BVR&MT – Tại khu vực rừng giáp ranh giữa 3 huyện Mường Ảng, Mường Chà và Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên), những cây gỗ Pơ mu cổ thụ đã bị các đối tượng khai thác trái phép đốn hạ.
Pơ mu là loại gỗ quý thuộc nhóm I. Điều đáng tiếc là tình trạng này đã diễn ra từ lâu song ngành chức năng cũng như chính quyền địa phương vẫn chưa có những biện pháp quyết liệt để ngăn chặn triệt để.
Từ trung tâm xã Ngói Cáy (huyện Mường Ảng, Điện Biên) vượt quãng đường bụi mù mịt, đường núi chênh vênh chúng tôi đã tới bản Pơ Mu. Bỏ xe máy ở lại bản, chúng tôi bắt đầu hành trình leo núi với toàn những con dốc thẳng đứng.
Sau gần 10 giờ đồng hồ, nhóm phóng viên cũng tới được đỉnh núi cao nhất, độ cao hơn 1.800m so với mực nước biển. Nơi đây vẫn còn khu rừng già với những cây cổ thụ to, cao lừng lững, là khu rừng giáp ranh giữa các xã Pú Xi, Mường Khong (huyện Tuần Giáo) với các xã Mường Mươn, Na Sang (huyện Mường Chà) và các xã Mường Đă ng, Ngói Cáy (huyệ n Mường Ảng).
Trên đường đi, chúng tôi chứng kiến cảnh những gốc pơ mu đã bị cháy thành than đen sì, có gốc cây to đến hai thanh niên vòng tay ôm mới xuể. Bước vào khu rừng già, có thể nghe rõ tiếng máy cưa liên hồi. Những con dốc hằn dấu vết của việc các đối tượng khai thác trái phép đã đẩy gỗ trượt gỗ xuống núi.
Đi sâu vào rừng, chúng tôi phát hiện nhiều điểm khai thác trái phép gỗ pơ mu. Gần chục gốc pơ mu đường kính từ 1m – 1,6 m đã bị đốn hạ không thương tiếc. Những vết cắt còn rất mới, mùn cưa còn hăng mùi, có gốc cây vẫn còn chảy nhựa nơi vết cắt. Có những điểm khai thác với rất nhiều hộp gỗ có chiều dài từ 1,6 m – 1,8 m, rộng 30 cm và dày 10 cm – 15 cm xếp ngổn ngang. Cạnh đó vẫn còn can đựng nhiên liệu chạy cưa máy, quần áo và bếp lửa mới được dập tắt không lâu. Những bìa gỗ không thể sử dụng đã bị các đối tượng khai thác trái phép lâm sản vứt lại tại hiện trường.
Người dẫn đường cho biết, trước đây ở khu rừng này rất nhiều gỗ pơ mu nhưng từ khi các đối tượng khai thác trái phép hoành hành, những cây pơ mu đã mất dần và giờ trở nên khan hiếm. Tình trạng khai thác trái phép cây pơ mu ở đây diễn ra hàng ngày. Từ sáng sớm những nhóm người bắt đầu vào rừng khai thác gỗ. Đến xế chiều, các đối tượng lại vận chuyển bằng cách đẩy những hộp gỗ trượt dốc xuống suối rồi vận chuyển ra ngoài tiêu thụ.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Xuân Ban, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tuần Giáo cho biết: Tình trạng khai thác gỗ pơ mu tại khu vực giáp ranh của 3 huyện Tuần Giáo, Mường Ảng và Mường Chà trong thời gian gần đây tương đối ồ ạt. Hạt Kiểm lâm 3 huyện đã phối kết hợp kiểm tra khu vực rừng giáp ranh này. Phần lớn các đối tượng khai thác tận dụng những cây đã bị đổ cách đây khoảng 5 – 10 năm. Các đối tượng tập trung kéo gỗ bằng 2 con đường chính: Con đường thuộc xã Ngói Cáy ra xã Ẳng Tở (Mường Ảng); con đường từ bản Pơ Mu (xã Ngói Xáy, Mường Ảng) ra xã Nà Tấu (huyện Điện Biên).
Còn ông Nguyễn Văn Đức, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Ảng thừa nhận trên địa bàn huyện, điểm nóng nhất về tình trạng khai thác lâm sản trái phép vẫn là 2 xã Mường Đăng và Ngói Cáy. Ông Đức cũng khẳng định rằng lực lượng Kiểm lâm không có hiện tượng tiếp tay hoặc “bật đèn xanh” cho các đối tượng khai thác và vận chuyển gỗ trái phép trên địa bàn.
Được biết ngày 13/2 vừa qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên cùng với UBND huyện Tuần Giáo và các ban ngành có liên quan của huyện đã họp bàn và ký kết biên bản về công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Theo đó, qua nắm bắt tại khu vực rừng giáp ranh giữa 3 huyện Tuần Giáo, Mường Ảng và Mường Chà, báo cáo của UBND huyện Tuần Giáo có nêu: Trên diện tích rừng của hai xã Mường Khong thuộc tiểu khu 606, khoảnh 12 và xã Pú Xi thuộc tiểu khu 605, khoảnh 7 có phân bổ cây gỗ pơ mu vẫn còn hiện tượng tận thu, tận dụng bìa bạnh, gốc gỗ pơ mu. Đối tượng khai thác dùng cưa máy hạ cây từ những năm trước đây, đã bị các đối tượng xẻ và vận xuất ra khỏi rừng, chỉ còn lại gốc và cành ngọn, hiện tại hiện trường chỉ còn lại bìa bạnh và một số hộp, thanh gỗ pơ mu bị vỡ nứt, không có hiện tượng khai thác mới.
Theo ông Phạm Văn Khiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên, thời gian qua, lực lượng Kiểm lâm đã bắt giữ được một số vụ về vận chuyển, cất giữ, chế biến gỗ pơ mu trái pháp luật xảy ra trên địa bàn. Tuy nhiên số vụ bắt được cũng chỉ phản ánh một phần thực trạng xảy ra trên địa bàn.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các huyện tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, nắm tình hình sâu sát hơn ngay từ nơi khai thác, vận chuyển, cất giữ trái phép gỗ pơ mu; đấu tranh kiên quyết với các trường hợp vi phạm, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật; đồng thời có giải pháp căn bản và lâu dài thực hiện ký kết biên bản bảo vệ rừng giáp ranh giữ các địa phương.
Ông Khiên cũng cho biết: Tới đây sẽ thành lập các tổ tuần tra rừng của các thôn bản trên cơ sở diện tích rừng đã giao để cộng đồng dân cư thôn bản nhận khoán lại; thường xuyên có hoạt động tuần tra tận gốc các khu rừng có phân bố cây pơ mu để quản lý chặt chẽ hơn.
Theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên: Cây pơ mu thường phân bố ở khu vực rừng núi cao, khoảng 1.000m so với mực nước biển trở lên, đường đi lại khó khăn. Do vậy, hoạt động tuần tra, đấu tranh ngăn chặn các hành vi khai thác tận thu gỗ pơ mu từ trên rừng rất khó khăn, không thể bố trí lực lượng thường xuyên túc trực ở trên rừng. Lực lượng Kiểm lâm địa bàn lại rất mỏng, bởi vậy, việc bảo vệ rừng cần sự chung tay của cộng đồng ở thôn bản. Có như vậy mới có thể ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác rừng trái phép diễn ra trên địa bàn.