Quyết tâm chuyển đổi số, vì lợi ích thiết thực của đồng bào dân tộc thiểu số

BVR&MT – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhiều lần nhấn mạnh mục tiêu cuối cùng của chuyển đổi số trong công tác dân tộc là đến đúng đối tượng, kịp thời, nhanh chóng, chính xác, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vì lợi ích thiết thực của đồng bào dân tộc thiểu số.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Chuyển đổi số hiện nay là xu thế không thể đảo ngược trên toàn thế giới và Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó. Trong mấy năm gần đây, Việt Nam đã thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia với nhiều chương trình, hoạt động cụ thể, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương.

Trong đó, Ủy ban Dân tộc đã sớm xác định, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là nền tảng mang tính quyết định, giúp đẩy nhanh quá trình thực thi các quyết sách liên quan tới vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, giúp thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, hỗ trợ công tác giáo dục – đào tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế cho đồng bào…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Hầu A Lềnh và các đại biểu tại Lễ hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia của Ủy ban Dân tộc.

Năm 2022, Uỷ ban Dân tộc đã tích cực triển khai các văn bản của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số quốc gia; kiện toàn và tăng cường hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số. Đồng thời, tăng cường công tác phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công nghệ thông tin và an toàn thông tin; bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức về sử dụng các phần mềm ứng dụng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, chuyên môn, nghiệp vụ; việc khai thác, sử dụng và đảm bảo an toàn thông tin hệ thống mạng máy tính…

Bên cạnh đó, Ủy ban Dân tộc đã triển khai xây dựng Đề án Chuyển đổi số và ứng dụng CNTT trong quản lý, tổ chức, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; xây dựng cơ sở hạ tầng và phần mềm quản lý tài liệu lưu trữ của Uỷ ban Dân tộc; Cổng dịch công và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Uỷ ban Dân tộc; xây dựng kho dữ liệu và hệ thống khai thác thông tin thống kê công tác dân tộc và dữ liệu thống kê 53 DTTS; triển khai xây dựng kiến trúc chính phủ điện tử của Uỷ ban Dân tộc phiên bản 2.0…

Đặc biệt, Đề án Chuyển đổi số và ứng dụng CNTT trong quản lý, tổ chức, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia được xây dựng nhằm mục tiêu triển khai áp dụng công nghệ số, dữ liệu số, qua đó đổi mới và tăng cường hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát, đánh giá, nâng cao năng lực và truyền thông Chương trình.

Từng chia sẻ về một số khó khăn, thuận lợi của chuyển đối số trong công tác dân tộc, ông Nguyễn Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số (Ủy ban Dân tộc) cho biết: “Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã khó khăn rồi, chưa nói chuyển đổi số”.

Trong đó, hạn chế lớn nhất là về nhận thức. Cơ cấu của ngành gồm Ủy ban Dân tộc ở Trung ương và Ban Dân tộc ở các địa phương. Cả nước có 53 tỉnh, thành có đồng bào dân tộc sinh sống đông người nên có 53 ban Dân tộc. Nhiều cán bộ, công chức làm công tác dân tộc chưa nhận thức được tính quan trọng và hiệu quả của ứng dụng công nghệ thông tin, trình độ công nghệ thông tin hạn chế, nên rất khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin cho công tác dân tộc.

Vấn đề thứ hai là đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số liên quan đến khoảng cách, vùng sâu, vùng xa,… những nơi này ứng dụng công nghệ thông tin đòi hỏi quyết tâm rất cao. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin giữa các khu vực cũng khác nhau, ví dụ như miền núi khác vùng biển. Vì vậy, các phần mềm quản lý dữ liệu, xây dựng chương trình ứng dụng cho đồng bào sẽ khác nhau…

Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn thì cũng có những yếu tố thuận lợi như việc đồng bào DTTS được Đảng và Nhà nước rất quan tâm, có nhiều chính sách hỗ trợ.

Mới đây, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng phê duyệt có 10 dự án lớn. Trong dự án 10 có liên quan công nghệ thông tin là Tiểu dự án 2 – Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phát triển kinh tế – xã hội vùng DTTS và miền núi, bao gồm những việc liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin.

Nhận thức đúng, hành động đúng, quyết tâm cao thì sẽ thành công

Trong nhiều buổi làm việc về chuyển đổi số trong công tác dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh, để triển khai chuyển đổi số thành công, điều tiên quyết là cần có chiến lược, mục tiêu, giải pháp rõ ràng, dễ tiếp cận, bảo đảm tính khả thi.

Theo Bộ trưởng Hầu A Lềnh, cần đánh giá, rà soát lại tất cả những điều kiện cần thiết nhất cho chuyển đổi số trong công tác dân tộc và chính sách dân tộc để xác định đang có gì, thiếu gì và cần phải làm gì. Ngoài ra, các đơn vị của Ủy ban Dân tộc được giao nhiệm vụ cần tự chuyển đổi trước với quyết tâm cao và làm đến cùng dù gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt, việc liên thông, kết nối, đồng bộ dữ liệu của Ủy ban Dân tộc với các bộ, ngành, địa phương là rất quan trọng. Vì vậy, cần bảo đảm liên thông không chỉ trong nội bộ Ủy ban Dân tộc, nội bộ ngành mà còn liên thông với các ngành khác.

Theo Bộ trưởng Hầu A Lềnh, quá trình chuyển đổi số dù rất khó khăn nhưng nếu có nhận thức đúng, hành động đúng và quyết tâm cao, có sự ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, người dân thì sẽ thành công.

“Mục tiêu cuối cùng của chuyển đổi số trong quản lý, thực hiện Chương trình MTQG là đến đúng đối tượng, kịp thời, nhanh chóng, chính xác, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình, vì lợi ích của đồng bào DTTS”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm nhấn mạnh.

Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số Nguyễn Ngọc Hà cho biết, triển khai kế hoạch năm 2023, Uỷ ban Dân tộc sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên cơ sở phát huy những thuận lợi và tháo gỡ các khó khăn với mục tiêu: 80% cơ sở dữ liệu tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử được hoàn thành, kết nối và chia sẻ toàn quốc; hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được cập nhật và lưu trữ trên hệ thống lưu trữ điện tử; 70% các ứng dụng được triển khai chữ ký số; hoàn thành đầu tư cổng dịch vụ công quốc gia và hệ thống thông tin báo cáo của Uỷ ban Dân tộc.

Cùng với đó, Uỷ ban Dân tộc sẽ phát triển hệ thống tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ (LGSP) kết nối với các hệ thống thông tin, cơ sử dữ liệu trong nội bộ Uỷ ban Dân tộc và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) theo Khung Kiến trúc để trao đổi, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan bên ngoài; quy hoạch, đầu tư hệ thống máy chủ đồng bộ phục vụ việc lưu trữ, sao lưu dữ liệu, bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật hoạt động ổn định giai đoạn 2021-2025; nghiên cứu, xây dựng hạ tầng điện toán đám mây phù hợp nhu cầu chuyển đổi số và nguồn lực chung; đầu tư hệ thống thông tin báo cáo, đánh giá, giám sát phục vụ trung tâm điều hành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025…