dương như Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc, các tổ chức quản lý nghề cá khu vực và các bộ thủy sản và môi trường của các quốc gia.

Hạn chế suy giảm đa dạng sinh học và thu nhập vốn là trọng tâm của các chính sách quản lý thủy sản. Nhóm nghiên cứu cho rằng nên tập trung hơn nữa vào sức khỏe con người. Điều này cũng được phản ánh trong những thay đổi gần đây với chính sách nông nghiệp nhằm ứng phó với gánh nặng ngày càng gia tăng của các bệnh liên quan đến chế độ ăn uống.

Những thay đổi về chính sách là hoàn toàn có thể. Nhóm nghiên cứu tin rằng cải thiện quản lý thủy sản và bảo tồn đại dương có thể hỗ trợ cho cơ chế cung cấp dinh dưỡng. Một phân tích tổng thể của gần 5.000 ngành thủy sản trên toàn thế giới cho thấy việc áp dụng các cải cách quản lý đúng đắn cho ngư nghiệp toàn cầu có thể làm tăng lượng đánh bắt lên hơn 10%. Nếu không có những thay đổi này, những người nghèo sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe.

Phương Thúy – Thu Hà (Theo Nature)


* Sinh khả dụng là đặc tính biểu thị tốc độ và mức độ hấp thu của một dược chất hoặc nhóm chất có tác dụng vào tuần hoàn chung và sẵn có ở nơi tác động. Cũng có thể hiểu sinh khả dụng biểu thị mức độ và tốc độ của dược chất hoặc chất có tác dụng được giải phóng ra khỏi dạng bào chế và sẵn có ở tuần hoàn chung (nguồn: Thông tư số 08/2010/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 26/4/2010).