Rừng đã xanh ở nơi từng là “điểm nóng”

BVR&MT – Từng là “điểm nóng” về xung đột, tranh chấp đất rừng đến đổ máu, nhưng nay cuộc sống của người dân ở tiểu khu 1500 và 1504 xã Quảng Trực, Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông đã hoàn toàn đổi khác. Người dân liên kết với doanh nghiệp, chính quyền cùng quản lý, bảo vệ rừng, cuộc sống ngày càng ổn định và màu xanh của rừng đã ngày một xanh hơn.

Người dân và nhân viên bảo vệ rừng của Công ty Nam Tây Nguyên, cùng tuần tra, bảo vệ rừng.

Từ xung đột đến bắt tay cùng phát triển

Tiểu khu 1500 và 1504 nằm giáp danh Vườn quốc gia Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Nơi đây từng xảy ra xung đột, tranh chấp đất rừng giữa người dân và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên.

Chở chúng tôi trên chiếc xe máy “đặc chủng” đã quấn dây xích quanh bánh xe, băng qua cánh rừng già toàn cây bằng lăng cổ thụ, những đồi cây điều xanh mướt dần hiện ra. Người dẫn đường bảo với chúng tôi, diện tích cây điều này là do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên (Công ty Nam Tây Nguyên) giao đất, cấp cây giống cho 69 hộ dân tiểu khu 1500 và 1504 trồng năm 2018, nhằm mục đích tạo thêm sinh kế cho dân.

Ông Điểu Krông (sinh năm 1952), là một trong những người lớn tuổi nhất của cụm dân cư này. Ông Điểu Krông kể: ông sinh ra và lớn lên ở xã Quảng Trực, những năm 80 của thế kỷ trước, ông theo bố mẹ đi phát rừng, tỉa lúa tại tiểu khu 1500 này. Sau đó, gia đình ông nhập hộ khẩu về bon Bù R’Nga, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.

Mặc dù vậy, ông và nhiều hộ dân khác bon Bù R’Nga và bon Đắk Á, xã Bù Gia Mập vẫn canh tác trên khu đất đã khai hoang trước đây ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Cũng chính điều đó đã làm nảy sinh xung đột, tranh chấp khi Công ty Nam Tây Nguyên thu hồi toàn bộ diện tích đất vào năm 2013, có những lần va chạm đổ máu.

Ông Điểu Krông chăm sóc vườn điều 4ha của gia đình, trong đó có 1ha điều cho thu hoạch.

“Hai bên tranh chấp căng thẳng lắm! Chủ rừng thì cho rằng đất của người dân khai phá thuộc quản lý của Nhà nước, còn người dân lại một mực khẳng định, mảnh đất ấy họ đã canh tác vài chục năm nay. Hai bên giằng co đất, cây rừng được trồng chiều hôm trước, sáng hôm sau đã bị nhổ sạch. Đời sống người dân gặp vô vàn khó khăn vì thiếu đất sản xuất”, ông Điểu Krông nói.

Nhiều năm xung đột hai bên đều gặp khó, năm 2018 người dân và chủ rừng ngồi lại với nhau bàn cách hóa giải và thống nhất liên kết cùng nhau sản xuất, bảo vệ rừng. Người dân được canh tác trên một phần diện tích đất của Công ty Nam Tây Nguyên và còn được công ty hỗ trợ nguồn giống, để người dân trồng cây nông lâm kết hợp.

Nhờ làm tốt công tác giao đất, giao rừng, liên kết trồng rừng, mà từ đó đến nay đời sống của người dân hai bon Bù R’Nga và Đắk Á dần ổn định, rừng cũng được quản lý, bảo vệ tốt hơn.

Nhờ việc liên kết giữa doanh nghiệp và người dân cánh rừng già phái Nam Tây Nguyên này giữ được vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên.

Rừng mãi xanh, người dân no ấm

“Bây giờ thì khác rồi! Năm nay, điều được thu hoạch rồi, 69 hộ dân từng tranh chấp rừng đã khá hơn. Bà con không chỉ đủ ăn, đủ mặc mà còn sắm được cả tivi, tủ lạnh, nhiều gia đình còn mua được cả xe máy, máy cày phục vụ đi lại, sản xuất. Tất cả trẻ em độ tuổi đến trường đều được đi học”, ông Điểu Krông chia sẻ.

Dẫn chúng tôi dạo quanh vườn điều xanh ngát, ông Điểu Krông bảo: trước đây, bà con trồng điều giống cũ, chất lượng không đồng đều. Từ khi liên kết, Công ty Nam Tây Nguyên cấp giống, bà con từng bước thay thế vườn điều cũ, từ đó cải thiện được cả chất lượng và sản lượng cây trồng. Trong 4 ha điều của gia đình ông, có 1ha điều năm nay đã cho thu được gần 5 tạ. Toàn bộ số tiền bán điều, tôi tiếp tục đầu tư, chăm sóc vườn cây. Khoảng 2 năm nữa điều, vườn điều sẽ cho gia đình ông nguồn thu ổn định.

Sau “thỏa hiệp” giữa các bên năm 2018, có 69 hộ dân được liên kết trồng rừng kinh tế, với diện tích 87ha. Đến nay, toàn bộ diện tích liên kết trồng rừng đã được phủ xanh toàn bộ cây nông lâm kết hợp là cây điều.

Bên cạnh việc sản xuất ổn định ở vườn cây liên kết, cộng đồng hai bon Bù R’Nga và Đắk Á còn có thêm nguồn thu nhập từ việc liên kết khai thác mủ cao su của Công ty Nam Tây Nguyên. Ngoài ra, còn có hơn 500ha rừng được 5 hộ dân thuộc cộng đồng 2 bon Bù R’Nga, Đắk Á quản lý, bảo vệ, với tiền dịch vụ môi trường rừng người dân được hưởng là 150 triệu đồng/năm.

Anh Điểu Cương cho biết: Hàng tháng nhận cạo mủ cho hơn 1ha cao su của Công ty Nam Tây Nguyên. Công việc bắt đầu từ 3h đến 7h sáng hàng ngày, mang lại cho Điểu Cương thu nhập hơn 11 triệu đồng/tháng. Trừ đi chi phí sinh hoạt, ăn uống hàng ngày, tiền lương của anh nuôi được 2 con đang đi học. Ngoài thời gian cạo mủ, vợ chồng anh còn chăm sóc vườn điều 3 tuổi.

Ông K Bốt, nguyên Bí thư Huyện ủy Tuy Đức (thứ 2 bên trái) trở lại “điểm nóng” năm xưa, thăm vườn điều của dân.

Nguyên Bí thư Huyện ủy Tuy Đức K’Bốt là người dẫn đầu đoàn công tác, thường xuyên có mặt tại “điểm nóng” tranh chấp ở hai tiểu khu 1500 và 1504 nắm tình hình, vận động và giải thích cho người dân hiểu, nhờ làm tốt công tác dân vận, giải quyết hài hòa những khúc mắc mà xung đột, tranh chấp dần được khắc phục.

Chia sẻ với phóng viên, ông K’Bốt nói, nhờ cách làm liên kết vừa phối hợp giữ rừng, vừa hỗ trợ phát triển kinh tế mà mối quan hệ giữa người dân, chủ rừng và chính quyền địa phương thêm gắn kết vững chắc hơn. Minh chứng là gần 5 năm qua, tình trạng xung đột, tranh chấp không còn nữa, an ninh trật tự tại 2 tiểu khu luôn được giữ vững.

“Sau khi phối hợp với công ty quản lý, bảo vệ rừng, tính ra, 69 hộ dân trong vụ tranh chấp năm xưa đang sống tại 2 bon Bù R’Nga, Đắk Á lại có nhiều nguồn thu nhập. Còn công ty đã thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế rừng bền vững, ổn định đời sống đồng bào DTTS tại chỗ trên địa bàn xã Quảng Trực. Vậy là được một công đôi ba việc rồi”, ông K’Bốt đánh giá.

Từ những nỗ lực, cố gắng của cả chính quyền, doanh nghiệp và người dân, đến nay xã Quảng Trực đã có nhiều khởi sắc. Hệ thống giao thông, đường điện và nước sinh hoạt đến từng buôn; trường học, trạm xá xã đạt chuẩn.

Điều đặc biệt, đời sống người dân đã cải thiện rõ rệt. Nếu như 20 năm trước, địa phương này có hơn 90% hộ đối, nghèo, trong đó đồng bào dân tộc M’nông 100% đói nghèo thì nay tỷ lệ hộ nghèo giảm gần một nửa.

Năm 2022, xã Quảng Trực đặt ra mục tiêu giảm 3-5% hộ nghèo, riêng đồng bào DTTS giảm 5-10%. Kinh tế từng bước phát triển, nơi đây cũng dần xuất hiện những nông dân làm kinh tế giỏi như Điểu Sra ở bon Bu Dăr, mỗi năm thu lãi 200-300 triệu đồng từ 7ha cà phê xen hồ tiêu…