Rao bán của rừng

BVR&MT – Chuối hạt từ 30 – 50 nghìn đồng/kg, mật ong rừng 500 nghìn đồng/chai, thịt lợn rừng 250 nghìn đồng/kg. Và ếch, cua đá, sâm cau, các loại thuốc dân gian đầy đủ chủng loại. Nhiều nhất là hoa phong lan. Tất cả của rừng được rao bán khắp các huyện miền núi của tỉnh Quảng Trị …(!?).

Rủ nhau đi lấy của… rừng

Những sản vật kiếm được từ rừng, đồng bào Vân Kiều huyện Đắk Rông đem xuống đường bày bán để kiếm miếng ăn.

Bất chấp mặt hàng có bị cấm hay không thì người bán hàng vẫn bày ra mời khách cùng với nụ cười tươi như hoa. Qua gần một tuần rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẹp, chúng tôi thấy rằng các tụ điểm rao bán của rừng nổi tiếng nhất Quảng Trị đó là đường Lê Quý Đôn (TP Đông Hà), quốc lộ 9 (đoạn xã Đắk Rông và xã Hướng Hiệp, huyện Đắk Rông), thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa).  Hồ Văn P., hiện ở tại Đắk Rông, tốt nghiệp đại học hẳn hoi nhưng không kiếm được việc làm. Sau mấy năm gà gật với chiếu rượu, nhìn cảnh vợ con nheo nhóc P. quyết định theo gót chân ông cha vào rừng. P. chọn cho mình một công việc mà theo chúng tôi, cực kỳ nguy hiểm – đi lấy mật ong. P. tâm sự rằng “mỗi năm có một mùa mật ong, lấy được nhiều vào dịp cuối tháng 3 và sang tháng 4, mùa này em kiếm được tiền, vợ có ăn, con có mặc. Mật ong rừng mỗi chuyến đi kiếm được vài chai, có khi gần mười chai”.  Những cây cổ thụ cao vun vút nằm cheo leo bên vách đá, tổ ong nằm lủng lẳng trên cao. Chưa lúc nào chúng tôi cảm nhận được miếng cơm manh áo lại treo ngược trên cành cây đến thế, nó xa vời, cay đắng, nhọc nhằn, khốn khó. Và những người như P., như A., như D.,… phải bắc thang để nhặt “cơm” từ trên cành cây. Chợt nhớ câu nói của ông cha “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. Thì ở đây không dừng lại ở đấy, P. bảo rằng “lấy ong không khéo là ngã mất mạng, cũng có người bị gãy xương nằm hàng tháng, lấy từ rừng miếng cơm manh áo bao nhiêu năm lại trả trong vòng vài tháng trời, khổ trắng mắt”.  Còn với anh Hồ Văn D., nhà anh có ba thế hệ đi lấy mật ong rừng. D. thành thạo từng công việc: cuốn vỏ tràm, hun khói, bắc thang, cắt mật… mà vẫn bị ong rừng tiến công suýt mất mạng. D. kể rằng: “Năm 2013, em cùng hai người trong bản vào rừng kiếm mật ong. Hôm đó xui, dây bó tràm bị đứt, mồi khói rớt xuống đất, ong bay tung tóe và đốt liên hồi. Trụt xuống từng nấc thang một trong khi trên người ong bu đen, về nhà tưởng chết vì em bị dị ứng với mật ong, độc ong thì càng tệ. Không ngờ mình sống, mấy hôm nằm ốm nghĩ buồn. Để kiếm cái ăn như lăn vào cái chết…”.  Khắp núi rừng Trường Sơn, ngày cũng như đêm, người người vào rừng sục sạo, tìm kiếm kế sinh nhai. Ban ngày là mật ong, măng rừng, phong lan, sâm cau… tối đến mò cua, bắt ốc, đánh cá. Trên Km 16, từ cầu treo Đắk Rông đi A Bung, chúng tôi được dịp chứng kiến cảnh đánh cá trong đêm tối. Hồ Văn Tr. ở Ba Nang tâm sự: “Bọn em đi từ 4 giờ chiều, sang đây chuẩn bị mọi thứ để đêm đánh cá. Làm để gia đình có cá ăn, nhiều hơn chút thì bán. Đánh được cá chình thì may to, cá này đắt được nhiều tiền”.  Những bước chân bì bõm giữa đêm tối, cái khoát tay bơi ra giữa dòng thả lưới của Tr. và một số ngư dân đi đánh cá sông lặng lẽ làm công việc của mình. Đến 2 giờ sáng thì Tr. cất lên một mẻ cá được chừng 5 kg, số này đem bán cho người buôn được 600 nghìn đồng. Vậy là trong một đêm, mỗi người kiếm được 200 nghìn đồng. Ngày mai còn sức thì lên rừng đào bới sâm cau, vào rừng lấy phong lan. Từ bao đời nay vết chân họ mòn vẹt trên những cánh rừng.

 Bán… rừng

Rừng Trường Sơn Quảng Trị với nhiều đặc chủng gỗ quý, gỗ hiếm, gỗ lớn…, những loài động vật một thời có mặt ở đây như bò tót, hổ, nai, hoẵng, tê tê… đã “ra đi” theo thương lái. Giờ đến lượt những cành cây, con vật bé nhỏ trong rừng cũng bị vặt ngang nhiên. Đoạn quốc lộ 9 (thôn Hà Bạc, xã Hướng Hiệp, huyện Đắk Rông) được xem là mô hình “rao bán rừng”. Ở đây có đầy đủ mọi đặc sản rừng với giá cả tùy theo khách quen hoặc lạ, người sành của hoặc không. Chị Nguyễn Thị Th., người bán thịt lợn rừng ở đây bảo với chúng tôi rằng: “Cá chình giá 550 nghìn đồng, thịt lợn rừng thứ thiệt 250 nghìn đồng/cân, chị cất trong nhà, lấy thì chị mang ra…”. Sau cái gật đầu của chúng tôi, hàng hóa yêu cầu được mang ra mà không hề đắn đo suy nghĩ. Nghe tôi thắc mắc về thịt rừng bày bán tràn lan, chị Th. nói rổn rảng: “Cấm chi mà cấm, ai cũng ăn được, mua được, sợ không có tiền mà mua”.  Chị Hồ Thị H. ở thôn Hà Bạc, xã Hướng Hiệp, huyện Đắk Rông cùng đứa con học lớp 7 và một cháu nhỏ lên 4 tuổi có thâm niên bốn năm bán đặc sản rừng. Sáu miệng ăn trong gia đình đều trông cậy vào những món kiếm được từ rừng. Vài đốt cây bổ máu, mấy buồng chuối hạt từ rừng, măng rừng, củ rừng, ốc rừng… cả ba thành viên trong gia đình anh chị với đứa con lớn kiếm được. Chị H. cho hay: “anh chị và cháu lội khe kiếm về ốc, trèo rừng kiếm về chuối, kiếm cây bổ máu… để bán được ít nhiều mua gạo. Người thanh niên thì tìm phong lan, đặt bẫy lợn rừng nhiều tiền hơn. Ở đây mấy lái buôn mua đặc sản rừng bán lại một lời gấp đôi, còn người bản thì tìm được chi bán nấy”.  Nhắc đến phong lan, một sản phẩm được bày bán phổ biến nhất ở đây chúng tôi tìm hiểu khá nhiều người mới hay rằng từ những cánh rừng thâm u của Trường Sơn hùng vĩ, phong lan được “lột trần”, ngay cả trong những khu bảo tồn thiên nhiên thì phong lan cũng bị lột. Và phong lan từ rừng được mang xuống phố, xuống quốc lộ để tiêu thụ. Phần lớn là người dân tự tìm kiếm và tự mang ra đường bán với giá cả khác nhau tùy chủng loại quý hiếm hay không. Hồ Văn P., trú tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa cho hay: “Em vừa bán hàng ở đây, vừa rao ở trên mạng, ai cho địa chỉ thì chuyển hàng rồi nhận tiền. Bán trên facebook nhanh mà được tiền nhiều hơn, toàn khách VIP ở thành phố. Ở đây người dân thôn bản đi lột lan rừng hàng chục km đường rừng, cũng cực khổ chớ sướng sung chi!”.

Ăn của rừng rưng rưng nước mắt  

Có lẽ, kết thúc câu chuyện rao bán của rừng này là những nỗi buồn. Lặn lội vào rừng tìm miếng cơm, manh áo của người dân hai huyện Hướng Hóa và Đắk Rông phần lớn là đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô. Họ đi thành lối mòn giữa rừng Trường Sơn từ ngày này sang tháng khác, vào rừng trăm năm tuổi cốt để tìm kế sinh nhai. Một tổ ong ở trên cành, con cá dưới nước, con cua trong hang, con lợn giữa rừng… đều là “bát cơm” đầy mồ hôi. Có khi là nước mắt.  Trong những chuyện từ rừng, hầu hết là rủi ro. Vì theo người dân ở bản thì ăn của rừng chỉ là sự trả vay. Người gặp may mắn sau đó cũng gặp phải cảnh này cảnh nọ. Ông Hồ Văn H., sống ở Ly Tôn (xã Tà Long, huyện Đắk Rông) sau thời gian vào rừng để… đào vàng, đời sống có khấm khá lên chút đỉnh thì ốm chết bất đắc kỳ tử. Cũng tại thôn Ly Tôn, anh Hồ Văn V. suốt ngày chăm chỉ vào rừng kiếm kế sinh nhai, khi cất được mái nhà lớn thì đứa con trai trong gia đình trôi sông… Và còn lắm chuyện chưa đủ để kiểm chứng, nhưng với quan niệm của đồng bào đó là rừng đòi nợ. Có quá nhiều cảnh sống lắt lay giữa núi rừng Trường Sơn mà khi chúng tôi chia tay, họ vẫn mang nặng trong mình một nỗi buồn. Bằng chứng là tới mùa giáp hạt, người dân vùng núi ở đây vẫn phải nhận trợ cấp gạo từ Nhà nước. Đến Tết cũng nhận gạo, nhận tiền, nhận thực phẩm, nếu không thì không có gì để ăn Tết. Hồ Văn Tr. chặc lưỡi rồi gãi đầu khi đề cập đến vấn đề này: “Cũng may còn có rừng…”.  Chúng tôi nghe nghẹn, may rủi rủi may, như tiếng chim cất lên rồi vụt tắt sau đám khói. Mùa này đồng bào đốt nương làm rẫy, giữa cái nắng như chan xuống trên những cánh rừng và lửa khói vất lên. Núi rừng Trường Sơn tỏa ra không khí ngột ngạt.