Rực rỡ sắc xuân của người Mông trên vùng đất cách mạng Tây Bắc

BVR&MT – Phải chăng vì nơi đây hoa mơ, hoa mận nở sớm mà mùa xuân cũng thường chạm vùng đất cách mạng Điện Biên ở độ tươi mới mơn man nhất. Xuân nơi đây luôn có sức hấp dẫn kỳ lạ, cuốn dòng người phải chạy theo sức sống mới ấy.

Hàng năm, mỗi dịp xuân về, có cơ hội được ghé thăm Điện Biên – mảnh đất anh hùng, nơi ghi dấu chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của dân tộc Việt Nam trước thực dân Pháp xâm lược, du khách sẽ được đắm chìm trong bức tranh sống động với những gam màu bắt mắt từ những bộ trang phục của đồng bào nơi đây, thưởng thức ẩm thực và đắm chìm trong những hoạt động văn hóa hấp dẫn.

Văn hóa đặc sắc

Điện Biên là nơi hội tụ sinh sống của 21 dân tộc anh em (Thái; Mông; Kinh; Dao; Khơ Mú; Hà Nhì; Lào; Hoa (Hán); Kháng; Mường; Cống; Xi Mun; Si La; Nùng; Phù Lá; Thổ; Tày; Sán Chay và dân tộc khác). Mỗi dân tộc sẽ có những phong tục, tập quán và cách đón tết cho riêng mình.

Trong những ngày lễ hội đầu Xuân, đông bào dân tộc Mông thường hòa mình trong những làn điệu dân ca mừng xuân, mừng đất nước, mừng cuộc sống mới tươi đẹp; những điệu múa khèn mạnh mẽ, uyển chuyển, điệu múa ô duyên dáng, trữ tình.

Chiếm 1/3 dân số nơi đây, đồng bào dân tộc Mông ở Điện Biên cư trú ở hầu hết các huyện, nhưng tập trung nhiều nhất là ở Tủa Chùa, Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Chà, Tuần Giáo, Mường Nhé và Nậm Pồ. Dân tộc Mông được chia thành 5 ngành: Mông trắng (Môngz Đơư), Mông Hoa (Môngz Lênhs), Mông đỏ (Môngz Si), Mông Đen (Môngz Đuz), Mông Xanh (Môngz Dua).

Theo phong tục truyền thống, xét về tổ chức cộng đồng của người Mông, khi người Mông gặp nhau, câu hỏi đầu tiên là mang họ gì, nếu đã là người cùng mang tên họ giống nhau thì nam, nữ cấm tuyệt đối không được lấy nhau, họ đều coi là có chung tổ tiên, coi nhau như anh em ruột thịt cùng họ hàng, có thể sinh con hoặc chết ở nhà người cùng họ. Lúc nguy nan phải cưu mang giúp đỡ lẫn nhau. Từng dòng họ có thể cư trú quây quần thành một cụm, trưởng họ là người có uy tín, đảm nhiệm công việc trong dòng họ.

Đón tết sớm một tháng

Tết Nào pê chầu là dịp để các gia đình thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với tổ tiên, trời đất đã phù hộ cho mùa màng bội thu, con cháu có sức khỏe, cuộc sống bình yên qua đó cầu mong năm mới cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tết đến sớm trên bản Mông bởi người dân nơi đây sẽ đón tết “Nào pê chầu” – hoạt động văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. Nào Pê Chầu có nghĩa là: “Ăn tết ngày 30” (theo lịch dương của người Kinh). Tết Nào Pê Chầu diễn ra mỗi năm một lần. Theo quan niệm của người Mông, 30 tết là ngày diễn ra các nghi lễ chính để bước sang một năm mới. Đây là khoảng thời gian nghỉ ngơi, đoàn tụ gia đình, thôn, bản để cùng nhau ôn lại và trao đổi kinh nghiệm sau một năm lao động sản xuất, tô đậm tình đoàn kết trong cộng đồng.

Mỗi dip xuân về người Mông huyện Điện Biên Đông lại nô nức xem Hội đấu bò truyền thống.

Những ngày này cả họ sẽ tập trung tại nhà trưởng họ và làm lễ “Lwm sub” hay “lử sú” để tiễn đưa những chuyện không tốt ở quá khứ đi và đón 1 năm mới tốt đẹp. Mọi người sẽ đi quanh một cây tre có một sợi dây bằng cỏ gianh buộc 1 góc 45 độ từ ngọn đến đất để mọi người đi quanh. Sau đó trưởng họ sẽ cho mọi người uống nước từ một cái gáo để cầu mong năm mới. Tiếp đó mọi người về nhà riêng, mỗi nhà bắt 2-3 con gà để hu plig( gọi hồn). Buổi hu plig có cả gà cả trứng, xong lễ hu plig thì luộc trứng phát cho trẻ con, người trong nhà ăn. Ai bóc trứng mà vỏ trứng không dính lại đc tính là hồn đã về, suôn sẻ. Cuối cùng là mở tiệc đi chúc tụng từng nhà và đón khai xuân vào ngày hôm sau.

Với đồng bào dân tộc Mông cây khèn như một “báu vật”, gắn liền với đời sống tinh thần. Tiếng khèn là sợi dây tâm linh nối người sống với người đã khuất, là cây cầu bắc lời tỏ tình đôi lứa, là những câu chuyện được kể bằng giai điệu.

Hội ném pao – Nơi trao tình

Trong số những hoạt động vui chơi ngày tết có đánh tù lu, kéo co, đá bóng thì ném pao là một trò chơi không thể thiếu trong những dịp tết. Với đồng bào Mông, quả pao như không có tuổi, gắn bó với họ suốt cuộc đời và nó còn như một “linh vật” minh chứng cho tình yêu đôi lứa.

Ném Pa pao được xem là trò chơi dân gian truyền thống đã trở thành hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng có ý nghĩa nhân văn cao đẹp của dân tộc H’Mông ở Tây Bắc nói chung và ở Điện Biên nói riêng.

Khi ném pao, họ bắt đầu trò chuyện và “ném” cho nhau những ánh mắt yêu thương, những nụ cười yêu thương và duyên dáng. Khi một cặp đôi nảy sinh tình cảm với nhau, họ “hẹn hò” trong chuyến du xuân. Lúc đầu họ chỉ chơi cho vui với nhau theo từng nhóm. Rồi sau đó đôi nam nữ nào thích nhau họ sẽ ném quả Pao cho nhau, cứ ném qua, ném lại hàng giờ, hàng ngày mà không biết chán. Khi ném Pao cũng là lúc trao nhau tình cảm. Khi người con trai cảm mến cô gái thì giữ quả pao, tạo cớ đến nhà, hay tìm gặp bằng được cô gái để bày tỏ tình cảm. Khi thấy hợp nhau họ cùng hẹn hò và trở thành vợ chồng. Đây chính là nét đặc sắc, tính nhân văn của trò chơi dân gian ném pao.

Cũng phải nói thêm rằng, khi họ cùng ném pao thường là mối tình đầu, vì những lý do nào đó mà chàng trai, cô gái không đến được với nhau, thì ném pao sẽ trở thành hoài niệm, khắc khoải trong suốt cuộc đời của mỗi người. Đây là một trong những hoạt động truyền thống của người dân tộc Mông và xuất hiện thường trực trong các dịp lễ của đồng bào.

Trang phục đặc sắc, đa dạng

Tỉnh Điện Biên có 21 dân tộc anh em cùng chung sống. Mỗi dân tộc lại có tiếng nói, chữ viết và trang phục mang bản sắc riêng. Những chiếc váy thêu cầu kỳ, như đóa hoa rừng rực rỡ của chị em phụ nữ người Mông, khiến cho họ trở nên nổi bật hơn trên nền xanh bao la của rừng núi. Màu sắc mạnh mẽ của trang phục, cũng phản ánh khá rõ tính cách quyết liệt của một dân tộc chưa bao giờ khuất phục trước thiên nhiên hoang dã, mặc dù điều kiện sống của người Mông ở những vùng núi cao luôn rất khó khăn.

Những bộ trang phục sặc sỡ với nụ cười giòn tan của thiếu nữ 18 khiến bao du khách mê say.

Tỉ mỉ thêu nên những nét hoa văn tinh tế, người phụ nữ Mông đã mang cả núi rừng vào từng đường kim, mũi chỉ. Từng nét hoa văn đã in sâu trong trí nhớ các cô gái người Mông, như cuộc sống mộc mạc và bình dị đang diễn ra quanh họ. Chiếc váy thêu của người phụ nữ dân tộc Mông có lẽ là một trong số không nhiều di sản văn hóa vật thể còn lại, của một cộng đồng người từng trải qua nhiều cuộc thiên di. Tuy nhiên, theo thời gian và sự vận động của cuộc sống, nó đã và đang chịu tác động của những đổi thay.

Mỗi dân tộc lại có riêng cho mình những ngày lễ khác nhau với ý nghĩa đặc sắc riêng có, tạo nên kho văn hóa đa dạng cho tỉnh Điện Biên nói riêng và Việt Nam nói chung.

Cái rét ngọt của miền núi rừng vùng biên viễn đang phủ khắp các bản làng. Những ngày cuối cùng của năm, có điều gì đó vừa quen vừa lạ. Vẫn cái dáng dấp bình lặng và huyền bí ngàn đời của non cao vực sâu, của gió núi mây ngàn, của tiếng nói cười lao xao va vào vách núi rồi vọng về thung lũng. Nhưng, còn có điều gì đó thật khó nắm bắt, chỉ cảm giác như nó đang cựa mình, đang thao thức, đang thì thầm đòi thức dậy, khởi đầu cho một năm mới. Hình như, đó là tiếng xuân đi từng nhịp rất nhẹ qua chồi non lộc biếc, trên cung đường biên mùa hoa đào bung nở sắc xuân. Rồi nhựa sống đó lại là chỗ để những cánh hoa ban khoe sắc vào độ tháng 3.

Tết Nguyên đán 2022, tỉnh Điện Biên dự kiến tổ chức chương trình nghệ thuật chào đón giao thừa sẽ diễn ra từ 22h30 ngày 31/01 (tức đêm 30) tại Quảng trường 7-5 như mọi năm và các hoạt động giao lưu hội xuân sẽ diễn ra ngày 03/02 (tức mùng 3 Tết) tại Sân hành lễ Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở Thông tin Truyền thông sẽ phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh chỉ tổ chức truyền hình trực tiếp Chương trình nghệ thuật vào tối 31/12/2021 và 31/01/2022 tại Trung tâm Hội nghị Văn hóa tỉnh và tạm dừng các hoạt động giao lưu, biểu diễn tại Sân hành lễ Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ.


Hà Linh