Rừng nhiệt đới và 11 vấn đề đáng lưu tâm trong năm 2021

BVR&MT – 2020 là một năm đầy khó khăn đối với các nỗ lực bảo tồn rừng mưa nhiệt đới nhưng 2021 sẽ như thế nào?

Dưới đây là 11 vấn đề trọng tâm về rừng nhiệt đới trong năm Tân Sửu được nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Mongabay Rhett Butler đánh giá, bình luận.

Phục hồi hậu Covid-19

Đại dịch đặt ra những thách thức chưa từng có đối với công tác bảo tồn khi phá vỡ các mô hình sinh kế dựa vào du lịch sinh thái, gây khó khăn cho cộng đồng địa phương và các nhà nghiên cứu, buộc các tổ chức phi chính phủ rút khỏi các dự án thực địa, đẩy giá thành hàng hóa nhiệt đới tăng cao dẫn đến tình trạng phá rừng, đồng thời chuyển hướng tài trợ và trọng tâm từ việc thực thi luật môi trường sang ứng phó đại dịch.

Tại một số nơi trên thế giới, các biện pháp khởi động quá trình phục hồi kinh tế khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Peru cung cấp các gói kích thích cho các công ty liên quan đến khai thác gỗ bất hợp pháp. Indonesia thông qua dự luật bãi bỏ quy định và các chương trình khác có thể tạo điều kiện cho phá rừng trên diện rộng để trồng dầu cọ và mỏ than. Các quốc gia như Brazil hay Campuchia làm ngơ trước thực trạng xâm lấn và chặt phá rừng trái phép. Nhiều quốc gia vùng nhiệt đới đang triển khai các chương trình kích thích hậu đại dịch, trong đó thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn có nguy cơ gây hại cho môi trường, đồng thời nới lỏng hoạt động giám sát môi trường.

Một đoạn sông Javari trong rừng nhiệt đới Amazon. Ảnh của Rhett A. Butler

Tuy nhiên, các nhà bảo tồn cho rằng không nên quá bi quan. Một số báo cáo được công bố vào năm 2020 cho rằng sự phục hồi sau đại dịch COVID-19 là cơ hội duy nhất để chuyển đổi các hoạt động kinh doanh gây hại cho môi trường, bao gồm thoát vốn khỏi nhiên liệu hóa thạch, đầu tư vào các khu bảo tồn, hướng tới một xã hội công bằng hơn cho con người và hành tinh.

Bước sang năm 2021, chúng ta sẽ thấy sức ép trong cả hai cách tiếp cận trên khi các quốc gia vật lộn với các biện pháp phục hồi sau khủng hoảng.

Sự thay đổi giá cả các mặt hàng từ tháng 1 đến tháng 12 năm 2020 gây ra việc phá rừng ở vùng nhiệt đới. Dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới.

Một lĩnh vực khác mà chúng ta cần quan tâm trong chủ đề phục hồi sau đại dịch là sự ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế vĩ mô đến tỷ lệ phá rừng như đồng đô la suy yếu, dòng kiều hối đổ vào các nước nhiệt đới, tỷ lệ lạm phát và giá hàng hóa. Đại dịch đã tạo ra một dòng chảy dân cư lớn từ thành phố về nông thôn. Điều này có thể mang tính tạm thời nhưng nếu diễn ra trong thời gian dài sẽ gây ra tác động tiềm tàng đối với việc phá rừng liên quan đến hoạt động nông nghiệp tự cung tự cấp.

Sự chuyển giao quyền lực ở Mỹ

Donald Trump đã gạt Mỹ ra ngoài những nỗ lực hợp tác toàn cầu nhằm giải quyết các thách thức về môi trường, bao gồm việc rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Chính quyền Trump cũng cắt giảm các chính sách môi trường từ bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng đến quản lý các khu vực hoang dã, đồng thời phủ nhận thực tế của biến đổi khí hậu.

Tổng thống đắc cử Joe Biden với lời hứa đặt vấn đề khí hậu ở vị trí trung tâm trong chính sách của Mỹ đã tạo ra những hy vọng mới trong nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu. Điều này mở đường cho những mục tiêu khí hậu và đa dạng sinh học tham vọng hơn trên trường quốc tế với các chính sách đối nội mạnh mẽ hơn về môi trường, tiên phong phát triển nền kinh tế xanh hơn và hỗ trợ nhiều hơn cho các dự án bảo tồn quốc tế.

Phá rừng ở Indonesia

Từ quan điểm chính sách, 2020 là một năm thảm hại đối với những cánh rừng ở Indonesia. Dự luật tạo việc làm (Omnibus) được thông qua vào tháng 10 đã loại bỏ một số biện pháp bảo vệ mang tính pháp lý quan trọng đối với tài nguyên rừng của quốc gia này và dường như nó chỉ mang lại lợi ích cho riêng ngành công nghiệp khai thác và dầu cọ.

Hoàng hôn trên cánh rừng ở Sumatra, Indonesia. Nguồn ảnh: Rhett A. Butler

Thêm điểm đáng ngại là chính phủ Indonesia tiến hành song song hai chương trình “điền trang lương thực” và ủy thác nhiên liệu sinh học nhằm thúc đẩy việc chuyển đổi hàng triệu ha rừng và đất than bùn thành đồn điền. Nhiều ý kiến cho rằng chương trình “điền trang lương thực” có thể khiến lối vận hành theo hướng quân sự hóa trong nông nghiệp và lâm nghiệp quay trở lại với cái giá phải trả là cộng đồng địa phương và môi trường trong khi sự ủy thác nhiên liệu sinh học cũng có thể yêu cầu thiết lập các đồn điền cọ dầu mới có diện tích bằng ⅕ đảo Borneo. Sự ủy thác diezen sinh học sẽ tạo ra nhu cầu khổng lồ về dầu cọ mà không cần đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế trong việc tránh phá rừng hoặc lạm dụng quyền con người, chống lại các chính sách không phá rừng của doanh nghiệp và các hạn chế nhập khẩu của Liên minh châu Âu. Papua là tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hai chương trình này khi nhiều diện tích rừng nguyên sinh dự kiến ​​bị khai thác và chuyển thành đồn điền.

Brazil

Giai đoạn 2019-2020, Brazil chứng kiến 11.000 km2 rừng bị chặt hạ, mức cao nhất kể từ năm 2008. Thêm vào đó, chính quyền Tổng thống Bolsonaro đã đặt nền móng cho sự gia tăng dài hạn nạn phá rừng thông qua các dự án cơ sở hạ tầng mới, sự mục rỗng trong việc giám sát và quản lý tài nguyên thiên nhiên của các cơ quan có thẩm quyền, hủy bỏ một số luật môi trường cùng các cuộc tấn công pháp lý và khẩu chiến nhằm vào cộng đồng bản địa và xã hội dân sự. Mặc dù dữ liệu của chính phủ Brazil từ Viện nghiên cứu không gian (INPE) cho thấy tình trạng phá rừng chững lại vào cuối 2020 so với 2019 nhưng xu hướng phá rừng và cháy rừng ở Amazon vẫn rất đáng ngại.

La Niña

La Niña, kiểu khí hậu lạnh hơn El Niño, được dự báo sẽ hoạt động mạnh hơn vào năm 2021. La Niña thường liên quan đến điều kiện ẩm ướt hơn ở Indonesia và phần lớn rừng Amazon của Brazil, giúp làm giảm nguy cơ hỏa hoạn và hạn hán.

Tình trạng bất ổn của rừng nhiệt đới

Các nhà khoa học đã cảnh báo trong nhiều năm rằng rừng Amazon có thể đang tiến đến điểm tới hạn. Theo đó, một phần lớn quần xã sinh vật rừng nhiệt đới có thể trở nên khô hơn hoặc thậm chí biến đổi thành hoang mạc do sự kết hợp của biến đổi khí hậu, phá rừng và suy thoái rừng. Vào năm 2020, nhiều dấu hiệu cho thấy quá trình chuyển đổi này đã và đang diễn ra khi một số khu vực trải qua tình trạng khô hạn trên diện rộng, sự xuất hiện của các loài sinh cảnh khô trong các khu rừng mưa nhiệt đới và tỷ lệ cháy ngày càng tăng. Xu hướng khô cũng được quan sát thấy ở lưu vực Congo và một số khu vực ở Đông Nam Á.

Thỏa thuận carbon giữa các chính phủ

Chính phủ Thụy Sĩ và Peru đã ký một thỏa thuận bù đắp carbon theo Điều 6 của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào tháng 10/2020.Theo đó, Thụy Sĩ sẽ nhận được các khoản tín dụng carbon được tạo ra bằng cách tài trợ cho các dự án phát triển bền vững nhằm giảm phát thải khí nhà kính tại quốc gia Nam Mỹ. Riêng với Na Uy, quốc gia tuy không nhận được tín chỉ các-bon từ sáng kiến ​​khí hậu và rừng của mình nhưng vẫn tránh phát thải các-bon để làm cơ sở tài trợ cho rừng nhiệt đới, giúp gia tăng tỷ lệ chi trả của nước này cho các quốc gia nhiệt đới để bảo vệ rừng vào tháng 11.

Bước sang 2021, hãy cùng theo dõi nhiều loại hiệp định liên chính phủ cũng như xem xét những ý kiến đa chiều về việc bù đắp các-bon và “các phương pháp tiếp cận dựa trên thị trường” đối với việc bảo tồn rừng.

Rừng Amazon của Peru. Nguồn ảnh: Rhett A. Butler

Đánh giá tác động của Covid đối với rừng nhiệt đới

Với những tiến bộ trong khả năng xử lý dữ liệu và viễn thám, việc giám sát rừng vào năm 2020 đã tốt hơn so với trước đây. Tuy nhiên, do một số chậm trễ trong quá trình xử lý nên chúng ta chưa có một bức tranh toàn diện, rõ ràng về mức độ mất rừng năm 2020 so với 2019. Năm 2020 dường như là một năm có tỷ lệ mất rừng cao, song chúng ta sẽ chứng kiến những con số khả quan hơn trong quý I hoặc quý II năm 2021.

Dữ liệu vệ tinh sẽ được tăng cường cả về chất lượng và tính kịp thời vào năm 2021 sau khi chính phủ Na Uy tài trợ cho ba nhóm công nghệ giám sát vệ tinh là Kongsberg Satellite Services, Planet và Airbus để cung cấp quyền truy cập miễn phí hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao của vùng nhiệt đới.

Nhiều doanh nghiệp kết hợp rủi ro rừng vào quá trình ra quyết định

Các cam kết không phá rừng tự nguyện, cụ thể là các chính sách “Không phá rừng, Không đất than bùn và Không khai thác” đã được thực hiện vào những năm 2010. Tuy nhiên, theo phân tích được công bố vào năm 2020 bởi ZSL, các doanh nghiệp vẫn đang ở khoảng cách khá xa giữa lời nói và hành động.

Năm 2021, chúng ta sẽ thấy sự chuyển dịch từ các nỗ lực tự nguyện sang tuân thủ nghiêm các quy định của chính phủ. Chính phủ Anh đưa ra luật cấm các công ty lớn hoạt động ở nước này sử dụng hàng hóa được sản xuất từ ​​đất rừng bị phá bất hợp pháp. Năm 2019, Pháp cam kết dừng “Hàng nhập khẩu liên quan đến phá rừng” vào năm 2030, đồng thời áp dụng tinh thần này trong chiến lược quốc gia về chống nạn phá rừng nhập khẩu, tuyên bố ngừng nhập khẩu đậu nành từ Brazil”. Trong một cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 11, các cử tri ở Thụy Sĩ suýt bác bỏ Sáng kiến ​​kinh doanh có trách nhiệm vốn quy định các doanh nghiệp Thụy Sĩ như Nestlé hay Glencore phải chịu trách nhiệm pháp lý và tài chính đối với các vi phạm nhân quyền hoặc hủy hoại môi trường.

Ngay chính quyền của cựu Tổng thống Trump cũng xem xét các vấn đề liên quan đến hàng hóa có rủi ro từ rừng. Ngày 30/12/2020, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ bắt đầu tịch thu các sản phẩm dầu cọ do tập đoàn dầu cọ Sime Darby của Malaysia sản xuất vì những cáo buộc liên quan đến lao động cưỡng bức trong các đồn điền của đơn vị này.

Bọ ngựa rừng nhiệt đới ở Suriname. Nguồn ảnh: Rhett A. Butler

Những người bảo vệ môi trường đang bị đe dọa

2020 là một năm đặc biệt tồi tệ đối với những người bảo vệ môi trường khi hàng trăm người trong số họ bị đe dọa và giết hại ở nhiều quốc gia trên thế giới. Có rất ít dấu hiệu cho thấy tình hình có thể được cải thiện vào năm 2021 trước sự bùng phát của Covid và chính sách xử lý bất ổn tại các quốc gia. Tuy nhiên, 11 quốc gia ở Mỹ Latinh và Caribe đã ký Hiệp định Escazú nhằm gắn kết bảo vệ môi trường với quyền con người trong khu vực và Hiệp định sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2021.

Một vấn đề khác cần theo dõi trong năm 2021 là liệu phong trào giải quyết tình trạng bất công xã hội có hệ thống có thể củng cố những thành tựu đã đạt được trong năm 2020 hay sẽ phai mờ trong tâm trí của công chúng? Các cuộc biểu tình nổ ra sau cái chết của George Floyd ở Mỹ đã châm ngòi cho các phong trào trên khắp thế giới từ New Guinea đến Amazon nhưng không có gì đảm bảo đà phát triển các phong trào này có thể vượt qua sự đàn áp ở nhiều quốc gia hoặc sự trỗi dậy của đại dịch

Các cuộc họp chính sách quốc tế có trở lại đúng hướng?

Đại dịch khiến phần lớn các cuộc họp về khí hậu và đa dạng sinh học bị trì hoãn nhưng một số sự kiện tương tự có thể diễn ra trực tiếp vào năm 2021, phụ thuộc vào tiến độ triển khai vắc xin.

Rừng nhiệt đới Sungai Utik ở Tây Kalimantan, Indonesia. Nguồn ảnh: Rhett A. Butler.

Ngọc Hiền (Theo Mongabay)