Rau sắng chùa Hương – Đặc sản của núi rừng

BVR&MT – Rau sắng là một loại rau nổi tiếng của chùa Hương. Loại rau đi từ thơ ca đến đời sống thực này đã và đang trở thành sản phẩm hàng hóa đại trà đem lại thu nhập cao cho người dân xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức (TP. Hà Nội).

Muốn ăn rau sắng chùa Hương

Xuất hiện trong bài thơ tự tình của Tản Đà: “Muốn ăn rau sắng chùa Hương/ Tiền đồ ngại tốn, con đường ngại xa”, loại rau này tạo nên một giai thoại trong làng văn chương Việt Nam. Giữa chốn “Nam thiên đệ nhất động” nơi chan hòa non xanh nước biếc người ta mới thấm được sự hấp dẫn ngọt ngào của loại rau quý này.

Chỉ cần nấu rau sắng với nước, thêm chút muối là có bát canh ngọt ngào, tinh khiết

Rau sắng có nhiều ở vùng chùa Hương (Hà Nội) và một số khu vực thuộc núi rừng Tây Bắc, Đông Bắc, nhưng rau sắng chùa Hương nổi tiếng khắp nơi nhờ vào sự phát triển của du lịch và tôn giáo.  Gọi là “rau” nhưng rau sắng không phải loại cây thân mềm như rau cải, rau diếp, rau muống… mà lại thuộc loại họ mộc, thân cao và to, chỉ mọc trên vùng núi đá vôi mà không hợp với một vùng thổ nhưỡng nào khác.

Rau sắng sử dụng lá non, đọt thân, hoa và quả để chế biến. Người dân vùng này cho biết, chỉ cần nấu rau với nước, thêm chút muối, chỉ cần vậy là có bát canh ngọt ngào, tinh khiết. Hoặc nấu cùng với cá, thịt lợn… cũng dậy lên vị ngon đặc biệt.

Rau sắng thường sinh trưởng trên những vách đá của núi đá vôi có độ cao khoảng 100 – 200 m trở lên (so với mặt nước biển).

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Thướng – Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Hương Sơn: “Rau sắng cũng có ở trên những vách đá của núi đá vôi có độ cao khoảng 100 – 200 m trở lên (so với mặt nước biển), có ở các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn,…nhưng có lẽ do thổ nhưỡng, khí hậu cũng như nguồn gốc nên chỉ có ở chùa Hương thì vị của rau mới ngọt, tinh khiết mà không thể nơi nào có được”.

Ổn định kinh tế

Hiện cả xã Hương Sơn có khoảng 70 ha rau sắng, trong đó có trên 40 ha mọc tự nhiên và 30 ha được bà con trồng dưới tán lá cây rừng. Với lợi thế từ lượng khách du lịch đổ về chùa Hương mỗi năm hơn 1,5 triệu người, cùng sự hỗ trợ của Hợp tác xã nông nghiệp Hương Sơn đã góp phần đưa rau sắng trở thành một điểm nhấn đặc biệt ở chùa Hương.

Gia đình anh Lê Văn Kít (thôn Phú Yên, xã Hương Sơn) canh tác cây rau sắng được hơn chục năm với hơn 2 ha. Từ ngày chuyển đổi cây ăn quả sang trồng cây rau sắng, thu nhập của gia đình phát triển và ổn định hơn. Giá bán vào những đợt đỉnh điểm giao động từ 400.000 – 500.000 đồng/kg.

Gia đình anh Lê Văn Kít (thôn Phú Yên, xã Hương Sơn) có khoảng 2 ha rau sắng cho thu nhập ổn định.

Theo anh Kít chia sẻ, đợt dịch Covid – 19 hiện tại cũng ảnh hưởng nhiều đến tình hình sản xuất. Cấm lễ hội, khách cũng ít nên giá bán cũng giảm. Tuy nhiên vẫn cho thu nhập cao hơn so với các loại cây mà trước đây gia đình trồng. Nay giá bán rau sắng giao động từ 150.000 – 200.000 đồng/kg, một vụ thu về khoảng 75 triệu đồng. 

Việc trồng cây rau sắng có nhiều thuận lợi so với cây ăn quả. Ngoài việc đỡ sâu bọ, công chăm sóc thì trên diện tích trồng sắng, gia đình còn có thể trồng thêm nhiều loại cây ăn quả hay cây lấy gỗ như mít, xoan… “Đặc tính sống theo tán lá rừng, nếu mình trồng được nhiều cây có tán lá rộng sẽ giúp cho cây sau sắng đỡ nắng, cây phát triển được tốt hơn. Gia đình tôi cũng thu hoạch được loại cây hoa quả khác như cây mít Thái, đu đủ… để tăng thêm thu nhập”, anh Kít cho hay.

Cán bộ Hợp tác xã nông nghiệp Hương Sơn thu hoạch rau sắng cùng bà con.

Món quà quý của thiên nhiên ban tặng cho vùng đất nơi này đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Rau Sắng Chùa Hương” vào ngày 10/7/2018. Việc gắn nhãn rau sắng chùa Hương không chỉ đơn thuần giúp bà con mở rộng thị trường, ổn định kinh tế mà nó còn trở thành điểm nhấn để quảng bá cho du lịch Hương Sơn.

Hà Linh