Sắc mới trên bản người Dao Phú Thọ

BVR&MT – Nhiều bản làng người Dao trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã có sự thay đổi vượt bậc, khoác lên mình “tấm áo” mới. Những căn nhà dột nát năm xưa nay đã được thay bằng những ngôi nhà kiên cố. Những con đường lầy lội bùn đất, lởm chởm sỏi đá đã được bê tông hóa..

Bản Đồng Măng có 100% là đồng bào dân tộc Dao sinh sống.

Xã Yên Sơn, huyện miền núi Thanh Sơn (Phú Thọ) cách trung tâm thành phố Việt Trì chừng 100km. Đây là một trong những xã khó khăn nhất, nhì của huyện, đồng bào người Dao chiếm tới 70%, còn lại là đồng bào Mường, số ít là dân tộc Kinh sinh sống. Con đường rộng được trải nhựa phẳng lỳ dẫn vào bản Chen, bản Chự và bản Hồ vừa được đầu tư xây dựng. Hệ thống điện lưới kéo tới từng nhà đã đem đến những thay đổi tích cực ở những bản làng nơi đây.

Anh Đặng Văn Nguyên (sinh năm 1994) một trong những cán bộ khu dân cư trẻ nhất của huyện Thanh Sơn, hiện là Trưởng bản Hồ vui vẻ cho hay: Trước đây dăm năm, để lên đến bản Hồ phải vòng hơn 20km qua xã Hương Cần, Tân Lập hay lên tận Đà Bắc (Hòa Bình) vòng sang mới tới được. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, một con đường đã được mở từ bản trung tâm xã, vượt suối cái và dãy núi Thu Tinh qua bản Chen, bản Chự lên bản Hồ (xã Yên Sơn) rồi vòng qua bản Quất, bản Náy, Bồ Xồ (xã Yên Lương) về bản Dao Hạ Thành (xã Tân Lập), đã tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu buôn bán của bà con. Năm 2018, Nhà nước tiếp tục đầu tư trạm điện và kéo hơn 10km đường điện từ trung tâm xã lên ba bản đặc biệt khó khăn Chen, Chự, Hồ giúp đời sống vật chất, tinh thần của người Dao được nâng lên rõ rệt. Giờ đây, nhiều hộ dân đã có những phương tiện sản xuất được cơ giới hóa, máy móc đã thay thế sức người, hiệu quả kinh tế cao hơn. Tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm, không còn hộ đói…

“So với trước đây, nếu lên được bản Hồ phải đi đường vòng mất hơn 20km, đến nay rút ngắn còn 13km tính từ trung tâm xã đi lên”, anh Nguyên chia sẻ thêm.

Việc học tập của các em học sinh trong bản cũng được cấp ủy, cấp ủy chính quyền và ngành Giáo dục quan tâm, đã có điểm trường cho học sinh mầm non, tiểu học tại bản. Thầy giáo Nguyễn Thành Trung, người đã có thâm niên gần 20 năm cắm bản khắp các xã vùng cao của Thanh Sơn, trong đó 4 năm dạy tại điểm trường bản Hồ. Thầy Trung chia sẻ: Cách đây 4- 5 năm, cuộc sống của người dân nơi đây rất khó khăn, điện không có, bà con phải dùng điện chạy bằng Tubin bằng sức nước suối để phát điện, nhưng điện có cũng như không vì rất yếu… Từ khi hòa điện lưới Quốc gia, có đường, đặc biệt cuối năm 2019, dự án Nụ cười trẻ em do Báo điện tử VOV và Tập đoàn Vingroup tài trợ xây dựng điểm trường mầm non và điểm trường Tiểu học Yên Sơn 2, nhờ đó, 21 học sinh từ mầm non đến hết tiểu học của bản Hồ đã có thể đến trường vào các ngày mà không phải phụ thuộc vào thời tiết, mưa, lũ chia cắt như trước.

Chia tay bản Hồ, men theo sườn đồi dốc với độ cao trên 200m, chúng tôi tìm về bản Chự. Những ngôi nhà kiên cố mái đỏ, nhà vườn nằm ven đường mọc lên như nấm. Ông Lê Văn Sơn, Trưởng bản Chự hồ hởi cho biết: Trước kia, do nằm trên đồi cao, đường sá đi lại khó khăn, bà con ít có điều kiện tiếp xúc với các thôn bản khác học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt, năng suất rất thấp. Nhiều năm đến vụ thu hoạch mỗi gia đình chỉ được vài chục kg thóc, ngô, bà con lại thiếu đói giáp hạt, phải lên rừng kiếm củ sắn với lá cây rừng về ăn, cuộc sống rất đói khổ. Giờ đồng bào nơi đây đã khác xưa rồi! Các tuyến đường liên thôn, liên xóm đã được đầu tư xây dựng, ước mơ bao đời của 70 hộ dân người Dao bản Chen, bản Chự đã thành hiện thực, không còn cảnh cuốc bộ, lầy lội, trơn trượt như trước nữa. Mạng lưới điện cũng đã về tận nhà đã giúp cho cuộc sống của người dân nơi đây trở nên vui tươi. 90% số hộ trong bản đã có ti vi, nhiều hộ đã mua được xe ô tô, mở mang buôn bán, dịch vụ… Đặc biệt, từ phá rừng trồng sắn, đồng bào người Dao ba bản động vùng cao của Yên Sơn là Chen, Chự và Hồ đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật và cách canh tác mới vào sản xuất, trồng rừng nguyên liệu giấy, trồng cây ăn quả, chăn nuôi bò thịt chất lượng cao.

Ông Đặng Văn Hòa, Bí thư Chi bộ bản Chen, xã Yên Sơn chia sẻ: Từ trung tâm xã qua các bản Chen, Chự rồi mới đến được bản Hồ, ước mong bao đời nay đối với người dân bản Chen, Chự, Hồ là làm được con đường rộng, có điện lưới quốc gia nay đã thành sự thật. Nhờ có đường, trường, trạm mà cả 3 bản nơi đây, nhiều gia đình đã xây được nhà kiên cố, làm nhà vườn trị giá cả tỷ đồng…

Người dân tộc Dao ở Yên Sơn hạ sơn từ cách đây hơn 70 năm. Những năm 79, 80 của thế kỷ trước, người Dao từ tỉnh Hòa Bình và huyện Bà Vì (Hà Nội) đã di cư về xã Yên Sơn, sống rải rác trên những sườn đồi nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Từ năm 2012 đến nay, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, kinh tế phát triển, đời sống được nâng lên, là cơ hội để các phong tục tập quán của người Dao được khôi phục và giữ gìn. Người Dao nơi đây đã biết phát huy những mặt tích cực và xóa bỏ những tập quán hủ tục còn lạc hậu…

Bên cạnh đó, nhờ những chính sách ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Đảng, Chính phủ, những năm gần đây, bà con bản Dao trong xã đã xóa bỏ lối sản xuất thuần nông lạc hậu, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống cây trồng, vật nuôi có giá trị, chất lượng cao vào sản xuất như: tập trung phát triển rừng, chăn nuôi trâu bò, gia súc, gia cầm, đặc biệt là mở rộng mạng lưới buôn bán và làm dịch vụ…

Mặc dù có những đổi thay nhưng Yên Sơn vẫn là xã khó khăn của huyện Thanh Sơn. Để giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, các cấp chính quyền xã đã và đang tập trung khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, nhất là thế mạnh đồi rừng; tích cực xây dựng và hoàn thiện hệ thống thủy lợi để bảo đảm chủ động tưới tiêu, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Ông Đinh Văn Cân, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Sơn cho hay: Yên Sơn đã chuyển mình mạnh mẽ đi lên trong những năm qua. Nông dân trong xã tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi tập quán canh tác, đưa những giống lúa mới năng suất, chất lượng cao vào gieo cấy; mở rộng các diện tích cây màu. Ngoài ra, xã tập trung phát triển cây lâm nghiệp như cây keo làm nguyên liệu giấy, phát triển những loại cây, con đặc sản như chuối phấn vàng, khoai tầng, gà ri; mới đây xã đã phối hợp với các ngành của huyện triển khai các mô hình trồng cây ăn quả như: mở rộng phát triển cây bưởi diễn, cây chanh; tập trung phát triển đàn trâu, bò…

Nhờ có những chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, giờ đây, người dân bản Dao Yên Sơn đang vui với cuộc sống mới, tiếp tục phấn đấu vượt qua mọi khó khăn để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, xây dựng bản làng ngày càng giàu đẹp.