Vấn đề hôm nay: Phải biến rác thải trở thành tài nguyên

BVR&MT – Xã hội ta vốn trăm bề công việc lại phải đang vất vả đối phó với một “vấn nạn” trầm trọng tưởng chừng nhỏ bé mà đã lên đến tầm vĩ mô là Rác thải. Rác ta đa phần là tạp nhạp, không hề được phân tách dù bao nhiêu lần kêu gọi, phát động, chế tài… và khi đến bãi xử lý thì chỉ có cách chôn lấp chứ không thể có đủ lực lượng, thiết bị và thời gian để phân loại tái chế.

Đã quá đủ bài học kinh nghiệm để biết được ách tắc chính nằm ở 2 điểm trong cách xử lý rác từ chính người hay nguồn xả thải: Đó là không phân loại và đổ bừa bãi không đúng chỗ, không những thế phương tiện thu gom cũng gom đổ chung cùng thùng xe cho dù rác có khi đã được phân loại. Cuối cùng đó là lý do mà những khu xử lý rác thải dù được đầu tư tiền bạc thiết bị, nhân sự chuyên môn và có công nghệ hiện đại cũng không thể nào xử lý, tái chế, đốt bỏ được mà không còn con đường nào khác là phải chôn lấp để còn nhận tiếp cái thứ rác hỗn tạp kia.

Không chỉ riêng rác nội địa, ngay ở những cảng biển, các tàu nước ngoài và cả tàu Việt Nam đi viễn dương, rác thải được phân loại (theo tiêu chuẩn quản lý chất thải rắn quốc tế hàng hải theo công ước Marpol của IMO) trên tàu theo 9 nhóm: Plastic/ Thức ăn thừa/ Dầu ăn/ Rác sinh hoạt/ Rác làm hàng/ Tro hủy rác/ Cặn dư hàng hóa/ Xác súc vật/ Lưới, ngư cụ theo Annex 5 Marpol, và các tàu phân loại trong các thùng riêng có màu sắc quy ước đàng hoàng, nhưng thực tế đáng buồn là ở cảng biển Việt Nam, các phương tiện thu gom thủy bộ cũng nhận rác tàu đổ chung vào 01 xe hay ghe trước mấy cặp mắt tròn xoe không hiểu của thuyền viên nước ngoài để đưa về bô rác ven bờ, có phân loại trước cũng như không. Đây là vấn đề của ý thức vệ sinh người dân và người đổ rác nước ta.

Hàng năm Việt Nam tạo ra hàng triệu tấn xỉ than, gây ô nhiễm môi trường.

Tại sao ở những nước phát triển như Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Hà Lan, Đức…v.v.. rác thải được xử lý khoa học hợp lý triệt để, thậm chí Thụy Điển phải nhập rác về làm nhiên liệu đốt lò phát điện mà chúng ta loay hoay hoài làm mãi vẫn không giải quyết được để đến nỗi cứ phải chôn lấp không xuể để dồn ứ, ô nhiễm môi trường? Để giải quyết dứt điểm được cái tình trạng này thì chỉ còn một cách duy nhất là đánh đúng, đánh triệt để 02 điểm tắc đã nói trên, phải  quy định xả rác đúng chỗ và tiến hành phân loại được rác thải từ lúc xả nó ra nơi thu gom rồi vận chuyển rác được phân loại đó về bãi cuối, và chỉ cần như vậy mà thôi. Việc này phải làm càng sớm càng tốt từ ngay bây giờ!

Đã có quá nhiều giải pháp và chương trình hành động để làm được điều mang tính thời sự này nhưng điều quan trọng nhất là lại không được sự quan tâm đồng tình thực hiện của người xả thải hay cả người thu gom vận chuyển, thậm chí hiện ta đang mưu cầu chiến dịch chấm dứt sản xuất và sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần cho kinh doanh ăn uống, mua sắm nhưng khi rác thải tái chế đã thành tài nguyên thì điều này không còn quá cần thiết nữa mà trở thành biện pháp tích cực đồng hành để giài quyết “đầu vào” của vật dụng sinh hoạt nhằm hạn chế “đầu ra” là rác thải nhựa. Làm tốt được cả hai đầu thì rác thải sẽ không còn là một “của nợ” nữa mà thành tài nguyên với đủ mọi dạng hình nguyên nhiên liệu sản xuất cho xã hội.

Sử dụng công nghệ Nhật Bản, xỉ than được ứng dụng trong xây dựng nhà, đường đi.

Mọi nỗ lực bảo vệ môi trường riêng từ vấn đề rác thải của chúng ta đều vấp phải thói quen cố hữu của mọi người dân là sống sao cho tiện, cho nhanh, cho đơn giản, tiết kiệm, cho người khác gánh làm chứ không phải trách nhiệm mình… làm tình trạng rác thải cũng đâu vào đấy như cũ không hề thay đổi, vẫn ngổn ngang, bừa bãi, xấu xí. Tiền đề cho bài toán rác thải phải là ý thức mới, thói quen mới cho người dân về thái độ xử sự với rác thải do mình xả ra, và nhằm làm tuyệt nọc việc xả rác bừa bãi, hỗn tạp, thấy cần thiết nêu lên những biện pháp sau đây:

  • Sử dụng thế mạnh giáo dục bảo vệ môi trường cho thế hệ trẻ ngay từ mẫu giáo, cấp 1 đến sinh viên đại học để mấy bé, mấy em sẽ là nhân tố tích cực điều hướng sinh hoạt gia đình mình vào nếp sống có tôn trọng môi sinh. Chính những nhân vật này sẽ phản ứng với lối sống mất vệ sinh hay xâm hại môi trường ngay từ nhà của mình, sẽ chủ động thực thi sinh hoạt xanh sạch đẹp và yêu cầu được mọi thành viên gia đình khác cùng làm như đã được dạy dỗ và nghĩ rằng đó luôn là điều tốt. Làm được điều này thì ngay từ điểm xuất phát của rác thải, chúng ta đã có những bảo đảm tốt đẹp khả quan cho một thứ rác thải được quản lý, tập kết và phân loại nghiêm túc từ nguồn. Con đường này các nước phát triển đã đi trước nhiều năm và chính từ cái ý thức giữ gìn môi sinh có từ bậc học mẫu giáo đã thành thói quen tốt khó bỏ cho những công dân sau đó mà môi trường của những con người đó luôn luôn được tự giác bảo vệ vì cuộc sống của chính họ. Bắt đầu từ bây giờ thì sẽ không để vấn nạn xả thải tồn tại tệ hại muộn màng hơn. Hãy cho các cháu, các em được điểm + trong thành tích học tập nếu có những báo cáo kiểm tra được từ hành động bảo vệ môi trường từ nhà.
  • Xây dựng một văn hóa đổ rác cho cộng đồng dân cư và sản xuất để họ có ý thức về đạo đức, văn minh, trách nhiệm hơn trong việc đào thải ra xã hội những gì phế bỏ, dơ bẩn sau khi dùng cho sản xuất, dịch vụ, kinh doanh, sinh hoạt của mình. Phải dùng truyền thông, họp hành, khẩu hiệu để nâng cao nếp sống, nếp làm việc có tôn trọng môi trường trong sạch, bền vững và tạo được nhận thức xã hội là bảo vệ môi trường là hành vi đương nhiên, văn minh của một người có giáo dục tối thiểu để sống có trách nhiệm và biết tự trọng lẫn tôn trọng người khác, đồng thới hành vi xả rác bừa bãi hay hỗn tạp phải bị coi là tội lỗi không nhỏ gây hại xã hội rất đáng lên án.
  • Đồng thời với giáo dục, các địa phương từ cấp Phường Xã phải tổ chức được ở những đơn vị dân cư cơ sở (Thôn ấp, Tổ dân phố) những giám sát viên, cộng tác viên môi trường… lấy từ ban điều hành dân phố hay đoàn viên thanh niên hoặc cả thanh thiếu niên thất nghiệp… để kiểm tra tình hình rác thải và thu gom, cùng lúc phổ biến quy định và giải thích cho cộng đồng dân cư. Quỹ hỗ trợ của Địa phương sẽ chi trả công sức phù hợp với điều kiện ngân quỹ hay thu phí từ dân cho lực lượng này. Đây phải được các cấp chính quyền địa phương nhận thức không phải là chuyện nhỏ, chuyện phong trào mà là chủ trương chính sách lớn về văn hóa xã hội xây dựng nền nếp cuộc sống văn minh đô thị, tạo bộ mặt khu phố xanh sạch đẹp cho địa phương, quan trọng không kém các chỉ tiêu kinh tế đời sống. Tận dụng các vị trí công cộng để treo tranh cổ động và bản hướng dẫn phân biệt các loại rác cũng là hướng tốt để cư dân quen dần với cách thức phân loại rác và bảo vệ môi sinh.
  • Phải có chế độ quy định rõ ràng cho công việc thu gom, tập kết, vận chuyển rác thải, mà ở đó người làm nhiệm vụ thu gom CÓ QUYỀN TỪ CHỐI TIẾP NHẬN RÁC THẢI KHÔNG ĐƯỢC PHÂN LOẠI, và như vậy từ khâu thu nhận rác sơ cấp của các xe rác dân lập hay môi trường đô thị địa phương, người làm dịch vụ sẽ kiên quyết không đưa lên xe loại rác thải chưa phân loại theo quy định có thể lập cả biên bản hay ghi chú vào sổ theo dõi của riêng họ. Khâu thu nhận thứ cấp là các bô rác cùng đội vận chuyển sẽ dứt khoát không nhận lưu trữ và trung chuyển tất cả rác thải do xe rác đưa đến nếu chưa được phân loại đúng chuẩn. Khâu thu nhận cuối cùng là các bãi xử lý, chôn lấp, lò đốt cũng sẽ kiên quyết không tiếp nhận xử lý loại rác chưa được phân loại từ các xe tải rác hay xe ép chuyên dùng. Thậm chí nếu quá 03 lần nhập rác chưa phân loại theo quy định vào bãi thì sẽ bị lập biên bản và cấm cửa xe đó vào hoạt động trong bãi. Phải phân cấp quản lý tiêu chuẩn hóa thì mới bảo đảm được tinh thần phân loại rác thải theo các chế tài hiệu quả, và luôn phải có chế tài, trong đó có phạt hành chính hay lao động công ích để thực hiện giải pháp.
  • Nên có quy trình bố trí phương tiện thu gom vận chuyển xen kẻ nhau từng ngày hay nửa ngày sáng chiều để chỉ chuyên môn hóa thu nhận 01 hay 02 loại rác có phân biệt. Tất cả các phương tiện vận chuyển rác từ nhà nước đến xe thô sơ tư nhân đều phải mang màu sắc xe được sơn phân biệt tương thich với từng loại rác. Trừ xe chuyên dùng, các xe rác khác đều phải được phủ bạt chằng buộc kín kẽ để không rơi vãi trên đường vận chuyển và nếu có rơi vãi thì lộ trình, thời điểm nào đều thuộc trách nhiệm thu dung, quét dọn của bộ phận hay nhà xe đi ở đó. Những phương tiện hay bị phản ảnh không tốt sẽ bị nêu tên trên truyền thông và nhiều lần tái phạm sẽ bị chấm dứt dịch vụ.
  • Ngoài các chế tài còn phải có những hình thức động viên khen thưởng cho các hành vi phân loạI đúng chuẩn, xả thải đúng nơi, giữ gìn vệ sinh nơi ăn ở đúng quy định của người dân, như cần có việc tặng coupon giảm giá các dịch vụ công hoặc môi trường, có hệ thống chuyển đổi rác tái chế thành hàng hóa quy ước cùng giá trị (vé xe buýt, xà bông, bột giặt, giấy vệ sinh, thùng rác.. v.v..) và có biểu dương khen thưởng cụ thể trên bảng tin khu vực, và có thể sẽ quy định với trên 10 lần đạt thành tích “công dân môi trường” sẽ có huy hiệu và được miễn phí di chuyển trên phương tiện công cộng hay sử dụng các dịch vụ công.
  • Kết hợp với các giải pháp nội tại của vấn đề mang tính cấp thiết trên, đồng thời Chính phủ nên có chế độ khuyến khích hỗ trợ việc tái chế rác thải thành nguyên liệu đầu vào cho sản xuất các ngành, và mặt khác, nương theo công ước Basel cấm xuất khẩu chất thải phế liệu từ các nước phát triển để duy trì, tăng cường chế độ kiểm tra, hạn chế, cấm nhập phế liệu rác thải dưới mọi hình thái. Giải quyết được từ tầm vĩ mô việc này thì ta chỉ còn phải đối phó với tai họa rác thải ở con số trừ (-) chứ không còn bận tâm với con số cộng (+) của số lượng chất thải rắn cứ dồn ứ tăng lên của thành phố, đất nước. Khi làm tốt được chuyện phân loại trước khi được đưa đến bãi xử lý, rác nhựa và các thứ có thể tái chế, tái sinh sẽ được chuyển làm nguyên liệu sản xuất, rác hữu cơ sẽ chuyển thành phân vi sinh compost, rác các loại khác sẽ được chôn lấp thu khí sinh học hay đốt thu nhiệt năng phục vụ sản xuất và sẽ không có thứ gì bỏ đi. Rác sẽ không còn dồn ứ tràn lan gây họa mà trở thành Tài nguyên quan trọng cho phát triển và tiết kiệm ngoại tệ nhập khẩu.

Phải xem phân loại để xử lý được rác thải như một chương trình hành động quốc gia với trọng tâm là PHÂN LOẠI RÁC TẠI NGUỒN, TẠI PHƯƠNG TIỆN VẬN CHUYỂN VÀ ĐỔ RÁC ĐÚNG NƠI QUY ĐỊNH, vì đó chính là nguyên nhân cơ bản của vấn nạn rác thải trên toàn quốc. Dĩ nhiên là sẽ không có kết quả ngay nhưng chỉ sau 2, 3 năm, thực tế sẽ khác hẳn khả quan hơn và ta sẽ không đau đầu như những thành phố, quốc gia khác đang vất vả đối phó. Phân loại rác từ nguồn là điều kiện ắt có, phải tiên quyết và bằng mọi cách thực hiện chứ nếu không thì đến trăm năm sau ta cũng không bao giờ giải quyết được vấn nạn rác thải đô thị và dù cho có thêm ở TPHCM này 03 bãi xử lý có công nghệ hiện đại và nền hạ tầng bãi chôn lấp hoàn chỉnh như Đa Phước cũng bó tay với lượng rác đang tăng dần từng ngày theo đà tăng cơ học của dân số, và với rác tạp thì không có bãi xử lý nào có thể phân loại tái chế và đành chỉ có nước chôn lấp. Có thể ghi nhớ sinh tử là KHÔNG PHÂN LOẠI ĐƯỢC RÁC THẢI TỪ NGUỒN THÌ TA SẼ “CHẾT NGỘP” TRONG RÁC THẢI trong một tương lai không xa.

Lê Hùng