Rác thải y tế ở các điểm nóng COVID-19: Nguy cơ từ chất lây nhiễm

BVR&MT – Lượng rác thải độc hại tăng lên theo số lượng bệnh nhân COVID-19, tập trung tại các bệnh viện điều trị những người nhiễm SARS-CoV-2, bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung, khu dân cư bị phong tỏa.

Các nhân viên Công ty Cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương (Biwase) thu gom rác thải y tế ở các khu điều trị bệnh nhân COVID-19. (Ảnh: Huyền Trang/TTXVN)

Đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư ở Việt Nam từ ngày 27/4 đến nay với tốc độ tăng chóng mặt số ca mắc mỗi ngày, những ngày gần đây số mắc mới khoảng 8000-9000 ca/ngày, thậm chí có ngày lên tới hơn 13.000 ca.

Đặc biệt tại các điểm nóng, số bệnh nhân mới trên 4.000 ca/ngày, không chỉ gây ra những vấn đề nghiêm trọng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe toàn dân, ổn định và phát triển kinh tế-xã hội, mà còn tạo ra những mối lo ngại lớn về môi trường – đó là rác thải y tế và rác thải sinh hoạt phát sinh do dịch bệnh và chứa mầm bệnh.

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã sớm có các quyết định hướng dẫn quản lý chất thải và vệ sinh trong phòng, chống dịch COVID-19. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành một số văn bản gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước để tăng cường xử lý chất thải phát sinh do dịch COVID-19. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện ba bài viết về vấn đề này.

Bài 1- Nguy cơ từ chất lây nhiễm

Từ ngày 27/4 đến nay, số ca mắc COVID-19 tăng nhanh, tình trạng chất thải do dịch phát sinh mạnh. Lượng rác thải độc hại này tăng lên theo số lượng bệnh nhân COVID-19, tập trung tại các bệnh viện điều trị những người nhiễm SARS-CoV-2, bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung, các khu dân cư bị phong tỏa do có các ca F0…

Rác thải phát sinh lớn

Theo Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, mặc dù chưa có thống kê về số rác thải phát sinh do dịch COVID-19 trên cả nước, song với số lượng bệnh nhân tăng lên nhanh chóng, từ ngày 27/4 đến ngày 1/9, Việt Nam đã có hơn 460.000 ca nhiễm mới, trong khi tổng số ca từ đầu dịch năm 2020 đến nay là hơn 465.000 ca. Trong đó, ba tỉnh, thành phố đang là điểm nóng ghi nhận số ca mắc cao là Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai.

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh ngày 1/9 cho biết, số ca bệnh đã ghi nhận hơn 220.000 ca. Số ca F1 đang cách ly tập trung là 2.851 trường hợp, cách ly tại nhà là 19.217 người. Tâm dịch Bình Dương cũng vượt mốc 110.000 nghìn ca mắc, Đồng Nai ghi nhận hơn 24.000 ca mắc chỉ trong thời gian ngắn.

Do vậy, chất thải nói chung, chất thải y tế lây nhiễm nói riêng tăng lên, nhất là tại các bệnh viện, bệnh viện dã chiến do tăng trang phục, khẩu trang, găng tay cùng với nhiều trang thiết bị, bơm kim tiêm, dây chuyền dịch, thuốc men.

Nhiều khu cách ly tập trung hàng nghìn người được cung cấp khẩu trang, quần áo bảo hộ cũng như thực phẩm chế biến sẵn, góp phần tạo nên lượng rác lớn thải ra môi trường. Cơ quan y tế cũng sử dụng một lượng lớn các hóa chất khử trùng, chủ yếu là Chloramin B, cũng rất độc hại cho môi trường.

Do thường xuyên tiếp xúc với nguồn rác thải có nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh, lực lượng đảm bảo vệ sinh môi trường cũng được trang bị quần áo, thiết bị bảo hộ lao động, sử dụng các loại thuốc khử khuẩn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cũng làm tăng thêm lượng rác thải.

Theo Sở Tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, lượng rác thải liên quan đến COVID-19 trung bình là 78 tấn/ngày, thu gom từ 280 khu cách ly tập trung và bệnh viện dã chiến, với 95 phương tiện thu gom, vận chuyển và 417 công nhân hoạt động liên tục mỗi ngày.

Hiện nay, tỉnh Bình Dương có 21 cơ sở điều trị (bao gồm 5 bệnh viện dã chiến), 143 cơ sở cách ly y tế tập trung và 1.601 điểm/khu vực phong tỏa. Thống kê từ Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Bình Dương, hiện tổng khối lượng chất thải phát sinh trong hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh trung bình khoảng 40-70 tấn/ngày. Trong đó, chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 phát sinh từ các cơ sở điều trị, khu cách ly y tế tập trung là 18-20 tấn/ngày; chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 (được phân loại từ các hộ gia đình nhiễm F0, F1) của các khu phong tỏa là 20 tấn/ngày.

Với 85 khu cách ly, 423 vùng cách ly tập trung, phong tỏa và 9 bệnh viện dã chiến, theo các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai, chất thải phát sinh từ hoạt động của các bệnh viện dã chiến chủ yếu là chất thải lây nhiễm với khối lượng khoảng 5,4 tấn/ngày.

Các xe rác thải y tế đi về công ty phải qua những lớp khử trùng xe tự động. (Ảnh: Huyền Trang/TTXVN)

Ủy ban nhân dân các huyện và các thành phố Long Khánh, Biên Hòa (Đồng Nai) cho biết, chất thải phát sinh tại các khu cách ly, vùng cách ly tập trung, khu vực phong tỏa, bình quân là hơn 77,6 tấn/ngày, trong đó chất thải lây nhiễm trên 29,4 tấn/ngày, chất thải rắn sinh hoạt khoảng 48,2 tấn/ngày.

Tại Đà Nẵng, ngoài lượng rác thải sinh hoạt phát sinh là trên 600 tấn, thành phố phải xử lý lượng rác thải nguy cơ chứa SARS-CoV-2 hơn 3 tấn/ngày, chưa kể lượng rác thải, nước thải tại các bệnh viện dã chiến trên địa bàn.

Hướng dẫn kịp thời bảo vệ môi trường

Để sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh và bảo đảm vệ sinh môi trường… Bộ Tài nguyên và Môi trường đã liên tục, kịp thời có công văn đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện một số biện pháp cấp bách trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch COVID-19.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Thượng Hiền thông tin, ngay khi dịch COVID-19 xảy ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Bộ Y tế ban hành các hướng dẫn kỹ thuật liên quan đến phòng, chống dịch bệnh và quản lý rác thải y tế lây nhiễm tại các cơ sở y tế. Bộ cũng ban hành các văn bản chỉ đạo, đề nghị, đôn đốc các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý rác thải rắn sinh hoạt, đặc biệt là rác thải y tế lây nhiễm từ các cơ sở y tế, cơ sở cách ly tập trung.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc vận hành các công trình bảo vệ môi trường đối với các cơ sở y tế, cơ sở xử lý chất thải y tế, cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt; khử khuẩn nước thải sau xử lý tại các cơ sở y tế, các cơ sở cách ly tập trung, cơ sở xử lý chất thải y tế lây nhiễm, đảm bảo không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường.

Bộ đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ sở y tế và khu vực cách ly tập trung bố trí các điểm thu gom, lưu giữ khẩu trang y tế theo đúng quy định; hướng dẫn người dân đến các cơ sở y tế thăm, khám, trước khi ra về phải thải bỏ vào các thiết bị lưu chứa chất thải y tế và xử lý theo đúng quy định để ngăn ngừa nguy cơ phát tán mầm bệnh.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các địa phương trong việc quản lý chất thải y tế. Cụ thể, Bộ đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng chỉ đạo, hướng dẫn việc thu gom chất thải phát sinh tại 60 “điểm nóng” có dịch, 61 cơ sở cách ly y tế, hai bệnh viện dã chiến để xử lý tại các cơ sở xử lý chất thải, đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường và công tác phòng, chống dịch.

Các máy móc kiểm soát việc đổ rác từ xa và hệ thống xử lý rác bằng máy tính. (Ảnh: Huyền Trang/TTXVN)

Bộ phối hợp với Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Ban Chỉ đạo Quốc gia ban hành năm hướng dẫn về phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại gia đình; khu chung cư; trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng; tại lễ tang; xử lý thi hài người tử vong do dịch COVID-19. Trong đó, nhấn mạnh việc các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý rác thải rắn sinh hoạt, đặc biệt là rác thải y tế lây nhiễm từ các cơ sở y tế, cơ sở cách ly tập trung. Các địa phương kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thu gom, lưu giữ, chuyển giao chất thải y tế, đặc biệt là đối với khẩu trang y tế, các phương tiện phòng hộ cá nhân đã qua sử dụng thải bỏ.

Mới đây nhất, tháng 7/2021, trước diễn biến hết sức phức tạp của dịch COVID-19 tại nhiều địa phương trên cả nước, để đảm bảo xử lý kịp thời chất thải phát sinh do dịch COVID-19, nhằm sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh và vệ sinh môi trường, đặc biệt tại các địa phương đang thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường ra Văn bản số 4119/BTNMT-TCMT gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, về việc tăng cường xử lý chất thải phát sinh do dịch COVID-19.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện một số biện pháp cấp bách trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch COVID-19.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương tăng cường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở y tế, khu vực điều trị và chăm sóc bệnh nhân, khu cách ly (cách ly tập trung, cách ly tại nhà và các khu cách ly khác) tại địa phương thực hiện công tác thu gom, lưu giữ và chuyển giao chất thải sinh hoạt, chất thải y tế phát sinh do dịch COVID-19 theo đúng quy định tại Quyết định số 3455/QĐ-BCĐQG ngày 5/8/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 về “Hướng dẫn quản lý chất thải và vệ sinh trong phòng, chống dịch COVID-19.”

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo chính quyền các cấp ở địa phương để hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc các biện pháp quản lý chất thải y tế, chất thải sinh hoạt phát sinh do dịch COVID-19 tại nơi làm việc, ký túc xá cho người lao động, hộ gia đình, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, khu chung cư, tại lễ tang theo nội dung hướng dẫn tại các Quyết định liên quan của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19, Bộ Y tế.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tại địa phương chủ động liên hệ với các cơ sở xử lý chất thải nguy hại đã được cấp phép xây dựng phương án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế, đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tại địa phương chủ động liên hệ với các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế (bao gồm cả các cơ sở đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận kế hoạch vận hành thử nghiệm) để tăng cường xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch COVID-19; chủ động liên hệ với các địa phương khác có cơ sở xử lý chất thải y tế để hỗ trợ trong trường hợp các cơ sở xử lý chất thải tại địa phương không đảm bảo đủ năng lực xử lý hoặc không đủ năng hạ tầng xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch COVID-19.

Các địa phương khẩn trương xây dựng, điều chỉnh phương án xử lý chất thải y tế và tổ chức thực hiện kế hoạch thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải y tế tại địa phương cho phù hợp với tình hình diễn biến dịch COVID-19, đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường.

Bên cạnh đó, danh sách 77 cơ sở thuộc diện xử lý chất thải nguy hại và có chức năng xử lý chất thải y tế được Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi tới ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong tháng Năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục bổ sung ba cơ sở (2 ở Đồng Nai và 1 ở Nam Định) có chức năng xử lý chất thải y tế tại một số địa phương, nâng tổng số lên 80 cơ sở trên toàn quốc.