Săn đặc sản ở đáy sông Hàn

BVR&MT – Chỉ cần một bồ đồ lặn với các dụng cụ đơn giản, những ngư dân ở phường Nại Hiên Đông (Quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) có thể ngụp lặn dưới đáy sông Hàn vài tiếng đồng hồ ở độ sâu 7 đến 10m để săn Chíp Chíp – một loại hải sản chỉ có ở sông Hàn. Công việc này luôn ẩn chứa những nguy hiểm, một chút sơ suất có thể đánh đổi cả tính mạng. Vậy nhưng với nguồn lợi cao ngất ngưỡng mà loại hải sản này mang lại cũng như vì miếng cơm manh áo mà suốt hơn 20 năm nay, những ngư dân ở đây vẫn bất chấp tất cả để quyết gắn bó với nghề.

Nguồn lợi trời phú

Theo những ngư dân ở đây thì Chíp chíp là một loại hải sản thường sinh sống trong môi trường nước lợ ở một khu vực và một thời gian nhất định. Trong đó mùa Chíp Chíp xuất hiện nhiều nhất là vào khoảng từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch. Ở Đà Nẵng, có duy nhất một nơi mà loài hải sản này sinh sống là dưới đáy sông Hàn, đoạn từ cầu Thuận Phước đến cầu Trần Thị Lý. Chúng thường sống ở độ sâu khoảng từ 7 đến 10m. Còn lại những vùng khác dù môi trường nước giống nhau nhưng lại không có.

Cách đây khoảng gần 20 năm, Chíp Chíp đã trở thành món ăn bổ dưỡng, thường có mặt trong các bữa ăn của gia đình được chế biến thành các món như hấp, xào, nướng, nấu canh… nên rất được ưa chuộng. Ngay cả trong các hàng quán, Chíp Chíp cũng trở thành món mồi ưa thích của dân nhậu. Chính vì lẽ đó mà nghề lặn sông “săn” Chíp Chíp cũng bắt đầu manh nha ra đời. Thời điểm đó, do dụng cụ còn thô sơ nên những người làm nghề này đòi hỏi phải có kinh nghiệm sông nước nhất là khả năng lặn và sức khỏe tốt, có thể chịu đựng được áp lực của nước. Tuy vậy, người lặn lâu nhất cũng chỉ được vài phút mà thôi. Đặc điểm khác biệt của nghề này so với việc đánh cá ngoài biển là mất nhiều thời gian, người “săn” phải trầm mình dưới nước vài giờ đồng hồ chứ không phải chỉ đúng trên thuyền rồi thả lưới là bắt được. Bên cạnh đó, năng suất không cao không cao nên số người theo nghiệp bắt Chíp Chíp này cũng chỉ tính trên đầu ngón tay.

Các thuyền đi bắt Chíp Chíp đều là thuyền nhỏ gồm các thành viên là người trong một gia đình.

“So với những người làm nghề lặn sông “săn” Chíp Chíp ở đây thì tôi cũng thuộc vào hạng người có thêm niên. Tính đến bây giờ cũng ngót nghét 20 năm trong nghề rồi đây. Trước đây cũng có nhiều người làm nghề như tôi nhưng thấy thu nhập ít quá nên họ vay vốn đóng tàu lớn ra khơi đánh cá còn nhà tôi không có điều kiện nên vẫn bám trụ với công việc này. Hồi trước, làm việc thì vất vả lắm nhưng thu nhập cũng không đáng là bao, chỉ đủ tiền trang trải cho cả nhà 5 miệng ăn sống qua ngày thôi. Nhưng cũng may đến bây giờ đã khác nhiều rồi, có thêm máy móc hiện đại hỗ trợ nên hiệu quả cao hơn. Thu nhập không chỉ đủ ăn mà cũng có phần dư giả”, ông Nguyễn Thanh Hoan (54 tuổi, một ngư dân trong nghề) cho biết.

Một ngày làm việc của các thợ “săn” Chíp Chíp thường bắt đầu từ 5h sáng đến khoảng 2h chiều thì về cập âu thuyền Thọ Quang để nhập hàng cho các thương lái. Vào mùa này, lượng Chíp Chíp nhiều nên mỗi thuyền trở về đều thu được ít nhất khoảng 50kg các loại lớn nhỏ. Với giá Chíp Chíp loại lớn từ 20.000 đến 25.000 đồng/1kg và loại nhỏ từ 16.000 đến 18.000 đồng/1kg thì thu nhập một ngày mà ngư dân ở đây có được có thể lên tới vài triệu đồng. Chính từ nguồn lợi hấp dẫn này mà số thuyền đánh bắt Chíp Chíp ngày một tăng lên.

“Tính nhẩm ra đến bây giờ cũng trên dưới 50 thuyền tham gia đánh bắt Chíp Chíp. Thậm chí những người trước đây thường cho thuyền ra khơi đánh bắt cá cũng đổ xô đi mua dụng cụ để “săn” loại hải sản này. Có lúc trên sông Hàn chật kín các tàu thuyền. Đa số các thuyền đi bắt Chíp Chíp đều là thuyền nhỏ gồm các thành viên là người trong một gia đình. Gia đình tôi có 3 anh em trai thì cả 3 đứa theo nghề này. Ở vùng này ngoài đi biển đánh bắt hải sản cũng không biết làm nghề gì cả. Mấy đứa con tôi cũng nhờ có nghề này mà có tiền đóng học phí. Cả gia đình tôi đều sống dựa vào cái nghề “săn” Chíp Chíp này. Cũng may sao ông trời thương mà ban cho con sông Hàn một loại hải sản quý để chúng tôi có cái mưu sinh chứ không thì cuộc sống cũng bấp bênh, lay lắt lắm. Không chỉ có gia đình chúng tôi mà mấy chục hộ khác nữa cũng sống được là nhờ cái nghề này đấy”, Anh Trần Toàn (một ngư dân) cho biết.

Sinh nghề tử nghiệp

Dù nguồn lợi cao như thế nhưng công việc này không phải dễ dàng như nhiều người tưởng tượng. Lượng thuyền tham gia săn bắt Chíp Chíp ngày một đông trong khi đó diện tích mặt nước lại có hạn khiến cho những ngư dân cần phải tranh thủ thời gian để tìm cho mình một vị trí thuận lợi để neo đậu thuyền trước khi bước vào công việc. Mọi thứ dụng cụ cần thiết đều phải được chuẩn bị từ chiều tối ngày trước đó để hôm sau khi trời bắt đầu hửng sáng là có thể lên đường. Thậm chí, bữa ăn sáng của những ngư dân làm nghề này cũng phải tranh thủ lúc thuyền dong khơi.

Bất chấp nguy hiểm, các thợ lặn vẫn quyết gắn bó với nghề.

Dụng cụ mà các thợ lặn sử dụng để “săn” Chíp Chíp vô cùng đơn giản gồm một bộ đồ lặn cũ kỹ đã trải qua nhiều năm sử dụng với các vết sờn rách được khâu vá lại; Một chiếc giỏ lưới để đựng Chíp Chíp được buộc vào tay; Một khối chì nặng từ 7 đến 10kg để đeo vào người tùy thể trạng của từng người. “Khối chì này sẽ được buộc vào cơ thể để cho người lặn dễ dàng chìm sâu xuống đáy sông. Những người nhẹ cần thì chỉ cần đeo khối chì nặng 7kg còn người to lớn hơn thì phải đeo loại 10 kg mới phù hợp”, anh Toàn giải thích. Bên cạnh đó, quan trong nhất đối với những người thợ lặn là phải có ống thở và máy trợ thở để có thể lặn được lâu hơn.

Sau quá trình kiểm tra lại độ an toàn của ông thở để đảm bảo không bị thủng và chạy thử máy thở một lần thì điều không thể thiếu trước lúc các thợ lặn trầm mình xuống sông là uống một chén nước mắm để xuống nước cho đỡ lạnh. Thông thường, một thuyền săn bắt Chíp Chíp thường có ít nhất từ 3 người trở lên để thay nhau lặn xuống nhằm đạt năng suất cao hơn. Ngoài ra, lúc một người xuống nước thì 2 người còn lại cũng có nhiệm vụ riêng của mình. Theo đó thì một người được giao giữ thuyền, người còn lại có trách nhiệm ngồi bên máy thở, tập trung quan sát máy thở và ống hơi tránh trường hợp bị trục trặc có thể dẫn đến tai nạn.

Thành quả thu được sau một lần lặn sông.

Người được giao nhiệm vụ quan sát ống hơi và máy thở thỉnh thoảng cũng phải ngẩng mặt lên nhìn xung quanh xem có gì bất ổn không. “Người lặn dưới sông gặp chuyện gì thì giật giật ống hơn để báo cho người ở trên thuyền biết kéo dây lên. Người trên thuyền thì phải hết sức chú ý, khi thấy ống dây động là phải kéo liền, nếu lơ là hay chậm một giây một phút cũng sẽ khiến người lặn gặp nguy hiểm đến tính mạng. Bên cạnh đó còn phải canh chừng tàu thuyền qua lại. Nếu có tàu chạy qua thì phải báo hiệu cho thợ lặn không được ngoi lên mặt nước”, Anh Toàn chi sẻ kinh nghiệm.

Một thợ lặn giỏi với sự trợ giúp của ông thở có thể lặn sâu xuống đáy sông ở độ sâu 7 đến 10m trong khoảng 3 giờ đồng hồ còn thông thường thì khoảng 1 tiếng là phải ngoi lên để người khác thay thế. Một đợt lặn như vậy người thợ lặn phải dùng tay mò mẫm trong bóng tối để móc Chíp Chíp trong lớp bùn lên. Công việc này cũng không phải đơn giản bởi dưới đáy nước sâu không thấy gì rất dễ gặp phải những mảnh thủy tinh cắt đứt tay. Trường hợp này dù các thợ lặn đã hết sức cẩn thận nhưng vẫn không thể nào tránh khỏi.

Bên cạnh những tai nạn thông thường đó thì cũng có người đã phải bỏ mạng vì nghề này. Đó là trường hợp thương tâm của anh Đặng Văn Minh xảy ra vào tháng 7 năm ngoái. “Lần đó do trời lạnh, Chíp Chíp cũng đã hết mùa nên mấy anh em trên thuyền vất vả cả ngày mà năng suất không được bao nhiêu. Thấy tiếc vì bỏ công một ngày nên cậu Minh mới cố gắng lặn thêm một lần nữa. Vậy nhưng do quá vội vàng, trời lại sẩm tối nên vội vàng mà quấn dây hơi không kỹ, rồi bị tuột lúc đang lặn nhưng không ai biết. Đến khi phát hiện được và nhảy xuống cứu thì đã không kịp nữa. Hay một trường hợp khác nữa là trường hợp của ông Nguyễn Dũng (54 tuổi) cũng phải bỏ mạng vì người canh ống thở lơ là không cảnh giác khiến tàu lớn chạy ngang qua, chân vịt cắt đứt ống thở để rồi phải bỏ mạng dưới con sông này”, ông Hoan kể lại.

Chứng kiến những tai nạn thương tâm trong nghề thì không ít người cũng có cảm giác rờn rợn. Vậy nhưng suốt bao nhiêu năm qua, vẫn chưa có ai có suy nghĩ bỏ nghề. Bởi họ biết rằng, dù công việc của mình luôn ẩn chứa những hiểm nguy rình rập nhưng nếu không làm nghề này họ phải làm gì hơn khi nỗi lo cơm áo luôn thường trực. Đó là nguồn sống là cả tương lai của con em họ.

Minh Ngọc – Ngọc Thăng