Quyết liệt xử lý vụ việc vi phạm lâm luật tại Quỳ Hợp, Nghệ An

BVR&MT – Sau vụ việc tàn phá rừng ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), các cơ quan chức năng Nghệ An đã vào cuộc quyết liệt xử lý nghiêm vụ việc vi phạm lâm luật và ra quyết định khởi tố vụ án về hành vi hủy hoại rừng theo Điều 189, Bộ luật Hình sự.

Việc khai thác rừng được giao khoán theo Nghị định 163 của Chính phủ khi chưa được phép của cơ quan chức năng có thẩm quyền là hành vi vi phạm pháp luật.

Liên quan đến vấn đề này, Ban Thường vụ (BTV) Huyện ủy Quỳ Hợp cũng ra quyết định xử lý kỷ luật 10 Đảng viên đang giữ chức vụ vi phạm. Theo đó, BTV Huyện ủy Quỳ Hợp đề xuất BTV Tỉnh ủy Nghệ An cách các chức vụ Đảng đối với ông Nguyễn Tiến Cảnh, Ủy viên BTV, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Quỳ Hợp. Bên cạnh đó còn cách chức 07 cán bộ chủ chốt của xã Nam Sơn và xã Bắc Sơn (huyện Quỳ Hợp). Ngoài ra, hai cán bộ của BQL rừng phòng hộ cũng bị cách chức các chức vụ.

Các cán bộ này bị cách chức là do để hàng chục ha rừng thuộc Nghị định 163 của Chính phủ bị một số người dân đốn hạ, phát trắng và trồng mới cây keo lai thay cho rừng tự nhiên dẫn đến bức xúc trong dư luận.

Để xảy ra tình trạng trên, ngoài trách nhiệm của các chủ rừng và chính quyền địa phương thì ông Nguyễn Hữu Thanh, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quỳ Hợp thừa nhận: Kiểm lâm địa bàn chưa đi sâu, đi sát với chính quyền địa phương, chưa sát với chủ rừng và chưa làm tốt công tác tuyên truyền thường xuyên.

Cơ quan điều tra Công an huyện Quỳ Hợp khởi tố, xem xét trách nhiệm của 10 lãnh đạo huyện, xã có liên quan đến vụ phá rừng phòng hộ và chuyển đổi mục đích sử dụng trái phép tại xã Nam Sơn, Bắc Sơn, huyện Quỳ Hợp.

Trao đổi với phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường điện tử, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp khẳng định: Đất ở đây được giao cho dân theo Nghị định 163, rừng ở đây là rừng khoanh nuôi tái sinh, trong đó có một số diện tích thuộc nhóm 2B, nghĩa là đã có trữ lượng gỗ, nên giao cho dân là để quản lý, bảo vệ, không được khai thác. Nếu sau này đến thời kỳ tận dụng khai thác phải xin chủ trương của cấp có thẩm quyền, hơn nữa phải thiết kế và được phê duyệt mới được khai thác.

Bên cạnh đó, vụ việc chặt phá rừng tại xã Nam Sơn còn có sự tham gia của một số cán bộ tại địa phương. Vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết, hiểu biết pháp luật hơn dân, đáng ra phải làm gương, nhưng cán bộ lại vi phạm, nên người dân lại làm theo. Vì vậy, quan điểm của huyện, đối với người dân thiếu hiểu biết pháp luật, do điều kiện kinh tế khó khăn, trong khi có đất, có rừng, nhưng không có thu nhập thì có thể xử lý hành chính. Riêng nếu có cán bộ tham gia sẽ xử lý nghiêm để làm gương cho nhân dân.

Trước đó, vào khoảng thời gian đầu tháng 03/2017, tại địa bàn xã Nam Sơn, huyện Quỳ Hợp xảy ra tình trạng người dân phá rừng tự nhiên để trồng mới cây keo lai nguyên liệu. Theo đó, người dân được giao khoán rừng theo Nghị định 163 cho rằng, Nhà nước giao rừng cho họ bảo vệ thì việc khai thác là quyền của các hộ này. Tuy nhiên, sự việc sau đó đã được các cơ quan chức năng huyện Quỳ Hợp vào cuộc kiểm tra, xử lý và ngăn chặn kịp thời.

Từ năm 2010 – 2016, tại địa bàn xã Nam Sơn có 13 hộ dân được giao rừng theo Nghị định 163 của Chính phủ đã tiến hành chuyển nhượng bất hợp pháp hơn 63 ha đất rừng được giao quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh. Đặc biệt, số diện tích đất rừng này sau khi được chuyển nhượng lại đã bị một số người dân đốn hạ, phát đốt để trồng mới cây keo lai thay thế rừng tự nhiên.

Việc người dân được giao rừng theo Nghị định 163 của Chính phủ phải có trách nhiệm khoanh nuôi, quản lý, bảo vệ, không được xâm hại. Khi rừng đủ tuổi khai thác, muốn khai thác cần phải lập phương án và được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Do vậy, mọi hành vi xâm phạm đến tài nguyên rừng được Nhà nước giao cho các hộ dân bảo vệ khi chưa được phép đều vi phạm pháp luật, cần phải được xử lý nghiêm minh.

Đình Nguyên