Rùa mái nhà Myanmar thoát án tuyệt chủng: Chưa thể ru ngủ trên chiến thắng

BVR&MT –  Giới bảo tồn không mấy khi có tin tốt lành. Nhưng với rùa mái nhà Myanmar – một loài rùa sông châu Á khổng lồ có khuôn mặt luôn mỉm cười ngốc nghếch một cách tự nhiên thì họ có lý do để ăn mừng.

Chỉ 20 năm trước, loài này được cho là đã tuyệt chủng. Nhưng sau khi tái phát hiện được một số ít cá thể còn lại, các nhà khoa học đã tăng quần thể lên gần 1.000 trong điều kiện nuôi nhốt, một số cá thể thậm chí được thả vào tự nhiên thành công ở Myanmar trong 5 năm qua.

Rùa mái nhà Myanmar non. (Ảnh: Myo Min Win/WCS Myanmar)

Nhà nghiên cứu động vật bò sát Steven G. Platt thuộc WCS cho biết: “Chúng ta suýt mất chúng. Nếu chúng tôi không can thiệp thì loài rùa này đã không còn nữa”.

Rùa thuộc nhóm động vật phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng cao nhất với hơn 1/2 trong số 360 loài trên hành tinh được xếp loại bị đe dọa. Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất là với các loài rùa châu Á vốn bị ảnh hưởng bởi mất sinh cảnh và bị săn bắt ráo riết cao để ăn, làm thuốc và nuôi làm cảnh.

Rùa mái nhà Myanmar cũng phải đối mặt với thực tế đó. Những cá thể rùa từng sống thành đàn từ cửa sông Irrawaddy ở phía nam Yangon – thành phố lớn nhất Myanmar và trải đến tận Bhamo ở phía bắc đất nước. Rùa cái – lớn hơn đáng kể rùa đực có thể to hơn kích thước một chiếc bánh lái trong khi rùa đực đổi màu sắc theo mùa sinh sản khi chiếc đầu thường xanh chuyển sang màu vàng nhạt với những mảng đen đậm.

Rùa mái nhà Myanmar đực. (Ảnh: Rick Hudson/TSA)

Vào giữa thế kỷ 20, áp lực đánh bắt gia tăng và nạn đặt bẫy bừa bãi đã giết chết nhiều cá thể rùa trưởng thành trong khi tình trạng thu hoạch quá nhiều trứng khiến quần thể không thể tự bổ sung.

Tuy nhiên, trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học phương Tây không biết rùa mái nhà Myanmar sinh sống như thế nào do nước này đóng cửa biên giới với người nước ngoài. Khi Myanmar bắt đầu mở cửa trở lại vào những năm 1990, giới nghiên cứu không thể tìm thấy dấu vết của rùa mái nhà. Nhiều người cho rằng loài này đã tuyệt chủng.

Tuy nhiên, vào năm 2001, một người dân sống trong vùng chiến sự cũ trao cho TS. Platt một chiếc mai rùa mái nhà. Tin xấu là con rùa mới bị ăn thịt. Tin tốt là loài này vẫn chưa bị tuyệt chủng, làm dấy lên hy vọng.

Cùng lúc, một mẫu vật sống xuất hiện tại một khu chợ ở Hồng Kông và sau đó được một nhà sưu tập người Mỹ mua.

Chủ tịch Turtle Survival Alliance Rick Hudson cho biết: “Khi loài này xuất hiện trong một cửa hàng thú cảnh ở Hồng Kông, rất nhiều người chú ý. Có một số thương nhân địa phương buôn lậu rùa sao khỏi Miến Điện vào thời điểm đó, vì vậy chúng tôi chỉ cho rằng loài này cũng bị những thương nhân đó buôn lậu”.

Được khuyến khích bởi những tiến triển này, nhà sinh vật học hiện Gerald Kuchling thuộc Đại học Tây Úc thu xếp được một chuyến thám hiểm chung với Cục Lâm nghiệp Myanmar để khảo sát thượng nguồn sông Chindwin – nơi một đoàn thám hiểm người Mỹ vào những năm 1930 tìm được rùa mái nhà Myanmar.

Dùng radio đo lường từ xa ở bờ sông Chindwin để giám sát chuyển động của rùa khi được thả về môi trường tự nhiên. (Ảnh: Steven Platt/WCS)

Khi mùa mưa trút xuống Mandalay, TS. Kuchling giết thời gian bằng cách đến thăm ao nuôi rùa tại một ngôi đền Phật giáo. Đang phóng tầm mắt ra mặt nước đục ngầu, ông chợt thấy ba cái đầu hình mặt cười trồi lên. Chúng rất giống những bức ảnh về rùa mái nhà Myanmar ông từng thấy trong các catalog lịch sử tự nhiên cũ.

TS Kuchling trở lại vào ngày hôm sau và dùng cỏ dụ ba con rùa vào bờ ao. Chỉ trong vài giây trước khi bảo vệ yêu cầu tránh xa những con vật, ông xác nhận rằng chúng thực sự là loài đã biến mất từ lâu.

“Tôi rất vui mừng và cực kỳ kinh ngạc”.

TS. Kuchling và các đồng nghiệp người Myanmar làm việc với hội đồng quản lý ngôi đền để chuyển những cá thể rùa quý hiếm (1 cá thể đực và 2 cá thể cái) đến vườn thú Mandalay.

Vận may chỉ mới bắt đầu. TS. Kuchling tìm thấy thêm một số cá thể ở sông Dokhtawady (dòng nhánh sông Irrawaddy) và thu xếp chuyển đến vườn thú Mandalay. Thời điểm thật may mắn: một dự án xây dựng đập lớn ngay sau đó phá hủy mọi sinh cảnh thích hợp cho các loài rùa trong khu vực làm tổ.

Khi TS. Kuchling đến được thượng nguồn sông Chindwin, các ngư dân người Shan xác nhận rằng một số vài cá thể cái vẫn làm tổ ở đó vào mỗi mùa khô.

Thay vì bắt rùa ở thượng nguồn sông Chindwin, TS. Kuchling phối hợp với Cục Lâm nghiệp và WCS nhằm thiết lập một chương trình quản lý bảo tồn để hàng năm thuê dân làng gần đó rào lại bãi biển, theo dõi rùa cái làm tổ và lấy trứng một cách cẩn thận. Sau đó, Turtle Survival Alliance chung tay hỗ trợ người dân.

Khoảng 1.000 cá thể rùa mái nhà Myanmar vốn nở từ trứng đẻ trong tự nhiên và trong điều kiện nuôi nhốt hiện đang sống tại ba cơ sở ở Myanmar. Năm cá thể rùa cái hoang dã cũng tiếp tục quay lại bãi cát ở sông Chindwin để đẻ trứng.

Không ai biết còn lại bao nhiêu rùa đực hoang dã nhưng vào năm 2015, rùa cái đều không đẻ được trứng có khả năng sinh sản. Sau khi các nhà nghiên cứu thả 50 cá thể rùa khỏi nơi nuôi nhốt, cả 5 cá thể rùa cái hoang dã bắt đầu sinh ra những con non có thể sinh tồn, bao gồm cả một cá thể chưa từng đẻ trứng.

Người dân xếp hàng ở sông Chindwin để thả rùa. (Ảnh: Steven Platt/WCS)

Rùa mái nhà Myanmar không còn trong nguy cơ tuyệt chủng hoàn toàn nhưng TS. Platt cảnh báo các hoạt động đánh bắt không bền vững vẫn là trở ngại với sự phục hồi trong tự nhiên của loài này: “Tôi không cho rằng chúng ta có thể giương cao ngọn cờ thành công trong sự nghiệp làm việc của tôi”.

Giới khoa học vẫn chưa hiểu đầy đủ về sinh học và sinh thái của rùa. Mới đây, nhóm của TS Platt công bố mô tả đầu tiên về rùa mái nhà Myanmar non. Thiếu kiến thức cơ bản gây khó khăn cho việc xác định cần bảo vệ khía cạnh nào của môi trường để loài này có thể tồn tại trong tự nhiên.

Hơn hết, Hudson tự hào: “Đây là một trong những thành công bảo tồn rùa cấp toàn cầu tốt nhất mà chúng ta được thấy”.

Nhật Anh (Theo New York Times)