Rà soát tổng thể các hạng mục, đẩy nhanh tiến độ dự án sân bay Long Thành

BVR&MT – Văn phòng Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Thông báo số 88/TB-BGTVT về kết luận của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 diễn ra tại Hà Nội gần đây.

Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc bộ khẩn trương rà soát tổng thể các hạng mục, đẩy nhanh tiến độ dự án sân bay Long Thành.

Phối cảnh dự kiến sân bay Long Thành. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ để tập trung điều hành, chỉ đạo với mục tiêu hoàn thành dự án vào cuối năm 2024.

Trong thời gian vừa qua, Bộ Giao thông vận tải ghi nhận sự nỗ lực của các đơn vị trong quá trình triển khai dự án, đặc biệt là quán triệt thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và các chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải. Đến nay, mặc dù còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng của địa phương, dự án thành phần 3 đã có những chuyển biến tích cực, ACV đã thành lập Ban Quản lý dự án, xây dựng nhà điều hành, đồng loạt triển khai hạng mục san nền trên công trường, phấn đấu triển khai đúng tiến độ đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải.

Tuy nhiên, đối với các Dự án thành phần 1, 2, 4 do vướng mắc về cơ chế chính sách, vẫn còn nhiều hạng mục chưa đáp ứng yêu cầu, tiềm ẩn nguy cơ chậm tiến độ dẫn đến ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn dự án.

Để đáp ứng tiến độ triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu đối với dự án thành phần 1, giao Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông phối hợp với Vụ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất mời đại diện các chủ đầu tư các hạng mục công trình họp, tổng hợp tham mưu báo cáo, để Bộ Giao thông Vận tải gửi báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo của Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và UBND tỉnh Đồng Nai đẩy nhanh việc chuẩn bị và thực hiện đầu tư các dự án trên đảm bảo hoàn thành đồng bộ.

Đối với dự án nhà đầu tư của Cảng vụ hàng không, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương xây dựng kế hoạch vốn đầu tư trung hạn, hằng năm từ nguồn thu hợp pháp dành để đầu tư, trình Bộ Giao thông vận tải chấp thuận trong tháng 3/2022 để đảm bảo nguồn vốn xây dựng cho Nhà cảng vụ. Chậm nhất trong tháng 4/2022, Cục Hàng không Việt Nam phải lập tiến độ triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư Dự án Nhà cảng vụ Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.

Đối với Dự án thành phần 2, Bộ Giao thông vận tải cho hay, việc lựa chọn nhà thầu gói tư vấn (TV03) đã bị chậm tiến độ 2 tháng so với tiến độ đã được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận nên khả năng tiến độ thực hiện gói thầu tư vấn bị chậm. Yêu cầu VATM báo cáo tiến độ chi tiết hàng tuần, so sánh kết quả đạt được so với kế hoạch, đề xuất giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo khởi công phần móng chậm nhất vào tháng 10/2022, hoàn thành đồng bộ toàn dự án vào tháng 12/2024. Đồng thời, báo cáo kết quả thực hiện Dự án Trung tâm kiểm soát không lưu Hồ Chí Minh, đảm bảo đồng bộ với Dự án thành phần 2, báo cáo Bộ Giao thông Vận tải.

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam – VATM khẩn trương kiện toàn bộ máy của Chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án để đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án; nếu có khó khăn, vướng mắc, phải báo cáo kịp thời với Bộ, các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết.

Về Dự án thành phần 3, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng giám đốc ACV phải thường xuyên họp giao ban cùng Ban Quản lý dự án để kiểm điểm, đôn đốc tiến độ; định kỳ cập nhật và gửi báo cáo định kỳ tuần về Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đồng thời ACV chỉ đạo các nhà thầu tư vấn trong nước và nước ngoài khẩn trương tập trung toàn bộ nhân lực để đẩy nhanh tiến độ thiết kế; định kỳ hàng tuần họp kiểm điểm về tiến độ (lập hồ sơ thiết kế, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt, lựa chọn nhà thầu, thi công xây dựng) mời các cục chuyên ngành của Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Xây dựng tham gia dự các phiên họp.

Đối với gói thầu sàn nền – thoát nước, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu ACV, Ban Quản lý dự án chỉ đạo các nhà thầu khẩn trương rà soát các tiêu chuẩn kỹ thuật, chỉ dẫn kỹ thuật, lập tiến độ chi tiết, thống nhất tư vấn giám sát báo cáo chủ đầu tư phê duyệt làm cơ sở để kiểm điểm, đôn đốc tiến độ; khẩn trương hoàn thành việc chuẩn bị, tập trung đầy đủ máy móc, nhân lực, thiết bị và sớm triển khai thi công tất cả các mũi; kiểm soát chặt chẽ chất lượng thi công ngay từ những ngày đầu…

Đối với hạng mục công trình khác, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Ban Quản lý dự án rà soát, xây dựng lại tiến độ tổng thể, tiến độ tiết các hạng mục của dự án; trong đó lường trước yếu tố bất lợi thời tiết, đẩy nhanh tiến độ khởi công song song các hạng mục ưu tiên đã có mặt bằng thuận lợi, nghiên cứu tổng thể các giải pháp để rút ngắn tiến độ các hạng mục, phân chia gói thầu ưu tiên xử lý kỹ thuật đặc biệt, cơ chế chính sách theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Ban Quản lý dự án họp kiểm điểm tiến độ dự án hàng ngày với các nhà thầu;

Đối với Dự án thành phần 4, Bộ Giao thông vận tải nhìn nhận, hiện các căn cứ pháp lý để triển khai thực hiện công tác lựa chọn nhà đầu tư các công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không tại Dự án thành phần 4 đã được ban hành đầy đủ, đảm bảo cơ sở triển khai. Yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương thực hiện.

“Yêu cầu Vụ Kế hoạch và Đầu tư, Vụ Tài chính, Vụ Pháp chế, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông chủ động tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, hỗ trợ Cục Hàng không Việt Nam trong việc lựa chọn nhà đầu tư đảm bảo theo quy định của pháp luật, đảm bảo tiến độ chung của dự án”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo.

Dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 109 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,664 tỷ USD với mục tiêu xây dựng 1 cảng hàng không quốc tế cấp 4F tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai gồm 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm trên diện tích sàn 373.000 m2; 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Thời gian thực hiện dự án là từ năm 2020 đến 2025…